20 bài học ‘xương máu’ của chàng trai dành 10 năm thanh xuân để khởi nghiệp 8 lần
Tự nhận mình là người dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, với 8 thương hiệu chính và không biết bao nhiêu startup nho nhỏ khác chưa được tính vào, Tuấn Hải đã có cho mình khá nhiều bài học “xương máu” dành cho các bạn trẻ yêu thích kinh doanh và muốn thử sức mình.
Tuấn Hải – Chàng trai dành cả thanh xuân để khởi nghiệp
10 năm – 8 lần khởi nghiệp, đó là câu chuyện của Tuấn Hải, chàng trai từng được rất nhiều người biết đến qua những startup nổi tiếng và cực chất ở Hà Nội. Sinh năm 1990, bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2009 – Tuấn Hải cùng đứng sau khá nhiều cái tên quen thuộc như Rêu Store, Consignista – tiệm đồ ký gửi, Home Coffee & Decor…
Hiện tại, Tuấn Hải vừa là đồng sáng lập 1 agency khá có tiếng tại Hà Nội, vừa mở một tiệm salad nhỏ phục vụ online và một brand chuyên về đồ refill/re-se, bảo vệ môi trường.
Tự nhận mình là người dành cả thanh xuân để khởi nghiệp, với 8 thương hiệu chính và không biết bao nhiêu startup nho nhỏ khác chưa được tính vào, Tuấn Hải đã có cho mình khá nhiều bài học “xương máu” dành cho các bạn trẻ yêu thích kinh doanh và muốn thử sức mình. Những bài học của 10 năm ấy đã được Tuấn Hải đặt bút viết thành 20 điều cô đọng dưới đây.
“Trước khi nói về những bài học của mình trong 10 năm khởi nghiệp, mình muốn nói đến 2 chữ ” khởi nghiệp” trước. Mọi người thì hay dùng “khởi nghiệp” để nói về công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung.
Với mình “khởi” nghĩa là bắt đầu. Còn “nghiệp” là tất cả những gì chúng ta nghĩ, chúng ta nói và hành động. Vậy “khởi nghiệp” là bắt đầu những gì chúng ta nghĩ, chúng ta nói ra và chúng ta hành động. Hiểu được như thế thì sẽ thấy đơn giản hơn rất nhiều, và thấy trách nhiệm hơn với những gì chúng ta nghĩ, nói và hành động.”
#1: Địa điểm trong kinh doanh là rất quan trọng
Cửa hàng thời trang đầu tiên của Hải được khai trương vào một ngày tháng 3 năm 2011 ở căn nhà tập thể đối diện cổng trường cấp 3 Trần Phú, Hà Nội. Thời điểm đó, Rêu Store của Hải rất nổi tiếng. Bán gì cũng chạy, hàng mới về là hết chỉ sau 1, 2 ngày.
Chính vì quá tự tin vào sức nóng của cửa hàng đầu tiên, nên Hải và partner đã quyết định mở thêm 1 cửa hàng nữa ở trên phố Tạ Hiện.
Đây là sai lầm lớn nhất của Hải khi mở Rêu. Thứ nhất: Mở 2 cửa hàng trên cùng một địa bàn kinh doanh, không mở rộng được tệp khách hàng, thậm chí còn chia lượng khách cho nhau.
Thứ 2: Cửa hàng trên phố Tạ Hiện hồi đó có 2 tầng – tầng 1 lại không đủ diện tích để làm không gian chính. Thực tế khách rất ngại đi lên cầu thang, chi phí nhân viên cũng bị nhân đôi nên kinh doanh không hiệu quả.
Thứ 3: Không khảo sát kĩ về giao thông và lượng người qua lại tại địa điểm mới. Hoạt động được 2 tháng thì phường Cấm để xe trên vỉa hè gây khó khăn trong việc gửi xe và giao thông qua lại. Chỉ cần một lần đi qua và thấy không thuận tiện, khách sẽ dễ dàng bỏ chúng ta ngay.
Bài học: Trước khi thuê 1 địa điểm nào đó, hãy ngồi trà đá ở gần đó từ sáng đến chiều, từ trong tuần đến ngày cuối tuần để xem giao thông và lượng người qua lại ra sao rồi mới quyết định thuê hay không thuê.
