10 điểm đột phá về khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc năm 2017
Cấm startup ICO, siết luật an ninh không gian mạng, mô hình kinh tế chia sẻ bùng nổ… là những điểm nhấn trong khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc năm 2017.
Năm 2017 chứng kiến nhiều sự kiện nổi bật, thú vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp Trung Quốc, đặc biệt ở mảng công nghệ. Lần đầu tiên, di động Trung Quốc chiếm tới gần 50% thị phần ở Ấn Độ; bùng nổ các startup niêm yết trên các sàn chứng khoán cũng như mô hình chia sẻ xe đạp Trung Quốc lan rộng ra toàn cầu.
Các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử cũng được nhận định là xu hướng khởi nghiệp tiềm năng ở thị trường này. Năm 2017 cũng ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ từ các “ông lớn” công nghệ như Alibaba và Tencent vào hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á…
1. Startup xe điện Trung Quốc trên bờ vực phá sản
Hai hãng xe điện công nghệ cao của Trung Quốc, Faraday Future và LeSee, từng được đánh giá là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Tesla thì giờ phải vật lộn để sống qua ngày. Trong đó, LeSee với thương hiệu LeEco phải sa thải bớt nhân viên và giảm lương để bám trụ.
Jia Yueting – Nhà sáng lập LeEco phải thanh lý nhiều tài sản và tích cực gây quỹ từ đầu năm. Chỉ trong 6 năm, Jia đã “đốt” hơn 7 tỷ USD cho startup xe điện. “Triết lý xây dựng LeEco hoặc là xuất chúng hoặc sẽ bị vùi dập nhưng nó chưa bao giờ là tầm thường”, Jia cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc sau khi tự cắt giảm lương của mình xuống còn 0,15 USD.
2. Cấm startup huy động vốn bằng tiền thuật toán
Tháng 9/2017, sau vài tháng bùng nổ hình thức gọi vốn bằng tiền thuật toán (Initial Coin Offerings- ICO), Chính phủ Trung Quốc đã cấm các startup tiếp tục huy động tiền bằng cách này và buộc các dự án hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Nhiều startup blockchain Trung Quốc không lựa chọn hoàn tiền đã phải chuyển sang các quốc gia khác như Singapore và đăng kí công ty ở đây. Không lâu sau lệnh cấm ICO, các sàn giao dịch tiền thuật toán của Trung Quốc như OkCoin, Huobi, BTC China… đã ngừng hoạt động. Tuy vậy, các thương vụ ICO toàn cầu và giao dịch tiền thuật toán vẫn không ngừng gia tăng.
3. Điện thoại Trung Quốc thống trị thị trường Ấn Độ
Từ lâu, các hãng điện thoại di động Trung Quốc đã “để mắt” đến thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh của Ấn Độ. Năm 2015, Xiaomi bắt đầu mở nhà máy đầu tiên ở quốc gia hơn tỷ dân này.
Tuy vậy, chỉ đến năm nay, các nỗ lực xâm chiếm thị trường Ấn Độ của hàng loạt thương hiệu điện thoại Trung Quốc mới đem lại hiệu quả rõ rệt. Lần đầu tiên, gần 45% số điện thoại bán ra ở Ấn Độ có xuất xứ nước này, bao gồm Xiaomi (14,2%), Oppo (9,3%), Vivo (10,5%) và Lenovo (9,5%).
4. Bùng nổ IPO
Nhiều công ty Trung Quốc tham gia vào các đợt IPO năm nay, tăng số vốn gọi được lên tới 406% trong nửa đầu 2017 so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 10/2017, bộ phận ebook của Tencent đạt doanh thu đến 6,4 tỷ USD ngay trong ngày đầu tiên giao dịch.
Startup Fintech Qudian đạt trị giá lên đến 900 triệu USD khi được niêm yết ở Mỹ. Tuy vậy, giá cổ phiếu của công ty giảm đáng kể sau những tranh cãi về dịch vụ cho vay tiền mặt. Xu hướng IPO của các startup dự kiến sẽ vẫn tiếp tục bùng nổ trong năm tới với một hàng dài các thương vụ tiềm năng đang được xúc tiến.
5. Các startup chia sẻ xe đạp mở rộng ra toàn cầu
Sau một năm phát triển thần tốc ở Trung Quốc, các dịch vụ chia sẻ xe đạp qua ứng dụng di động như Mobike và Ofo đã bắt đầu mở rộng ra thị trường nước ngoài.
