9X ‘biến’ phụ phẩm củ ấu thành phân bón hữu cơ bán giá 25.000 đồng/kg
Tận dụng phế phẩm từ củ ấu, anh Nguyễn Trường An (29 tuổi, ngụ ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, H.Lấp Vò, Đồng Tháp) đã tạo ra phân bón hữu cơ với nhiều ưu điểm vượt trội.
Dày công nghiên cứu quy trình sản xuất
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, anh An làm việc tại một công ty chế biến thủy sản. Tuy nhiên, với mong muốn làm ra sản phẩm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao giá trị củ ấu quê nhà, anh quyết định nghỉ việc để nghiên cứu, khởi nghiệp từ nguồn phụ phẩm củ ấu.
Anh An sáng tạo ra phân hữu cơ từ vỏ ấu với lượng dinh dưỡng cao
Anh An cho biết người dân quê anh trồng ấu với số lượng lớn, nhưng hầu hết chỉ bán ấu tươi hoặc nấu chín. Nguồn phụ phẩm từ củ ấu đều chất đống đem bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, anh quyết tâm tận dụng phụ phẩm này để làm phân hữu cơ.
Tháng 1.2021, những sản phẩm hoàn thiện đầu tiên ra đời. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thu mua được nguyên liệu sản xuất nên đến đầu năm 2022, anh An mới tiếp thị sản phẩm ra thị trường.
Từ phụ phẩm củ ấu, anh An nghiên cứu tạo ra 2 dòng sản phẩm dạng viên nén và dạng bột
Anh An kể điều khó nhất khi bắt đầu khởi nghiệp là không có tài liệu nói về việc sản xuất phân bón từ vỏ củ ấu. Anh phải mất rất nhiều thời gian nghiên cứu và thất bại nhiều lần liên tiếp mới tìm ra được quy trình hoàn thiện.
Để tiếp thị sản phẩm ra thị trường, anh An cất công đi đến từng nhà vườn và làng hoa Sa Đéc giới thiệu sản phẩm, thậm chí tặng cho bà con sử dụng thử. Do sản phẩm hoàn toàn mới nên hầu như người dân rất dè dặt, không dám sử dụng cho cây trồng, hoa kiểng sợ cây suy, chết. Mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân chấp nhận. Đến khi sử dụng thấy hiệu quả, sản phẩm được khách hàng tín nhiệm.
“Biến” vỏ ấu thành tiền
Để sản xuất phân bón với số lượng lớn, anh An phải vay vốn ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại. “Vỏ ấu để ngoài tự nhiên mất 6 tháng mới hoai mục. Khi đưa vào sản xuất, tôi tiến hành xử lý, chỉ trong 1,5 tháng có thể sử dụng”, anh An chia sẻ.
Sản phẩm phân bón dạng bột
Mỗi tháng, anh An thu vỏ ấu tươi từ các cơ sở chế biến với số lượng từ 20 – 30 tấn. Nhờ đó, anh có thể cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn phân bón hữu cơ từ vỏ ấu hằng tháng.
Hiện anh An làm ra 2 dòng sản phẩm dạng bột và dạng viên, bán theo túi 2 kg và túi 25 kg. Dạng viên nén thường được nhà vườn ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) ưa thích, bởi sử dụng tốt cho hoa kiểng, nhất là hoa lan. Giá bán viên nén là 25.000 đồng/kg.
Phân bón từ vỏ ấu với dạng viên nén thích hợp sử dụng cho hoa kiểng
Theo anh An, phân bón vỏ ấu chỉ mới được sử dụng chủ yếu trên các loại hoa kiểng. Ưu điểm của sản phẩm là dinh dưỡng cao hơn, giúp bền bông, xanh lá, dày lá, kích cây ra bông. Sắp tới, anh sẽ thử nghiệm phân bón trên cây lúa và cây ăn trái. Đồng thời, anh nghiên cứu sử dụng dây ấu để làm ra phân bón.
Chị Lê Nguyễn Huỳnh Anh, Bí thư Đoàn xã Bình Thành, cho biết: “Đây là dự án mang tính sáng tạo, vừa đem lại kinh tế cho gia đình anh An, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giúp nông dân có thêm thu nhập từ nguồn phế phẩm củ ấu”.
THEO DUY TÂN
(Báo Thanh niên)