#2: Thay đổi hay là chết
Rêu Store được biết đến là cửa hàng thời trang nam theo phong cách vintage, Hàn Quốc. Như đã nói ở trên, ngày đó khi mở cửa, Rêu rất hot. Bất cứ ngày nào chỉ cần thông báo có hàng mới là khách kéo đến nườm nượp, hàng bán vèo vèo. Thế nhưng, sau 03 năm, khách hàng cũ lớn lên và cần những item trưởng thành hơn, người lớn hơn.
Còn khách hàng mới lại là những bạn trẻ, họ cần những thứ mới mẻ hơn, trendy hơn. Phong cách của Rêu thì vẫn vậy. Thời điểm đó Rêu không thay đổi, không bắt kịp được xu hướng thời trang hiện tại nên đã phải nhường thị trường cho những brand khác mới xuất hiện trên thị trường.
Bài học ở đây là: Luôn làm mới mình kể cả khi lúc thành công nhất. Luôn nghĩ mình tốt rồi để không thay đổi là bảo thủ và giết chết thương hiệu.
#3. Xu hướng là thứ nhanh nổi và dễ chìm nhất
Quán cafe đầu tiên mình mở là Home Coffee, cũng là nơi dạy mình một bài học đáng nhớ. Hồi đó, nếu có ai hỏi mình là điểm đặc biệt quán cafe của mình là gì, mình sẽ tự tin trả lời rằng đó chính là concept của Home Coffee. Không gian của Home như một ngôi nhà có đầy đủ các phòng từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ.
Ngày đó, Home tạo ra xu hướng các quán cafe decor đẹp để các bạn có thể để chụp hình, check in. Nhưng sau này, mình biết rằng đó là một câu trả lời sai của mình. Những gì nổi nhanh thì cũng chìm nhanh nếu như đó là một giá trị không bền vững. Khách đến với Home chỉ với mục đích chụp hình, check in thì khách cũng sẽ bỏ mình nếu có một quán khác xuất hiện với không gian đẹp hơn.
Với mô hình cafe, mình thấy quan trọng nhất vẫn là 3 điều: không gian thoải mái, đồ uống ngon, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp để mình có thể ghé đến thường xuyên để cafe với bạn hoặc làm việc.
Bài học của mình là: Nếu muốn đi đường dài, hãy tập trung vào giá trị cốt lõi của sản phẩm. Xu hướng sẽ đến rồi đi và thay đổi liên tục, chỉ có chất lượng là thứ sẽ níu giữ khách hàng ở lại với bạn.
#4: Hãy tìm những người đồng hành có những gì mà bạn thiếu, giỏi những gì mà bạn yếu
Home là quán cafe. Một trong những yếu tố quan trọng để duy trì Home chính chất lượng của menu, khâu vận hành của quán. Partner của Home ngày đó có 3 người nhưng đều là những người đầy cảm hứng, thiên về sáng tạo, truyền thông. Tuy nhiên, trong nhóm Co-Founder của Home không có ai có kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B.
Vậy nên bài học lớn tiếp theo từ Home, đó là với các dự án khởi nghiệp – chọn partner là rất quan trọng. Partner đó phải là người bù đắp được những điểm yếu của mình. Một người giỏi về truyền thông thì người kia ắt hẳn giỏi về tài chính. Một người thiên về sáng tạo thì người kia giỏi về vận hành.
Startup là một chặng đường dài nên việc chia sẻ được công việc và những gánh nặng cho nhau là rất quan trọng. Đối với những ngành, sản phẩm có tính đặc thù, phải là những người trong ngành, có kinh nghiệm sẽ giúp mô hình của bạn chuyên nghiệp và đi đúng hướng hơn.
Chúng ta không nên cố gắng làm những điều chúng ta không giỏi: Vừa mất thời gian và lại không hiệu quả.
Đối với những ngành, sản phẩm có tính đặc thù, nên lựa chọn những người trong ngành, có kinh nghiệm sẽ giúp mô hình của bạn chuyên nghiệp và đi đúng hướng hơn. Chúng ta không nên cố gắng làm những điều chúng ta không giỏi: vừa mất thời gian và lại không hiệu quả.
