Nguồn vốn là một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của một công ty khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả lý do mà startup tìm đến nhà đầu tư…

Theo quan sát của ông Bùi Đình Nhật – Giám đốc Chương trình huấn luyện khởi nghiệp Topica Founder Institute, không phải mọi startup đều cần gọi vốn bởi nhu cầu này phụ thuộc vào mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Trải qua 5 năm hoạt động, vườn ươm khởi nghiệp Topica Founder Institute đã ươm mầm cho hơn 60 doanh nghiệp nhưng chỉ duy nhất một doanh nghiệp đủ khả năng duy trì tăng trưởng mà không cần huy động vốn từ nhà đầu tư.

“Nếu mô hình kinh doanh của startup tạo ra dòng tiền tốt, đồng thời công ty có thể tự phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và tạo đà tăng trưởng thì không cần gọi vốn”, ông Nhật chia sẻ.

Đây cũng là hướng đi mà startup du lịch Vietnam Travel Consultant hướng đến. Với phân khúc khách hàng tập trung chủ yếu là người nước ngoài, công ty này đang mở rộng mô hình lớp học nấu món ăn bên cạnh 2 dịch vụ cốt lõi là tour du lịch trọn gói và hỗ trợ xúc tiến kinh doanh (gồm biên, phiên dịch, nghiên cứu thị trường…).

Ông Trần Văn Quang – Đồng sáng lập Vietnam Travel Consultant cho biết, nguồn vốn cũng là một vấn đề cần cân nhắc khi công ty đang bước vào giai đoạn mở rộng thị trường. Tuy nhiên, vì muốn tập trung kinh doanh tốt các sản phẩm chủ lực đồng thời có toàn quyền tự quyết phương án kinh doanh nên Công ty chưa muốn huy động vốn bên ngoài dù đã nhận được khá nhiều đề nghị đầu tư.

Thực tế, có khá ít startup đủ khả năng phát triển nếu chỉ dựa vào nguồn vốn nội lực như Vietnam Travel Consultant. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, bởi lẽ, các startup này cần dành nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, do đó gọi vốn là nhu cầu tất yếu.

Chia sẻ bên lề hội thảo “Giải mã quỹ đầu tư mạo hiểm – Bí quyết của việc gọi vốn đầu tư”, ông Luca Mohammadi – Nhà quản lý và điều hành Công ty tư vấn Fast Forward Advisors đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng startup Việt Nam.

Riêng với những startup công nghệ, bên cạnh việc chú trọng phát triển sản phẩm, ông Luca khuyên chủ doanh nghiệp nên quan tâm hơn đến kiến thức tổng quan thị trường, xác định nhu cầu thực của khách hàng đồng thời nắm vững kế hoạch tài chính khi thuyết trình dự án trước nhà đầu tư.

Bàn về vấn đề này, CEO ShareCarForAds Lê Mai Tùng có ví von thú vị: “Việc gọi vốn cũng công phu như chuyện tán tỉnh vậy. Startup và nhà đầu tư phải dành thời gian tìm hiểu nhau trong thời gian dài, tạo sự tin tưởng với nhau từ đó mới quyết định có nên đi chung đường hay không”.

Tuy nhiên, nếu công ty chưa tạo ra sự tăng trưởng, chưa chứng minh được mô hình kinh doanh có thể lặp lại hoặc mở rộng một cách nhanh chóng thì sẽ rất khó thuyết phục nhà đầu tư rót vốn.

Tùy từng giai đoạn tài trợ vốn mà nhà đầu tư sẽ có những yếu tố đánh giá khác nhau đối với startup. Cụ thể, trong vòng gọi vốn hạt giống, các nhà đầu tư thiên thần sẽ tập trung chủ yếu vào chất lượng đội ngũ (kỹ năng, kinh nghiệm…) của startup, khả năng xác định vấn đề thị trường đồng thời đo lường khả năng giải quyết vấn đề của sản phẩm.

