10 startup nông nghiệp sáng tạo dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia
10 trong số 34 dự án cuộc khởi nghiệp nông nghiệp sẽ được giới thiệu tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức vào cuối năm tại Đà Nẵng.
Mô hình sản phẩm máy lọc nước thông minh đến từ Lâm Đồng là một trong 34 dự án tham gia vòng chung kết Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4. Ảnh: BSA.
Trong 2 ngày 27 và 28/10/2018, vòng chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ” sẽ diễn ra tại hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), TP.HCM.
Vượt qua hàng trăm dự án đăng ký dự thi, 34 dự án đã xuất sắc tham gia vòng chung kết năm nay. Địa phương có nhiều dự án tham gia nhất là Bến Tre với 7 dự án. Ngoài ra, cuộc thi năm nay có nhiều dự án khởi nghiệp của của các bạn dân tộc thiểu số với 11 dân tộc như Xê Đăng, Churu, K’Ho, Nùng, Thái, Cờ Lao, Pu péo, H’Mông, Tày, Dao, Mường…
Theo thông tin từ Ban tổ chức, có 10 dự án thi vòng chung kết được giới thiệu tham dự “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2018” do Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức, diễn ra tại Đà Nẵng vào cuối năm.
Đánh giá chung của Hội đồng chuyên môn, 34 dự án xuất sắc lọt vào chung kết nhờ có sự vượt trội về cả nội dung lẫn tính thực tế, thực tiễn trong cuộc sống. Sản phẩm của các dự án này đã được thương mại hóa, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, thể hiện rõ mục tiêu và khát vọng vươn xa hơn, nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm. Mỗi dự án đều mang tâm huyết, sự kỳ vọng và truyền tải, giới thiệu được nét đặc trưng, thế mạnh tài nguyên bản địa của từng địa phương.
Một số dự án đáng chú ý tại vòng chung kết này là gia vị “Chẩm chéo” của dân tộc Thái, do Đặng Thị Huyền Mi, Sơn La được phát triển thông qua đề tài “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng & chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc.
Bạn Lưu Thị Hòa, hoa khôi của Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang mang đến cuộc thi các sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc Cờ Lao với dự án “Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số Đồng Văn”.
Dự án khô cá tra phi lê Ngọc Diệp của Phan Thị Thúy Lan, Đồng Tháp. Dự án nảy sinh ý tưởng thành sản phẩm từ thực tế những khó khăn của nông dân nuôi cá tra tại địa phương.
Những dự án áp dụng công nghệ tốt, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng và tính thương mại cao gồm: Thiết bị tự động lọc nước sông thành nước sinh hoạt bằng năng lượng xanh; Máy lọc nước biển thông minh; Xử lý rác hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen…
Ban giám khảo cuộc thi gồm những người uy tín trong nhiều lĩnh vực: Bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Chính phủ (1996 – 2006); Ông Nguyễn Quân – Tiến sĩ Khoa học, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (2011 – 2016); Ông Hà Việt Quân – Tổ trưởng Tổ công tác 569 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia; Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược và Thương hiệu The Pathfinder; Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao…
Hà Thế An – Khampha.vn