#5. Luôn rõ ràng trong việc xác định khách hàng của bạn là ai và tính cách thương hiệu của bạn là gì ?
Mình từng có một cửa hàng nhỏ bán đồ nội thất, trang trí nhà cửa có tên Kay Decor. Sau khi Kay hoạt động được 3 năm tại địa chỉ số 7 Nguyễn Khắc Cần thì mình và người chị làm cùng có 1 quyết định táo bạo là mở thêm Kay tại B2 của Royal City.
Tháng đầu khai trương khách vào cửa hàng tấp nập và vô cùng đông vui. Thế nhưng, khách chủ yếu lại chỉ xem và nhìn chứ không mua. Duy trì được 1 thời gian ngắn mình cũng đóng Kay tại Royal.
Bài học: Cá nhân mình thấy bối cảnh hiện tại đưa brand vào trung tâm thương mại vẫn chưa thật sự hiệu quả và lãng phí đầu tư với những brand vừa và nhỏ. Người dân không có thói quen mua sắm trong trung tâm thương mại, phụ thuộc lớn vào traffic của bản thân mall đó.
Nhất là với Kay, định vị khách hàng là chị, em văn phòng, tranh thủ sau giờ làm, giờ nghỉ trưa cuối tuần ghé qua mua quà tặng hoặc đồ trang trí gia đình sẽ không đến trung tâm thương mại. Trong 1 phút giây xác định sai định vị thương hiệu của mình, khách hàng của mình là ai sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm đáng tiếc khác.
#6: Đã sản xuất phải chủ động và kiểm soát được chất lượng sản phẩm của mình
Mình vẫn rất thích thời trang, một trong những lý do đóng Rêu đó là bởi mình cảm thấy nhập hàng để bán không phải là con đường dài mà mình muốn theo đuổi. Mình muốn chủ động về mặt sản xuất. Đó là lý do mình đã quyết định bắt đầu với Metric Design.
Mình đã tìm rất nhiều xưởng sản xuất riêng biệt cho từng mặt hàng: xưởng áo phông, áo nỉ riêng, xưởng áo sơ mi riêng, xưởng quần âu riêng, xưởng jean riêng, xưởng áo len riêng, xưởng áo khoác riêng.
Thế nhưng, vấn đề lớn mình gặp phải là chất lượng sản phẩm không đồng đều và thời gian giao sản phẩm không đúng hạn. Sau gần 2 năm, mình quyết định đóng Metric Design vì không tìm được giải pháp trong việc kiểm soát chất lượng sản xuất của sản phẩm.
Bài học: Trong kinh doanh, phải xác định đâu là yếu tố sẽ đưa đến nguồn thu nhập chính của mình. Với Metric Design thì rõ ràng sản phẩm là nguồn thu chính, mình sản xuất hàng nhưng không làm chủ về công nghệ, máy móc, con người. Như vậy là không đúng.
Nếu có bắt đầu lại, mình sẽ cố gắng có xưởng riêng – ít nhất để sản xuất những sản phẩm chủ lực để không phụ thuộc và kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
#7: Hãy bắt đầu bằng những thứ bạn thích và đam mê. Hãy nghĩ cả ngày về những ý tưởng của bạn.
Khi khởi nghiệp, sẽ có rất nhiều ý tưởng đến với bạn. Nhưng điều quan trọng nhất là thực tế, giữ chân chạm mặt đất và đánh giá đúng khả năng của mình và tiềm năng của ý tưởng để hiện thực hoá nó.
#8: Khởi nghiệp là một hành trình đầy bất ngờ mà rủi ro và thất bại luôn song hành
Consignista – Nhà kho ký gửi, mở năm 2013 tại Zone 9 – đây là tổ hợp vui chơi của giới trẻ lúc bấy giờ. Đây là mô hình nhà kho ký gửi đầu tiên ở Việt Nam với slogan “Cũ người mới ta” – mọi người có thể mang đồ của mình đến gửi bán từ quần, áo cho đến phụ kiện, đồ trang trí gia đình. Vừa giải quyết được những đồ cũ không dùng nữa, vừa có được 1 khoản tiền nho nhỏ.
