Startup Việt Nam muốn “GO GLOBAL” ngay từ NGÀY MỘT? Không thể bỏ qua 3 bí quyết sau!
Hiện nay đang có ngày càng nhiều startup Việt muốn phát triển một sản phẩm để bán được trên toàn thế giới ngay từ ngày đầu tiên ra mắt. Các bạn sẽ bán nó qua nhiều khu vực khác nhau, và khách hàng sẽ không biết hay không quan tâm bạn là người Việt Nam. Phần lớn các khách hàng đầu tiên sẽ là người nước ngoài.
Nếu bạn thực sự muốn tấn công thị trường quốc tế ngay từ đầu, đây chính là bài viết dành cho bạn! Với kinh nghiệm bản thân cùng quá trình làm việc tại DesignBold – một startup đã ra mắt thành công tại Âu Mỹ, chị Dương (Ufo) Nguyễn, Business Development Manager của DesignBold sẽ chia sẻ câu chuyện của startup Việt này đã tập trung vào thị trường thế giới ngay từ những ngày hình thành ý tưởng như thế nào.
#1: Hãy gạt bỏ sự lệ thuộc vào nghiên cứu sản phẩm hay cách thức chạy kinh doanh ở Việt Nam nếu bạn muốn “go global”
Lí do là bởi thói quen, suy nghĩ và hành vi của số đông người Việt Nam rất khác biệt, nếu không muốn nói là trái ngược so với người nước ngoài (ở đây muốn chủ yếu nói đến các nuớc Âu Mỹ và các nước nói Tiếng Anh khác). Vì vậy, trước khi bán một sản phẩm nào đó ra thị trường không phải Việt Nam, hãy đảm bảo là bạn đã hiểu rõ thói quen và hành vi của họ, chứ không nên chỉ suy từ những gì mình biết về hành vi người dùng ở thị truờng Việt Nam ra hành vi người dùng trên thế giới.
Có một điều thuận lợi khi nghiên cứu về người dùng và các chiến lược kinh doanh cho thị trường thế giới là có rất nhiều nguồn tài liệu và các case study bạn có thể học hỏi, đơn giản là vì có quá nhiều ý tuởng đã được thực hiện, bao gồm cả đối thủ của chúng ta, và họ đã đi trước chúng ta lâu rồi.
Tuy nhiên lại có khó khăn là (1) không phải ai cũng có khả năng sử dụng và tư duy bằng Tiếng Anh để đọc hiểu các tài liệu đó, xây sản phẩm hoặc làm marketing bằng Tiếng Anh; (2) việc áp dụng những gì bạn đọc được vào thực tế luôn có nhiều khó khăn.
“Có một điều thuận lợi khi nghiên cứu về người dùng và các chiến lược kinh doanh cho thị trường thế giới là có rất nhiều nguồn tài liệu và các case study bạn có thể học hỏi, đơn giản là vì có quá nhiều ý tuởng đã được thực hiện, bao gồm cả đối thủ của chúng ta, và họ đã đi trước chúng ta lâu rồi.”
#2: Facebook là kênh bạn nên dùng để quảng bá sản phẩm trên thế giới?
Câu trả lời: Facebook quan trọng nhưng không phải là kênh duy nhất hay ưu tiên. Facebook là kênh online ưu tiên hay thậm chí là kênh duy nhất mà nhiều startup Việt Nam dùng để launch hay marketing sản phẩm, đơn giản vì thói quen sử dụng Facebook của người dùng Việt Nam rất mạnh. Tuy nhiên ở thị trường Âu Mỹ, ngoài Facebook người dùng còn có thói quen Twitter. Văn hóa Mỹ vốn ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề nên thói quen tweet một cái gì đó chỉ với 140 ký tự hay một nút retweet nhanh chóng cũng không phải là lạ. Đây cũng là công cụ mà DesignBold đang sử dụng.
Dưới đây là một số công cụ marketing sản phẩm phổ biến trên thế giới:
1. AppSumo để chạy thử sản phẩm
Một trong những cách mà DesignBold đã thử nghiệm là hợp tác với một kênh rất hiểu về người dùng quốc tế, có tập khách hàng phù hợp với tập khách hàng của DesignBold, và có thế mạnh về markeitng & sales để launch sản phẩm — đó là AppSumo. Tại đây,bạn sẽ nhận được nhiều feedback rất thật để phát triển tiếp sản phẩm và hiểu được điều gì mang lại giá trị cho khách hàng và khiến khách hàng muốn trả tiền.
