Nhà đầu tư nên thận trọng đánh giá mọi yếu tố cần thiết nhất để không lãng phí thời gian và tài chính khi chuẩn bị rót những đồng tiền quý giá cho một startup.

Nếu khởi nghiệp là khó khăn thì trở thành nhà đầu tư còn thách thức gấp nhiều lần. Dù số tiền nhiều hay ít, đầu tư vào các công ty startup là lựa chọn đầy rủi ro. Tuy rủi ro không có nghĩa là nếu họ thất bại thì nhà đầu tư sẽ phải ra đường nhưng tìm ra doanh nghiệp tiềm năng sẽ tiết kiệm đáng kể mọi nguồn lực cũng như đem lại lợi nhuận kếch sù.

Đầu tư liên quan tới khá nhiều yếu tố khách quan nằm ngoài kiểm soát như suy thoái kinh tế, thị trường biến động song chúng ta vẫn có thể đảm bảo rằng ít nhất công ty mà chúng ta đầu tư là lựa chọn phù hợp. Và tiềm năng thành công của một startup thực tế chỉ nằm ở người đứng đầu.

Trước khi cam kết đầu tư bất cứ khoản tiền nào cho một startup đầy hứa hẹn, hãy cân nhắc 6 tiêu chí mà HBR đưa ra để hạn chế tối đa rủi ro và chắc chắn có được quan hệ hợp tác thành công nhất.

CV của người sáng lập có những gì?

Chuyên gia John Rampton của Entrepreneur từng nói: “Các nhà đầu tư không muốn CEO mắc sai lầm với số tiền của họ”. Đây là lí do họ nên nghiên cứu về người đứng đầu dự án thật tỉ mỉ.

Hồ sơ kinh doanh, CV cá nhân, các dự án họ từng tham gia đều góp phần xác định xem đó có phải là chuyên gia trong ngành hay không. Bạn có muốn làm việc với một sĩ quan cảnh sát trong dự án kinh doanh bánh nướng? Hoặc bạn có sẵn sàng hợp tác với một nha sĩ trong lĩnh vực bán hàng thời trang?

Tóm lại, một nhà đầu tư khôn ngoan chắc chắn không muốn tài trợ số tiền cho ai đó mạo hiểm thử nghiệm. Ngược lại, một người có kiến thức chuyên sâu trong ngành và kinh nghiệm khởi nghiệp dày dạn sẽ đủ khả năng xử lí hoạt động kinh doanh và các tình huống thách thức trong tương lai.

Khả năng thể hiện của nhà sáng lập

Dù ý tưởng khả thi và kế hoạch kinh doanh vững chắc là 2 yếu tố hàng đầu để lựa chọn một startup thì khả năng giao tiếp của nhà sáng lập là đặc điểm quan trọng nhất trong khả năng bán hàng của họ.

Một nhà khởi nghiệp cần có khả năng kết nối với các nhà đầu tư, khách hàng và giới truyền thông. Họ cần khả năng kể chuyện xuất sắc để có thể chọn đúng nội dung cho đúng đối tượng. Hơn nữa, họ có thể tương tác với khách hàng, thúc đẩy người mua bằng lời kêu gọi hành động mạnh mẽ cũng như tích cực lắng nghe.

Martin Zwilling từng nhắc đến Howard Schultz, người sáng lập Starbucks và Chad Hurley, người sáng lập YouTube, như những ví dụ điển hình về cách kể chuyện tuyệt vời bởi họ biết cách biến ‘tôi’ thành ‘chúng tôi’, biết cách kể một câu chuyện làm sáng tỏ sở thích, mục tiêu hoặc vấn đề mà cả người nói và người nghe cùng quan tâm.

Mức độ đáng tin của nhà sáng lập

David Rose, người sáng lập nhóm đầu tư New York Angels và là Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Gust, khẳng định phẩm chất số một cần có ở một doanh nhân khởi nghiệp là sự chính trực.

Ở cương vị là một nhà đầu tư, ông cho rằng rất nhiều điều không thể kiểm soát nên lòng tin là điều cần thiết tuyệt đối. Nói cách khác, bạn cần phải đảm bảo rằng người đứng đầu dự án sẽ không chỉ lấy tiền rồi bỏ chạy, hoặc bỏ cuộc vào thời điểm khó khăn. Họ phải có sự chính trực và nỗ lực không ngừng để biến ý tưởng trên giấy thành hiện thực.

Kế hoạch khởi nghiệp có đủ tiêu chuẩn 3C

Nhiều năm trước, Cliff Ennico, người dẫn chương trình truyền hình thực tế PBS MoneyHunt, từng nhắc nhở các doanh nhân khởi nghiệp nên có một kế hoạch kinh doanh bao gồm “ba chữ C”:

– Ý tưởng hấp dẫn: tại sao khách hàng lại mua sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty khởi nghiệp.

– Quản lí có năng lực: Đội ngũ phải tài năng và am hiểu công việc kinh doanh.

– Dòng tiền: Doanh thu phải đủ chi trả cho các chi phí hoạt động cơ bản.

Nếu một startup dành thời gian và phân bổ nguồn lực để đáp ứng đủ 3 yếu tố này, họ thực sự tận tâm với ý tưởng khởi nghiệp. Nhờ đó, bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn trước khi kí séc cho họ.

Nhà đầu tư quen thuộc với thị trường này không?

“Các nhà đầu tư đều muốn giảm thiểu rủi ro càng nhiều càng tốt”, nhà đầu tư và doanh nhân Qais Al Khonji chia sẻ. Đó là lí do tại sao rất nhiều nhà đầu tư không quá lo lắng khi hỗ trợ các startup liên quan đến phần mềm hoặc chăm sóc sức khỏe bởi những ngành này có lượng khách hàng lớn và tiềm năng thu lợi nhuận cao.

Ngoài những ngành đó, bạn nên cân nhắc khi làm việc với những người quen biết như đồng nghiệp cũ hoặc ai đó được giới thiệu. Những người đưa ra ý tưởng trong một lĩnh vực mà bạn quen thuộc rất đáng để lắng nghe vì bạn và người đó đã có chung sở thích.

Khả năng thu hút nhân tài

Ngay cả với tư cách là một nhà đầu tư, bạn cũng phải tự hỏi liệu nhà sáng lập có phải là người có thể thu hút nhân tài làm việc cho họ. Người đứng đầu có thể thuyết phục và truyền cảm hứng cho những nhân viên tương lai cống hiến hết sức cho công việc kinh doanh hay không?

Nhân viên là những người sẽ mất việc nếu công ty thất bại nhưng vẫn cống hiến ở mức độ cao dù mức đầu tư tài chính thực tế của họ có thể không nhiều. Các nhà đầu tư nên tìm kiếm những người sáng lập có thể thu hút và giữ những nhân viên như vậy.

Marco Benvenuti, đồng sáng lập Duetto (startup ngành khách sạn ở Thung lũng Silicon), nhận định việc tạo cho nhân viên ý thức về mục đích đã giúp họ thu hút rất nhiều nhân viên giỏi, mở rộng thị trường vô cùng nhanh chóng.

Theo Vietnammoi