Tại hội thảo khoa học “Rào cản khởi nghiệp” do Trường đại học Ngân Hàng TP.HCM và Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức, các đại biểu cho rằng, tuy đã có hàng loạt cơ chế, chính sách, mô hình khởi nghiệp, đang dần hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần phải vượt qua để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các startup.

Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp

Ông Trần Hữu Hiệp, Trường đại học FPT cho biết, rào cản khởi nghiệp hiện nay vẫn còn khá nhiều, trong đó có việc người sáng lập thiếu kỹ năng lãnh đạo và tổ chức, thiếu kinh nghiệm, ảo tưởng hoặc thiếu quyết tâm, nỗ lực đeo đuổi mục tiêu trong môi trường kinh doanh nhiều rủi ro và thách thức. Khả năng tiếp cận vốn cũng hạn chế, không đi đến cùng khiến các quỹ đầu tư càng không dám tiếp cận, trong khi các loại quỹ đầu tư ở Việt Nam chưa nhiều, thủ tục pháp lý khiến các nhà đầu tư e ngại. Nhiều startup Việt còn thiếu kiến thức về phát triển và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, khả năng xoay xở trước các biến động thị trường còn nhiều hạn chế. Một rào cản khác đối với các startup Việt nói chung là tiếng Anh chưa thông thạo, khiến các startup khó thu nhận kiến thức bên ngoài và vươn ra tầm khu vực, thế giới.

Rào cản từ hệ sinh thái khởi nghiệp còn sơ khai. Ngoài 5 chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam xếp thứ hạng thấp là giáo dục kinh doanh ở trường phổ thông, giáo dục kinh doanh sau phổ thông, tài chính cho kinh doanh, chuyển giao nghiên cứu, ứng dụng… phải kể đến các chỉ số còn khá thấp như cơ sở hạ tầng thương mại và pháp lý (36/54), chính sách thuế và quan liêu – govemment policies: taxes and bureaucraces (25/54). Đó chính là các rào cản cần nỗ lực tháo gỡ. Cùng với đó, sự thiếu vắng khung pháp lý cần thiết đang khiến các dự án gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, cùng hệ thống luật pháp chưa quy định về crowdfunding (gây quỹ cộng đồng) cũng là trở ngại lớn.

Ông Trần Hữu Hiệp cho rằng, những trở ngại mang tính rào cản startup nêu trên trong 4 giai đoạn startup (định hướng, thử thách, hòa nhập và phát triển), nếu không sớm được khắc phục, thì dù thị trường Việt có tiềm năng phát triển đến đâu cũng rất khó để startup Việt có được thành công như mong đợi.

Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và chính quyền địa phương thời gian qua. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ngày càng được sử dụng phổ biến để cải thiện môi trường đầu tư các tỉnh, thành. Nhưng cần tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng các chỉ số thành phần, nhất là các chỉ số tác động trực tiếp đến startup như: gia nhập thị trường, thể chế pháp lý, năng động của chính quyền địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, trực tuyến, thành tựu của nghiên cứu cơ bản các ngành trí tuệ nhân tạo, lưu trữ dữ liệu lớn (big data), nền tảng dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu dùng chung.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chú trọng các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích: đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Các cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ…

Những thách thức về khởi nghiệp với TP.HCM

Với tham luận “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho TP.HCM”, các tác giả Nguyễn Văn Tiến, Trường đại học ngân hàng TP.HCM; Hồ Thiện Thông Minh, Trường đại học quốc tế Sài Gòn nêu lên những thách thức cho TP.HCM.

Chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa đủ mạnh: các doanh nghiệp FDI chưa lan tỏa, cắm rễ sâu vào kinh tế địa phương. Cộng đồng starup ở Việt Nam chưa thật sự được ưu tiên, hầu hết là các quỹ đầu tư mạo hiểm đều là quỹ của nước ngoài, chỉ có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Do đó nếu không xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, các nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài sẽ không lựa chọn Việt Nam, mà thay vào đó là các nước khác ở khu vực Đông Nam Á.

Chưa chú ý đến quyền sở hữu trí tuệ: việc xin xác nhận sở hữu trí tuệ hoặc bản quyền cũng tốn thời gian, mà xin tại nước ngoài thì ít được công nhận. Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ rất quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các thủ tục đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, mà không có hiệu quả cao, việc bảo hộ kém. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tốn công sức tự tạo rào cản công nghệ để cạnh tranh.

Hệ sinh thái khởi nghiệp còn chưa thực sự được quan tâm: thực trạng khởi nghiệp ở Việt Nam có nhiều cải thiện giúp cho tỷ lệ người tham gia khởi sự kinh doanh đã tăng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ số mà Việt Nam kém xa so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế và các nước trong khu vực, trong đó phải kể đến như: sự lo sợ thất bại trong kinh doanh, khả năng kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh và yếu tố đổi mới sáng tạo trong kinh doanh…

Chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng và phải đi qua nhiều công đoạn giấy tờ: những dự án startup gặp khá nhiều khó khăn trong việc đối mặt với những quy định này nếu không có sự hỗ trợ chuyên môn. Không nhiều nhà sáng lập startup từng làm việc trong ngành pháp luật. Số lượng startup đủ điều kiện mời chuyên gia về cố vấn còn khá thấp. Những startup vẫn phải tự mình nghiên cứu, tập hợp những quy định liên quan ngành nghề họ kinh doanh trên nhiều nhánh khác nhau của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Q. HOA