9 bài học dành cho startup rút ra từ cuộc đời của Steve Jobs
Bài viết giới thiệu đến bạn đọc về 9 bài học Steve Jobs dành cho các nhà sáng lập startup. Đây là những bài học được Tech in Asia biên tập lại từ cuốn sách “Steve Jobs” của tác giả Walter Isaacson. Đây là những đúc kết được rút ra từ quá trình Jobs đã sống và làm việc hết mình để phát triển Apple bước lên đỉnh cao và trở thành một công ty công nghệ hàng đầu như hiện nay.
1. Tập trung (Focus).
– Năm 1997, Jobs quay lại làm việc tại Apple. Lúc này công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm liên quan đến máy tính và thiết bị ngoại vi. Sau khi nắm bắt được danh mục sản phẩm của công ty thì ông đã cho ngừng lại tất cả.
– Sau đó ông chủ trương Apple chỉ tập trung sản xuất những sản phẩm đáp ứng được 4 tiêu chí: “consumer” (tập trung vào khách hàng), “pro” (sự chuyên nghiệp), “desktop” (máy tính) và “portable” (di động). Chính quyết định này của Jobs đã giúp cho Apple tập trung phát triển những sản phẩm cốt lõi. Từ đó tạo nền tảng để Apple xây dựng nên thương hiệu bền vững của mình. Jobs đã từng nói rằng: Quyết định không làm gì cũng quan trọng như quyết định nên làm gì (“Deciding what not to do is as important as deciding what to do”).
2. Đơn giản hóa (Simplified).
– Khi nhìn vào bất cứ điều gì Jobs luôn đơn giản hoá mọi thứ, ông chỉ tập trung vào bản chất của sự vật và bỏ qua mọi yếu tố bên ngoài không quan trọng. Trên marketing brochure đầu tiên của Apple có ghi: Sự đơn giản chính là hình thức phức tạp tinh vi nhất (“Simplicity is the ultimate sophistication”). Chính vì tư tưởng này, những sản phẩm của Apple được sản xuất dưới thời Jobs còn là CEO đều hướng đến sự tối giản và tiện dụng đối với người dùng.
3. Chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối (Take responsibility end-to-end).
– Một trong những điều mang lại thành công cho Apple là các sản phẩm của hãng này luôn hướng đến việc tối ưu hóa trải nghiệm dành cho người dùng. Apple tạo ra một hệ sinh thái cho phép các thiết bị của hãng có sự liên kết với nhau. Ví dụ điển hình đó là một chiếc iPod có thể kết nối với máy Mac và được sử dụng thông qua phần mềm iTunes. Với hệ sinh thái này, những thao tác phức tạp (như tạo một danh sách nhạc mới) có thể thực hiện trên máy Mac. Chính vì vậy mà các nút bấm trên iPod được tối giản hoá.
– Từ ví dụ đơn giản này ta có thể thấy được: Jobs và Apple luôn chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối đối với trải nghiệm của người dùng. Có thể thấy, đây là điều mà ít doanh nghiệp nào có thể làm được. Đây là minh chứng về tinh thần chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối của Jobs – một bài học dành cho các nhà sáng lập startup rất đắc giá.
4. Phải thực hiện bước nhảy vọt khi bị bỏ lại phía sau (When behind, leapfrog).
– Điều tạo nên sự đột phá của một công ty không chỉ nằm ở việc đưa ra những ý tưởng tiên phong, mới mẻ mà còn nằm ở khả năng tạo bước nhảy vọt khi bị bỏ lại phía sau. Khi Apple cho ra đời chiếc iMac đầu tiên, sản phẩm này bị hạn chế trong chức năng nghe nhạc.
– Thời điểm đó người ta thường nghe nhạc bằng cách nghe bằng CD thông qua máy tính. Lúc đó iMac không có chức năng chạy CD. Lúc đó Jobs quyết định tạo ra một bước cải tiến mới. Đó là sự hình thành nên hệ sinh thái: iTunes, iTunes store và iPod. Nó làm thay đổi cả ngành âm nhạc lúc bấy giờ.