2. Twitter để quảng bá sản phẩm
DesignBold cũng như rất nhiều startup trên thế giới sử dụng kênh này vì tính chất nhanh chóng của nó, và được phần lớn người dùng trên thế giới sử dụng.
3. Link building — quá trình cho phép những trang web khác dẫn link tới một trang ở website của bạn
Đây là một trong rất nhiều chiến thuật sử dụng trong SEO. DesignBold tập trung vào link building tại những trang web có traffic và độ tin tưởng cao. Tất nhiên là bản thân sản phẩm phải “ngon” và giá trị thì mới lên được những trang đó và khiến người đọc click vào link để dẫn về sản phẩm. DesignBold cũng tập trung vào các trang web chuyên về listing hoặc đánh giá sản phẩm, thậm chí là những trang đánh giá rất thật và quyết liệt.
Bạn nên chủ động liên lạc, hay đăng ký với các trang web này để đăng tải sản phẩm của mình. Dưới đây là một số trang web chuyên về listing phổ biến:
“Phải tự tin với sản phẩm tốt thì mới lên những trang này, nhưng một khi đã lên những trang đánh giá thật thì khả năng được tin tưởng bởi người dùng là cao hơn hẳn.”
4. Blogging
Như đã nói ở #1, đây là một thói quen khá phổ biến của người dùng trên thị trường quốc tế. Vậy nên, bạn có thể viết blog có liên quan tới sản phẩm hoặc lĩnh vực để thu hút những khách hàng có cùng mục tiêu và về sản phẩm mới của bạn.
5. Gửi email
Khách hàng quốc tế có thói quen sử dụng email rất nhiều nên email marketing là một trong những kênh DesignBold tập trung. Trong 2 tuần đầu ra mắt, DesignBold đã gửi hơn 300 email/ tweet chăm sóc khách hàng. Với sản phẩm ban đầu khi chưa có danh sách email khách hàng thì phải tự xây hoặc như cách DesignBold làm là tận dụng danh sách email của AppSumo — một kênh mà danh sách email của họ rất hợp với tập khách hàng DesignBold hướng tới.
Email viết cho khách hàng global cũng khác hẳn email cho khách hàng Việt Nam: ngắn gọn, trọng tâm, có rất nhiều mẹo nữa. Email marketing trở thành một trong những chiến lược quan trọng khi làm kinh doanh ở thị trường quốc tế, chứ không chỉ đơn thuần chỉ là một kênh gửi tin đơn thuần như ở Việt Nam. Để làm được một email tốt cũng là quả một quá trình nghiên cứu và đo đạc các chỉ số.
#3: Biệt đội siêu nhân để đưa ra một sản phẩm quốc tế
Điều quan trọng nhất khi xây dựng một sản phẩm đủ mạnh để “go global” là có được một đội ngũ đã sẵn sàng để “go global” về cả khả năng, tầm nhìn và thái độ làm việc của họ.
Đội ngũ làm việc tại DesignBold không hề bao gồm hàng trăm nhân viên như bạn có thể nghĩ. Team chính chỉ bao gồm 3 developers, 3 designers, 1 manager quản lý kỹ thuật, 1 business manager, 2 interns, và tất nhiên là 1 CEO nhưng thành công họ đạt được là vô cùng ấn tượng. Ngoài khả năng chuyên môn đạt yêu cầu, một số tiêu chuẩn DesignBold đã tìm kiếm cho đội ngũ “go global” của mình:
- Giỏi tiếng Anh: xuất phát từ những lí do (1) DesignBold hoạt động 99% trên thị trường Mỹ, (2) kho kiến thức cần phải nghiên cứu để phát triển sản phẩm chủ yếu bằng tiếng Anh, và (3) nhu cầu hiểu thêm về đặc điểm người dùng tại thị trường này.