Sở hữu không gian gần 300m2 cùng mô hình kinh doanh mới mẻ, thế nên Nhà kho nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông. Gần như lúc nào Nhà kho cũng tấp nập khách khứa, mỗi cuối tuần chúng mình lại tổ chức Flea Market đông vui tưng bừng.
Nhưng vì địa điểm và chủ đầu tư lúc bấy giờ gặp những vấn đề liên quan đến quy định của thành phố, không khắc phục được nên Zone9 đã bị đóng cửa vô thời hạn. Thời điểm đó, không chỉ Consignista, mà còn rất nhiều các brand khác chịu mất vốn vì mới đầu tư vào đây được vài tháng.
Bài học: Khởi nghiệp là một chuyến hành trình đầy bất ngờ. Và có những khi bạn dù có cố gắng đến mấy cũng không thay đổi được gì ngoài một giải pháp duy nhất: đó là chấp nhận sự thật”.
#9: Hãy xây dựng một quy trình chuẩn cho bộ máy hoạt động của bạn
Một quy trình chuẩn giúp mô hình của bạn vận hành một cách trơn tru và tối ưu hiệu quả về nhân sự và tài chính. Điều này rất quan trọng để phát triển và mở rộng doanh nghiệp của bạn trong tương lai. Đây cũng là bài học quan trọng mà mình đã học được từ những dự án trước và đang áp dụng hiệu quả với những dự án hiện tại.
Bạn sẽ thắc mắc rằng xây dựng quy trình như thế nào đúng không? Nó đơn giản hơn bạn nghĩ. Bạn có thể ứng dụng “bản đồ tư duy” để xây dựng quy trình. Ví dụ với một mô hình như đặt đồ ăn online qua các ứng dụng di động thì mình sẽ vẽ lại hành trình trải nghiệm của khách hàng – nhân viên của bạn phải xuất hiện xử lý trong những khâu nào, công việc cụ thể của từng vị trí đó là gì.
Bạn thậm chí có thể trực tiếp thử làm việc với từng vị trí, bộ phận để tìm ra được những vấn đề cần lưu ý với vị trí này. Quy trình có thể liên tục thay đổi theo thời gian và sự phát triển theo mô hình kinh doanh của bạn.
#10: Người lãnh đạo không cần phải giỏi tất cả mọi thứ. Người lãnh đạo giỏi là người biết nhìn người và dùng người
Bạn chỉ có thể làm được nhiều việc cùng một lúc hiệu quả khi có những người hỗ trợ đắc lực. Không có cách nào khác là tin tưởng và trao cơ hội cho những người đồng hành cùng bạn.
#11: “Lắng nghe” và “thẳng thắn chia sẻ” là 2 điều rất quan trọng trong mối quan hệ với khách hàng, nhân viên, đối tác …
Hãy thử dành thời gian trò chuyện và lắng nghe với một vài nhân viên trong doanh nghiệp của bạn. Họ sẽ nói những điều rất thật về doanh nghiệp của bạn: về văn hoá công ty, về chế độ đãi ngộ… những điều bạn sẽ chẳng bao giờ có thể biết được nếu không là người trực tiếp lắng nghe.
#12: Hãy chia sẻ về những điều bạn làm với mọi người nếu bạn thực sự yêu nó. Và đó cũng là cách truyền thông tốt nhất cho thương hiệu của bạn.
Mình thường chia sẻ thông tin trên trang cá nhân của mình về những thứ mình làm, lý do mình làm điều này, cách mình tạo ra sản phẩm.
Khi bạn thật sự tâm huyết với sản phẩm của mình, dành thời gian và công sức cho nó, bạn chia sẻ những điều đó là cách tốt nhất để mọi người hiểu và yêu mến thương hiệu của bạn hơn. Vì chẳng có ai hiểu thương hiệu, sản phẩm của bạn hơn chính là bạn cả.