Tháng 3/2017, Mobike “nổ phát súng đầu tiên” ở thị trường Singapore. Đến tháng 6, startup này gây được khoản vốn 600 triệu USD từ Tencent và một số nhà đầu tư khác để mở rộng kinh doanh. Chỉ sau đó một tháng, Ofo cũng nhận được số tiền đầu tư lên tới 700 triệu USD từ Alibaba. Hiện tại, hai startup đã phát triển dịch vụ ra hơn 150 thành phố trên toàn thế giới.
6. Mô hình chia sẻ xe đạp sụp đổ
Cùng dựa trên mô hình kinh tế chia sẻ xe đạp nhưng trong khi hai startup Mobike và Ofo vẫn trụ vững với thị trường và ngày càng mở rộng thì các startup khác lại thất bại thảm hại.
Từng trị giá đến 140 triệu USD, Bluegogo bắt đầu phá sản và chìm sâu vào khủng hoảng tài chính từ tháng 11/2017. Startup này giờ vẫn nợ lương nhân viên và số tiền đặt cọc cho thuê xe của hàng triệu tài khoản trên ứng dụng ở Trung Quốc và Mỹ.
“Từ khi mới bắt đầu Bluegogo, chúng tôi đã luôn biết rằng mình phải chịu sự cạnh tranh từ các ông lớn khác trong ngành”, CEO Li Gang của startup Bluegogo viết trong bức thư gửi công chúng, ý chỉ Mobike và Ofo.
7. Các startup công nghệ gặp khó vì luật an ninh không gian mạng
Các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một trong những rắc rối lớn sau khi luật an ninh không gian mạng mới ở đất nước này có hiệu lực.
Cụ thể, giới chức Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu về công dân Trung Quốc, hoặc những người có liên quan đến an ninh quốc gia trên máy chủ nội địa. Nhiều công ty đã phản ứng tiêu cực lại với luật mới, lo ngại rằng điều này sẽ làm tăng chi phí hoạt động và gây ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng trong kinh doanh.
Tháng 9/ 2017, các gã khổng lồ công nghệ trong nước đã hứng chịu sức ép khổng lồ lẫn cơn thịnh nộ từ giới chức Trung Quốc. Lần lượt Tencent, Baidu và Weibo phải nhận mức án phạt tối đa theo luật mới vì không cung cấp được đầy đủ nội dung theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Khoản phí phạt 75.500 USD là kết quả của cuộc điều tra nhắm đến ba công ty công nghệ này.
8. Mô hình nền kinh tế chia sẻ vẫn nở rộ
Bất chấp nhiều startup chia sẻ xe đạp đứng trên bờ vực, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quy mô nền kinh tế chia sẻ nói chung ở Trung Quốc thì mô hình này vẫn rất được ưa chuộng.
Cùng với ứng dụng chia sẻ đồ dùng và nền tảng thanh toán di động tích hợp tiện lợi, người dân Trung Quốc chia sẻ, cho thuê mọi thứ từ xe đạp, micro, ô, bóng chuyền, thậm chí gần đây là búp bê tình dục.
9. Xu hướng phát triển thương mại điện tử trong startup ở Trung Quốc
Bán lẻ là một trong những lĩnh vực mà các startup Trung Quốc đang cố gắng thay đổi bằng công nghệ trong năm 2017 với các ý tưởng tích hợp dữ liệu, dịch vụ bán hàng online cùng phương thức bán lẻ truyền thống để tăng doanh thu.
Năm 2017, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã cho ra mắt hệ thống cửa hàng tạp hóa online với tên gọi Hema, cho phép người tiêu dùng mua bán và thanh toán hàng hóa qua ứng dụng trên điện thoại di động. Mỗi cửa hàng online hoạt động như một tiệm tạp hóa địa phương, tập trung vào các đơn hàng trong bán kính 3 km.
10. Các ‘ông lớn’ công nghệ ồ ạt đầu tư vào startup Đông Nam Á
Năm 2017, Alibaba đã nhanh chóng mở rộng hoạt động, kinh doanh, đầu tư vào thị trường Đông Nam Á. Năm 2016, tập đoàn này đã bỏ ra một tỷ USD để thâu tóm Lazada- một trong những công ty thương mại điện tử lớn ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Alibaba còn vừa đổ thêm hơn một tỷ USD nữa để sở hữu một phần trang thương mại điện tử Indonesia Tokopedia.
Tương tự, Tencent cũng trong cuộc chạy đua đầu tư khởi nghiệp, biến hai tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất Trung Quốc thành các nhà đầu tư lớn trong khu vực.