Viettel nhảy vào thị trường gọi xe trực tuyến: Cần gì cứ phải nước ngoài, DN Việt Nam cũng có thể cạnh tranh sòng phẳng với Uber, Grab
Ngoài việc đặt niềm tin vào Viettel, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng chỉ ra một điều mà taxi truyền thống cần làm ngay lúc này, đó là phải thay đổi cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật…
Ngày 15/9 vừa qua, Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực vận tải hành khách với Sàn giao dịch vận tải hành khách Gonow.
Sự hợp tác giữa một startup trẻ sáng tạo Gonow với một gã khổng lồ Viettel được cho là cạnh tranh trực tiếp với Uber, Grab trong lĩnh vực gọi xe trực tuyến tại Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về vấn đề này:
– Vào Việt Nam không lâu, Uber, Grab đã làm xáo động thị trường vận tải trong nước khi xảy ra “cuộc chiến” với các hãng taxi truyền thống. Theo ông, thị trường này rồi sẽ ra sao với sự tham gia của Viettel?
– Thị trường chắc chắn sôi động hơn. Thời đại hiện nay chuyển sang thời kỳ công nghiệp 4.0 rồi, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điều này sẽ giúp ngành vận tải của nước ta phát triển theo chiều hướng tốt hơn.
Bất kể một doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực này càng giúp thị trường sôi động hơn. Nhưng cái quan trọng nhất là chúng ta phải quản lý được, phải công khai minh bạch về hoạt động cũng như thu thuế.
– Điều này đồng nghĩa taxi truyền thống sẽ lại thêm một đối thủ cạnh tranh. Chuyện là đáng vui hay đáng buồn?
– Thêm một DN bước chân vào thị trường gọi xe trực tuyến sẽ khuyến khích các DN taxi truyền thống áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản trị và điều hành. Hiện các nước trên thế giới vẫn tồn tại 2 loại hình phương tiện vận tải: taxi truyền thống và gọi xe trực tuyến. Và họ phát triển rất tốt. Tuy nhiên, viễn cảnh các hãng taxi truyền thống dần chuyển sang dạng gọi xe trực tuyến sẽ xảy ra.
Tôi có cảm giác hơi xao động, lo lắng cho taxi truyền thống. Còn với người tiêu dùng như tôi là phấn khởi. Viettel của Việt Nam cũng làm được – cần gì cứ phải nước ngoài.
– Theo ông, taxi truyền thống cần làm gì để cạnh tranh trong thị trường khốc liệt này?
– Một điều duy nhất: Thay đổi cách làm – Nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ. Nếu không thay đổi, taxi truyền thống cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải.
– Trước đó, các startup gọi xe trực tuyến như vivu, goixe, easytaxi…đã chết yểu ở Việt Nam. Ông có nghĩ rằng Viettel sẽ “chân cứng đá mềm” khi tham gia thị trường đầy khốc liệt này?
– Trong thị trường này nếu không đủ khả năng thì ông chết yểu thôi. Đấy là điều hiển nhiên. Còn Viettel, tôi có niềm tin là tập đoàn này có tiềm lực kinh tế mạnh, có đội ngũ kỹ thuật giỏi thì họ sẽ phát triển được. Nhưng chắc chắn họ cũng không tránh khỏi những thách thức, mà còn chờ ở phía trước.
Song tôi chỉ mong, bất kể ai tham gia thị trường đều cần phải công khai minh bạch và hoàn thành nghĩa vụ thuế, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Và thị trường – người tiêu dùng sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
– Việc thu thuế các DN gọi xe trực tuyến như Uber, Grab làm đau đầu nhà quản lý trong nhiều năm qua. Theo ông, tập đoàn quân đội phải làm cách nào để việc thu thuế trở nên minh bạch hơn?
– Không được phép ưu ái doanh nghiệp nội. Trong kinh doanh không được phép ưu ái. Hãy cứ công khai minh bạch, kinh doanh trong các lĩnh vực đều có những quy định theo yêu cầu. Nếu DN kinh doanh không đúng đắn thì thị trường sẽ “trảm” họ trước tiên, sau đó là cơ quan quản lý Nhà nước, pháp luật. Nhất là về thuế.
– Từng xảy ra cuộc chiến giữa Uber, Grab với taxi truyền thống. Bước chân vào lĩnh vực này, Viettel sẽ cạnh tranh trực tiếp với Uber, Grab – đồng nghĩa cũng cạnh tranh với taxi truyền thống. Vậy ai sẽ hưởng lợi?
– Người tiêu dùng, khách hàng – hành khách đi xe sẽ được hưởng lợi. Nếu doanh nghiệp để cho người tiêu dùng – khách hàng của họ được hưởng lợi thì họ sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển.
Gonow – đơn vị trung gian kết nối chủ xe và khách hàng, với nhu cầu công tác, thương mại, du lịch, đưa đón chuyên gia, cưới hỏi, xe cao cấp và dịch vụ cho thuê xe tự lái.
– Năm 2030 Hà Nội sẽ cấm xe máy, TP HCM sẽ thu phí xe máy vào nội thành có phải là thách thức lớn của Viettel và đối tác?
– Không hề. Thành phố văn minh đô thị đặc biệt mà cứ xe máy đi vào ùn tắc giao thông là không thể chấp nhận được. Cấm xe máy – các quốc gia khác họ làm lâu rồi mà Việt Nam cứ bàn mãi.
Tuy nhiên, Nhà nước phải giải được bài toán người dân bỏ xe máy thì họ đi bằng phương tiện gì, chứ nếu có mỗi quyết định hành chính không thì không ổn. Phải đặt ra mục tiêu và thời hạn như thế nào.
Như ở Singapore, xe máy vào trung tâm phải trả tiền. Họ có thiết bị điện tử chứ không phải đặt cái trạm thu phí có barie, thu phí bằng tự động hết. Nếu sai phạm là họ tự động trừ tiền, sẽ phạt cho bằng chết. Các nước khác họ làm rất đơn giản, chứ không như nước mình thu phí là phải có trạm, có barie, có người xé vé. Đến năm 2020, Việt Nam chúng ta cũng áp dụng toàn bộ tự động hết, sẽ minh bạch.
– Nhân sự việc này, ông đánh giá như thế nào về bức tranh vận tải của nước ta trong thời gian tới?
– Đương nhiên đây là cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, kể cả vận tải hàng khách lẫn vận tải hàng hóa. Và cũng ở một chừng mực nào đó, cung đã vượt cầu. Cuộc cạnh tranh càng khốc liệt bao nhiêu thì đòi hỏi các DN càng phải khôn ngoan giữ được thị phần của mình. Và cạnh tranh sẽ tốt, cạnh tranh lành mạnh thì khách hàng – người tiêu dùng được hưởng lợi.
Tuy nhiên, bây giờ phải làm sao để quản lý , đừng để phát sinh số lượng phương tiện lớn quá khi cơ cấu hạ tầng chưa đáp ứng được. Bây giờ thấy thị trường phát triển mạnh nên xe con cứ phát triển thì nguy. Theo số liệu của Cục đăng kiểm VN, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2017, số lượng xe con ở nước ta đã tăng lên tới 200.000 xe.
Cảm ơn ông!