129 triệu USD đã được rót vào Fintech bởi 78 Startup Việt
Việt Nam hiện có khoảng 78 công ty Fintech đang hoạt động. Những công ty này hầu hết được thành lập ngay trong nước và sáng lập, vận hành bởi người Việt. Tại thời điểm hiện tại, tổng số vốn mà các Startup tại Việt Nam đầu tư vào Fintech đã lên tới 129 triệu USD.
Thông tin trên được ông Varun Mital – Chuyên gia, lãnh đạo cao cấp Fintech của Ernst & Young chia sẻ tai hội thảo Công bố Khảo sát toàn cảnh về Fintech khu vực Asean 2018 và vị trí của Việt Nam hiện nay.
Kết quả Khảo sát cho thấy ở Việt Nam hiện có tới 90% các khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Do đó, các công ty Fintech Việt Nam tập trung khá nhiều cho lĩnh vực thanh toán. Cụ thể, 47% trên tổng số 78 công ty Fintech Việt Nam làm về dịch vụ thanh toán. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Asean.
Số lượng các chương trình Incubator, Accelerator và những chương trình tương tự của Việt Nam nhiều thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.
Kết quả khảo sát Toàn cảnh ngành Ngân hàng năm 2018 của Ernst & Young cho thấy 85% các ngân hàng hiện nay cho rằng việc thực hiện chiến lược chuyển đổi ngân hàng số là mục tiêu quan trọng nhất của họ trong năm nay.
Đây là một thay đổi lớ so với kết quả khảo sát năm 2017. Năm trước, các ngân hàng quan tâm nhiều hơn tới quản lý rủi ro về mặt danh tiếng và văn hóa.
Trên phạm vi toàn cầu, các ngân hàng có quyết tâm mạnh mẽ trong việc số hóa một cách hoàn thiện hơn. Có đến 62% số ngân hàng tham gia khảo sát nói rằng tổ chức của họ sẽ hoàn thiện công nghệ vào năm 2020.
Nhìn vào kết quả Khảo sát Toàn cảnh ngành Ngân hàng năm 2018 có thể dự báo xu hướng hợp tác giữa công ty Fintech và các ngân hàng để cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng. Bằng cách này, cả hai bên sẽ cùng có lợi. Tuy nhiên, không dễ dàng để ngân hàng và công ty Fintech có thể hợp tác với nhau.
Một lý do cản trở hợp tác chính là hầu hết công ty Fintech tại Việt Nam còn non trẻ, nhiều công ty chỉ mới thành lập được vài năm. Kể cả công ty Fintech có công nghệ và thuật toán tốt thì ngân hàng vẫn e dè về khả năng duy trì hoạt động của các công ty này.
Việt Nam cũng được xem là một trong những thị trường tiềm năng bậc nhất trong khu vực cho Fintech vì dân số trẻ, sử dụng di động ngày càng nhiều, tăng trưởng tiêu dùng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm và muốn tham gia vào thị trường Fintech Việt do nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường, thậm chí họ có thể bỏ tiền để mua đứt một số công ty Fintech Việt đang hoạt động tốt.
Hoàng Lan – Vietnamfinance