Khả năng tạo bước nhảy vọt khi bị bỏ lại phía sau là điều rất cần thiết đối với startup.
5. Sản phẩm là ưu tiên trên hết (Products first).
– Vào những năm 1980, Jobs cùng đội ngũ của mình thiết kế ra máy Macintosh. Thời điểm đó ông dồn hết tâm sức để biết nó trở thành một sản phẩm tuyệt vời. Tuy nhiên việc này lại khiến chi phí tăng cao. Mặc dù Macintosh đã khiến Jobs bị sa thải thế nhưng ông vẫn tự hào vì nó. Ông nói mình và đội ngũ đã “tạo ra một vết lõm trong vũ trụ” với sản phẩm này. Vì Macintosh có thể được xem là đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực máy tính.
– Một trong những quan điểm trong kinh doanh của Jobs đó là: Hãy tập trung vào việc tạo ra sản phẩm tuyệt vời, rồi lợi nhuận sẽ đến.
6. Biến điều không thể thành có thể (Bend reality).
– Steve Jobs được biết đến là nhà lãnh đạo tài ba với khả năng thúc đẩy người khác thực hiện được những điều mà họ nghĩ mình không làm được. Khi sản xuất chiếc Macintosh, sản phẩm có hạn chế là thời gian khởi động quá lâu.
– Lúc này Jobs gặp kỹ sư phụ trách là Larry Kenyon để tìm ra giải pháp khắc phục. Jobs nói với Kenyon: Nếu nó có thể cứu một mạng người, anh có thể làm nó khởi động nhanh hơn 10 giây không? Kenyon đã nói rằng mình làm được. Và kết quả bất ngờ là sau vài tuần, chiếc Macintosh đã khởi động nhanh hơn 28 giây.
7. Kết hợp khoa học với tính nhân văn (Combine the humanities ).
– Job từng nói về mình rằng: Tôi luôn nghĩ mình rất “người” hệt như một đứa trẻ; nhưng tôi thích đồ điện tử (“I always thought of myself as a humanities person as a kid, but I liked electronics”). Jobs đã kết nối tính nhân văn với khoa học; sáng tạo nên công nghệ, nghệ thuật với kỹ thuật. Có thể có nhiều người giỏi công nghệ hơn ông; có nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ tài hoa hơn ông; nhưng hiếm ai có tinh thần kết nối tính nhân văn với khoa học như Jobs.
8. Nắm bắt cả bức tranh lớn và những chi tiết của nó (Know both big picture and details).
– Jobs quan niệm rằng người lãnh đạo phải giỏi trong việc xây dựng tầm nhìn và cả trong chi tiết. CEO của Time Warner – Jeff Bewkes – chia sẻ về Jobs: Một trong những đặc điểm nổi bật của Steve Jobs là khả năng phác thảo nên bức tranh tổng thể, bao quát; đồng thời vẫn chú trọng vào những chi tiết của bản thiết kế.
9. “Stay hungry, stay foolish”.
– Đây là câu nói rất nổi tiếng của Steve Jobs được nhiều người dùng để làm châm ngôn sống. Bởi một lý do rất đơn giản, Steve Jobs không nói suông kiểu hô hào. Câu nói được chứng minh bằng cả một hành trình sống và trải nghiệm của riêng bản thân ông. Và cũng chính vì nhờ luôn biết “stay hungry, stay foolish” mà Jobs đã mang đến cho thế giới những thiết bị công nghệ và cả những phần mềm rất đỗi thông minh và chuyên dụng, điều đó đã góp phần thay đổi rất lớn cái nhìn và phương thức sử dụng của thế giới về các thiết bị công nghệ do Apple phát hành.
Bài viết tham khảo thông tin từ Doanh nhân Sài Gòn, Tech in Asia.
Huỳnh Duyên