5 lời khuyên mà các startup cần cân nhắc khi bắt đầu khởi nghiệp
Những bạn trẻ lần đầu khởi nghiệp dường như là một miếng bọt biển khổng lồ, ‘thấm hút’ tất cả lời khuyên mà mọi người đưa ra, từ cố vấn và sếp cho đến bạn bè và gia đình.
Nhìn chung, đây là một điều tốt nhưng thứ còn quan trọng hơn là cách bạn học hỏi những quan điểm mới và cởi mở với những trải nghiệm đa dạng. Các doanh nhân vĩ đại tìm ra ý tưởng mới và phương pháp giải quyết vấn đề bằng cách đó.
Thật không may, không phải tất cả lời khuyên đều đáng để làm theo. Một số thậm chí có thể gây hại nhiều hơn. Dù ý định của người đưa ra lời khuyên thường rất tốt đẹp – giúp bạn khởi nghiệp thành công – nhưng áp dụng 5 phương châm dưới đây có thể dẫn đến những hậu quả không mong đợi hay thậm chí vô cùng tồi tệ.
Tiếp thu mọi lời khuyên có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại của các start-up. Ảnh: Getty
Theo đuổi đam mê
Doanh nhân nổi tiếng Mark Cuban từng thừa nhận “hãy theo đuổi đam mê” là một trong những lời khuyên kinh doanh tồi tệ nhất mà ông từng nghe. Nó thực sự tồi tệ như vậy ư?
Khi bạn đam mê điều gì đó, bạn sẽ có động lực để nỗ lực chăm chỉ và tốt hơn nữa là bạn yêu thích sự nỗ lực đó. Cốt lõi của lời khuyên này là nếu bạn đam mê kinh doanh, bạn sẽ bớt căng thẳng và tự động làm việc chăm chỉ hơn để đạt mục tiêu.
Tuy nhiên, vấn đề là bạn không thể bắt đầu chỉ với một đam mê và hy vọng biến nó thành doanh nghiệp. Ý tưởng hay đam mê của bạn cần phải là thứ có giá trị đối với mọi người. Ví dụ: bạn có thể đam mê ăn bỏng ngô nhưng thị trường không cần đến những người ăn bỏng ngô chuyên nghiệp. Hãy tìm cách cân bằng giữa sở thích và thực tế.
Làm việc chăm chỉ
Cụm từ “làm việc thông minh hơn chứ đừng chăm chỉ hơn” tồn tại vì một lí do. Dù đức tính cần mẫn của bạn cũng có nhiều giá trị trong sự nghiệp; thể hiện động lực, cảm hứng và sẵn sàng hy sinh, yếu tố quan trong nhất tạo nên một doanh nghiệp thành công lại là thông minh và khôn khéo.
Vấn đề với lời khuyên này là cách diễn giải tiềm năng của nó. Thay vì xem “làm việc chăm chỉ là quan trọng”, mọi người lại thấy “làm việc chăm chỉ là điều cần thiết để thành công” hoặc “làm việc chăm chỉ là cách duy nhất để cải thiện”.
Trên thực tế, làm việc quá sức – chẳng hạn như khiến bản thân kiệt sức vì không bao giờ nghỉ ngơi – là yếu tố làm giảm năng suất và động lực của bạn. Hơn nữa, làm việc chăm chỉ vì những lí do sai trái hoặc sai cách cũng giống như bạn đập đầu mạnh hơn để xuyên qua bức tường gạch. Luôn có những giải pháp thông minh hơn tăng giờ làm việc và nhiệm vụ của bạn là tìm ra chúng.
Khởi đầu một thứ hoàn toàn độc đáo
Chén Thánh của tinh thần kinh doanh là ý tưởng “độc đáo” (original) – một ý tưởng mà mọi người cần nhưng chưa ai nghĩ đến trước đây. Vấn đề của lời khuyên này là những ý tưởng như vậy vô cùng khó thực hiện hoặc bất khả thi. Và một thực tế thậm chí phũ phàng hơn là hầu hết những ý tưởng đầu tiên đều tệ hại.
Google có phải là công cụ tìm kiếm đầu tiên không? YouTube có phải là kênh video trực tuyến đầu tiên không? Amazon có phải là cửa hàng sách trực tuyến đầu tiên không? Dĩ nhiên là không.
Một số công ty khởi nghiệp tốt nhất và thành công nhất trong thế hệ của chúng ta không phải là những ý tưởng “nguyên bản” mà là những cải tiến lớn đối với những ý tưởng sẵn có. Đừng chỉ tập trung tạo ra một thứ gì đó, hãy làm nó tốt hơn.
Tin tưởng trực giác
Trực giác là thứ hoàn toàn được đánh giá cao. Một số doanh nhân đã đạt thành công lớn nhờ tin tưởng vào trực giác khi đưa ra quyết định nhưng lời khuyên máy móc về một thứ mơ hồ như vậy là không thực tế.
Hãy nghĩ về tất cả những start-up khởi nghiệp thất bại chỉ vì tin tưởng vào cảm tính và thua cuộc. Những người này có được hỏi về lời khuyên khởi nghiệp không?
Điều này không có nghĩa là bạn nên hoàn toàn bỏ qua bản năng. Với trải nghiệm dày dạn, cảm giác nhạy bén thực sự có thể là một vũ khí mạnh mẽ nhưng trong những ngày đầu tiên khởi nghiệp, hiểu biết còn hạn chế, cơ sở bạn nên tin tưởng là dữ liệu xác thực thay vì độc thoại nội tâm của bản thân.
Tận dụng mọi cơ hội
Cuối cùng bạn phải học cách nói ‘không’. Tiếp nhận mọi khách hàng mới, khám phá mọi con đường mới để sản xuất và tăng lợi nhuận, thử nghiệm mọi ý tưởng mới có vẻ khá hấp dẫn. Đây là phong cách kinh doanh bằng mạng lưới rộng mở nhưng nếu bạn duy trì trạng thái như vậy, cuối cùng, bạn sẽ thấy mình kiệt sức mà không thu được nhiều.
Đừng quá lo lắng về việc tận dụng mọi cơ hội. Hãy mở rộng cửa đón nhận mọi thứ và thận trọng xem xét hầu hết, nếu không phải tất cả, các cơ hội nhưng đừng ép buộc bản thân phải đón nhận nhiều hơn những gì bạn có thể xử lí. Bám sát những thứ bạn cảm thấy có nhiều tiềm năng nhất là đủ.
Những lời khuyên này vốn dĩ không tệ và thực sự có thể truyền cảm hứng cho một số người hoặc làm áp dụng cho một số mô hình kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, chúng không thể được áp dụng rộng rãi, cũng như không nên xem là chân lí tuyệt đối. Học hỏi từ những lời khuyên này (từ cả ưu và nhược điểm) để đưa ra lựa chọn khôn ngoan nhất.
Theo Vietnammoi