Chỉ khi startup bước vào giai đoạn tăng trưởng, nhà đầu tư mới đặc biệt chú trọng đến mức tăng trưởng doanh thu, người dùng…

Thêm nữa, nhà đầu tư cần đảm bảo sản phẩm được rót vốn sẽ không gặp các rủi ro pháp lý trong tương lai. Theo kinh nghiệm của luật sư chuyên hỗ trợ cho các startup, nhà đầu tư sẽ xem xét một số vấn đề như: đăng ký bảo hộ ý tưởng kinh doanh, kế hoạch phát triển thương hiệu, khả năng đáp ứng các quy định pháp luật của nước sở tại liên quan đến ngành nghề kinh doanh…

Ở chiều ngược lại, các startup cũng đặt ra những tiêu chuẩn riêng khi lựa chọn nhà đầu tư. “Tiền chưa phải là ưu tiên hàng đầu của startup khi tiến hành huy động vốn. Các startup còn cần đến kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, khả năng tư vấn và hỗ trợ phát triển mạng lưới kinh doanh (network) của chính nhà đầu tư”, ông Nhật cho hay.

Bên cạnh đó, có không ít chủ doanh nghiệp mong muốn nhà đầu tư hiểu rõ về công ty trước khi đặt vấn đề rót vốn. “Đôi lúc, nhà đầu tư đặt kỳ vọng quá cao vào sản phẩm nhưng tại thời điểm đó, startup chưa hội đủ điều kiện cần và đủ để phát triển. Điều này rất dễ khiến nhà đầu tư bị ‘vỡ mộng’”, theo ông Trương Công Hải – CEO Mideas, startup chuyên cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ doanh nghiệp Việt.

Ông Hải chỉ ra, một sản phẩm dù có tốt đến mấy nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa đủ tốt thì sản phẩm đó về lâu dài cũng sẽ “chết”. Đó cũng là lý do mà nhà đầu tư nên quan tâm đến chất lượng đội ngũ nhân sự trước tiên, kế đến mới là đánh giá ý tưởng kinh doanh và việc xác định xu hướng thị trường, sau đó quay về đánh giá năng lực thực tại của startup.

Tuy nhiên, để tăng tính cam kết và đảm bảo cùng chia sẻ giá trị, hiện có không ít startup và nhà đầu tư “bắt tay” nhau ngay từ giai đoạn thử nghiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Bằng cách này, nhà đầu tư có thể sử dụng được giá trị mà sản phẩm thử nghiệm mang lại trong khi startup có thêm nguồn lực hỗ trợ (tài chính, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng…) để sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao đồng thời phát huy hiệu quả cao nhất.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Máy – đồng sáng lập startup Demeter, một công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, mô hình hợp tác trên đòi hỏi sản phẩm phải có tiềm năng phát triển lớn và có tính ứng dụng thực tiễn cao, bởi hiếm có sản phẩm nào đủ khả năng mang lại giá trị cho nhà đầu tư (lợi nhuận, phát triển thương hiệu) trong quá trình thử nghiệm.

Suy cho cùng, startup và nhà đầu tư phải xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi thì mới hợp tác bền vững. Nhà đầu tư thu lợi nhuận từ số vốn bỏ ra ban đầu trong khi startup có thể giải quyết các vấn đề xã hội và kiếm tiền từ đó bằng cách kêu gọi đầu tư, thậm chí bán công ty cho các tập đoàn lớn hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.

Điều quan trọng là hai bên phải hiểu nhau và có chung quan điểm về sản phẩm, bởi nói như ông Hải, startup được rót nhiều tiền chưa hẳn đã tốt, đôi lúc chính chúng lại khiến doanh nghiệp “chết” nhanh hơn nếu startup và nhà đầu tư không cùng nhìn về một hướng.

Vân Thảo – Doanh nhân Sài Gòn