6 tháng đầu năm, Chính phủ đã cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh
Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 đã diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7 vừa qua.
Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế bị tác động cả ở phía cung và cầu, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt mức 2,7%-4,9%.
Trước những khóa khăn, thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; kiên định với mục tiêu tăng trưởng 3-4%; lạm phát dưới 4%; Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục phát huy những mặt đạt được trong công tác cải cách hành chính;
Tính từ đầu năm đến nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước và đón nhận làn sóng FDI từ nước ngoài chảy về, trong thời gian tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động đã tích hợp, cung cấp 801 dịch vụ công trực tuyến; hơn 51 triệu lượt truy cập (tăng gấp đôi so với 3 tháng trước); có hơn 196.000 tài khoản đăng ký, gần 12 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái… Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Theo EuroCham, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư trong nước, từ đó trở thành một thị trường hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Trong vài thập kỷ tới, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm ước tính là 5% trong giai đoạn 2014 đến 2050.