- Chủ động: các startup đòi hỏi sự chủ động rất cao, sau 1 thời gian làm việc có thể dự báo, nhìn trước được mình sẽ phải làm gì. Chị Dương cũng chia sẻ: “Mình đã phỏng vấn rất nhiều người. Rất nhiều bạn, đặc biệt là sinh viên, ai cũng vào bảo muốn được học hỏi từ các thành viên trong team, từ các anh chị. Nhưng mà mình sẽ chỉ thực sự ấn tượng với bạn nào dám nói là bạn ý vào đây để thử nghiệm những cái bạn ý đã nghiên cứu được, muốn nơi bạn ý sắp đi làm là phòng lab hay sân chơi cho bạn ý thử nghiệm. Chỉ tiếc là trường hợp này hiếm và hầu như không xảy ra”.
- Nắm rõ kì vọng công việc: để làm việc với nhau trôi chảy thì hai bên phải làm rõ với nhau từ đâu về kỳ vọng của mỗi bên. Sự thỏa mãn của một doanh nghiệp và một nhân viên chính là ở việc hai kỳ vọng này có khớp nhau không thôi.
Kết luận
Với thị trường ngày càng cạnh tranh và ranh giới giữa các quốc gia không còn ngăn cản được hoạt động kinh doanh phát triển, hãy một lần “mơ thật lớn” và đưa sản phẩm của bạn tiến đến với những khách hàng trên thế giới! Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều startup đã thành công trên thị trường quốc tế — DesignBold là một minh chứng 😀 Câu hỏi cần bạn giải đáp lúc này không phải là có nên “go global” với startup của mình, mà là “khi nào” và “làm thế nào” để thực hiện được việc đó!
“Khởi nghiệp cùng người trong cuộc” — “Bean with Insiders” là dự án chia sẻ những kiến thức THẬT-VÀ-CHẤT nhất cho cộng đồng startup tại Việt Nam, được xây dựng bởi Innovatube.
Giới thiệu về DesignBold
DesignBold — Được sáng lập bởi Hùng Đinh vào năm 2015, là công cụ thiết kế trực tuyến giúp người sử dụng từ không biết gì cho đến chuyên nghiệp đều có thể tự thiết kế các loại ấn phẩm với thao tác đơn giản, nhanh gọn chỉ trong vài phút mà không cần cài đặt trên máy. Mọi tác vụ đều được thực hiện trên nền web, chỉ cần mở website của DesignBold là bạn đã có đủ công cụ để chỉnh sửa ảnh, thiết kế banner, flyer, CV, slides, hay Facebook post dễ dàng.
Nhiều người có thể sẽ so sánh DesignBold với một ông lớn khác cùng ngành — Canva. Điểm làm nên sự khác biệt của DesignBold là hướng tới content marketplace, và nguồn ảnh lên tới hơn 30 triệu ảnh, thay vì tập trung vào công cụ và có 1 triệu ảnh stock như Canva. Với hướng đi này, DesignBold muốn tạo ra 1 nền tảng kết nối các bạn trẻ làm về thiết kế, marketing với các khách hàng (chủ yếu là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp, hay bất cứ tổ chức nào cần thiết kế nhanh gọn) trên toàn thế giới. DesignBold còn hỗ trợ khách hàng đưa sản phẩm đến nhà in mà họ lựa chọn. Tùy thuộc vào dự án, song nền tảng này sẽ rút ngắn thời gian hoàn tất cả quá trình nhanh gấp khoảng 6–7 lần.
Thành tích sau 2 tuần ra mắt:
- Doanh thu 132,266 USD.
- Nhận được 3,000 đơn hàng.
- 40,106 thiết kế được tạo ra bởi 35,674 người dùng.
- 330 bình luận về DesignBold; 95% trong các đánh giá đó là 5 sao.
- Hơn 5,000 dòng code được đưa lên; 319 lỗi kỹ thuật được sửa; hơn 300 email/ tweet chăm sóc khách hàng được gửi ra.
- ~ 200,000 lần nhắc tới trên các phương tiện truyền thông.
- Thương hiệu được nhận diện bởi hơn 5 triệu người dùng, hầu hết bao gồm những người trong các lĩnh vực thiết kế, marketing, founders của các startups, các nhà đầu tư, và những người manh tính ảnh hưởng cao trong cộng đồng startups.