#13: Tin vào cảm giác của bạn, điều đó rất quan trọng
Tất cả những dự án mình đã từng làm, đều bắt đầu từ cảm giác rằng: Mình thích sản phẩm này chắc mọi người cũng thích, mình đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ, sản phẩm này nhưng rõ ràng thị trường đang rất thiếu.
Cảm giác và sự nhạy cảm với thị trường là những thứ rất đặc biệt, ở bên trong bạn, chỉ có bạn mới thực sự hiểu những gì bạn đang nghĩ, bạn đang làm. Hãy suy nghĩ về thương hiệu, về sản phẩm của bạn như thể nó đã được sản xuất rồi, đã được vận hành rồi. Nó sẽ giúp sản phẩm của bạn ngày càng hoàn thiện hơn.
#14: Luôn cảm thấy tôn trọng và biết ơn với những người đang đồng hành cùng bạn, những đối tác của bạn
Họ chính là những người trực tiếp xây dựng ước mơ của chính bạn. Khi bạn lớn mạnh, bạn cũng phải giúp nhân viên của mình lớn mạnh.
#15: Đã làm sẽ sai. Không làm thì không sai.
Học cách chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình dù lớn hay nhỏ. Không đổ lỗi khi gặp vấn đề. Khi có vấn đề, quan trọng nhất là tìm ra giải pháp.
#16: Trong thời đại 4.0, hãy tìm hiểu để áp dụng công nghệ vào vận hành, sản xuất nhiều nhất có thể.
Điều này giúp bạn tăng năng suất hoạt động, tối ưu được thời gian và chi phí hoạt động.
#17: Có 4 yếu tố chính để 1 nhân viên quyết định gắn bó với doanh nghiệp của bạn hay không đó là: môi trường – văn hoá nơi làm việc, cơ hội thăng tiến, chế độ lương – thưởng, người lãnh đạo.
Chú ý phát triển 4 yếu tố này, bạn sẽ nhận ra được doanh nghiệp bạn cần phát triển điều gì. Khi đánh giá một nhân viên, bạn cũng biết nhân viên của bạn đang mong đợi điều gì ở doanh nghiệp của bạn.
#18: Nếu có thể, hãy đóng góp tích cực cho cộng đồng và môi trường
Khởi nghiệp là bạn đang tạo cơ hội để phát triển, việc làm và thu nhập cho rất nhiều người. Đó đã là một việc tốt. Nếu có thể, hãy cùng nghĩ và đưa ra những giải pháp để bảo vệ môi trường.
Với những dự án hiện tại, mình luôn ưu tiên những sản phẩm thân thiện với môi trường, thay dao dĩa nhựa bằng gỗ, thay hộp nhựa bằng hộp giấy. Mình cũng truyền thông những điều này trên trang cá nhân và các kênh truyền thông của thương hiệu. Mình rất vui vì khách hàng của mình cũng ủng hộ vì những thay đổi dù là rất nhỏ đó.
#19: Việc kinh doanh được gọi là thành công khi nó tạo ra tiền.
Tiền bạc tự nó không phải là xấu, một người có nhiều tiền bạc có thể làm được nhiều việc thiện hơn là không có nó. Vấn đề là chúng ta làm ra tiền bằng cách nào và có giữ được thái độ lành mạnh về tiền hay không?
#20: Mục đích của kinh doanh là làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên thịnh vượng hơn. Hãy giữ sức khoẻ và cân bằng cuộc sống – công việc của mình
Nghe thì có vẻ quá quen thuộc, nhưng khởi nghiệp thường đòi hỏi bạn phải dành toàn bộ tâm trí, thời gian và sức khoẻ vào nó. Việc quan trọng nhất là bạn cần đảm bảo sức khoẻ và cảm hứng tinh thần của mình cho công việc.
Mình vẫn cố gắng sắp xếp có khoảng 5-6 chuyến du lịch trong 1 năm – không chỉ có thời gian để cơ thể và tâm trí được thư giãn và nghỉ ngơi, đi nhiều cũng giúp mình mở mang tầm mắt hơn, biết được thế giới ngoài kia có gì. Một người tàn phá sức khoẻ khi khởi nghiệp, không tận hưởng cuộc sống thì tức là người đó đã làm tiêu tan mục đích thực sự của việc kinh doanh.