Quỹ đầu tư với giới Startup Việt nam (phần 2)
Vì những lợi ích tăng thêm khi được cấp vốn từ Quỹ đầu tư, cũng như các Startup trên thế giới, gõ cửa gọi vốn từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm là giải pháp được nhiều Startup Việt lựa chọn. Tuy nhiên không phải cứ gõ cửa là cánh cửa sẽ mở ra và bữa tiệc thịnh soạn bắt đầu.
Ít dự án gọi vốn từ Quỹ đầu tư thành công
Hiện nay, tại Việt Nam đã có cả các Quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước hoạt động, tuy nhiên số lượng Quỹ khá ít so với thế giới. Thậm chí nhiều Startup có thể thuộc lòng tên các Quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt nam, tiêu biểu như FPT Ventures (Việt Nam), Seedcom (Việt nam), IDG Ventures (Hoa Kỳ), Cyber Agent (Nhật Bản), Golden Gate (Singapore), 500 Startups (Hoa Kỳ)…
Cá biệt có một số Quỹ được lập ra nhưng thực chất chỉ là Quỹ ảo, vẫn đang tìm kiếm người góp vốn vào Quỹ như Quỹ khởi nghiệp của công ty IDT, Quỹ của dự án first, Quỹ VSF…
Số lượng Quỹ ít, nhưng số lượng dự án gọi vốn thành công từ các Quỹ này còn ít hơn nữa. Trong số khoảng hơn 15.000 startup hoạt động chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, trung bình mỗi năm chỉ có 20-30 Startup gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư tại Việt nam. Những thương vụ đầu tư tầm triệu đô trở lên thậm chí chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với vài cái tên thành công được nhắc lại trong thời gian dài như Momo, Lozi, vatgia, Ononpay…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ảm đạm này, từ cả hai phía Quỹ đầu tư và Startup. Nguyên nhân chính là do các Startup chưa có dự án đủ khả thi khiến các Quỹ đầu tư bị thuyết phục, trên thực tế các Quỹ vẫn còn nhiều ngân sách mà không tìm được dự án tiềm năng để giải ngân. Hầu hết Startup bị đánh giá có qui mô thị trường quá nhỏ, không phù hợp với mục tiêu đầu tư của các Qũy, bởi các Quỹ đầu tư mạo hiểm có Quỹ định trong việc quản lý vốn cũng như số tiền đầu tư tối thiểu (thường là 500 ngàn USD trở lên) và các Startup Việt nam đa phần không đạt đến qui mô này.
Ngoài ra các Startup thường gặp khó trong giai đoạn đầu, thiếu số vốn ban đầu để duy trì công ty, thu hút khách hàng, thúc đẩy doanh số, mà các Quỹ lại nhìn vào hiệu quả hoạt động kinh doanh để xem xét đầu tư. Điều này tạo thành cái vòng luẩn quẩn đối với Startup: không có vốn nên không có nhiều khách hàng, không đủ doanh số, và vì không đủ doanh số nên lại không gọi vốn được!
Về phía các Quỹ đầu tư cũng chưa mạnh dạn rót vốn bởi khả năng thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Startup là rất khó khăn. Trên thế giới, khi ‘ươm’ các doanh nghiệp đủ lông cánh, Quỹ đầu tư có thể dễ dàng thoái vốn bằng cách bán cổ phần trên thị trường chứng khoán, nhưng thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển được như vậy.
Hơn nữa, đầu tư vào Startup là mô hình nhiều rủi ro, tỉ lệ thành công được thống kê chỉ đạt 10%, mà văn hóa Việt nam chưa quen với đầu tư mạo hiểm. Ở nhiều nước, có những Quỹ đầu tư được chính phủ thành lập để hỗ trợ giới khởi nghiệp, nhưng ở Việt nam hiện cũng chưa có một Quỹ đầu tư nào như vậy. Vì những lý do này, dễ hiểu tại sao không có nhiều Startup ở Việt nam gọi vốn đầu tư từ các Quỹ thành công.
Mối quan hệ thân tình
Tuy số lượng Startup huy động được vốn từ các Quỹ đầu tư còn thấp, nhưng mối quan hệ giữa giới Startup với các Quỹ đầu tư tại Việt nam khá thân tình. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp không nhận được vốn, nhưng lại nhận được những tư vấn miễn phí còn hữu ích hơn cả vốn từ đại diện Quỹ đầu tư.
Một phần vì số lượng Quỹ đầu tư ở Việt nam còn ít, hầu hết các Startup đều biết mặt biết tên, và đại diện Quỹ đầu tư cũng là những người tâm huyết muốn nâng đỡ, gây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các Startup ở Việt nam. Một phần vì bản chất hoạt động của Quỹ đầu tư, cần nghiên cứu sâu hoạt động kinh doanh, lĩnh vực kinh doanh, năng lực kinh doanh… của các Startup nên hiểu biết về Startup khá rõ và có thể đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích.
Khi quyết định rót vốn vào Startup, Quỹ đầu tư luôn đi sâu sát với doanh nghiệp và tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Như trường hợp của Vexere, một Startup được Quỹ CyberAgent Venture (Nhật) rót vốn đầu tư. CEO Trần Nguyễn Lê Văn của vexere chia sẻ, CyberAgent Ventures đã giúp đỡ doanh nghiệp rất nhiều, thậm chí nhà đầu tư này còn tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp để gọi vốn thành công ở lần thứ 2 từ Quỹ Pix Vine Capital (Singapore).
Hay CEO Nguyễn Ngọc Điệp của công ty Vật giá cũng luôn bày tỏ lòng biết ơn với ông Nguyễn Hồng Trường, cố phó chủ tịch của IDG Venture, vì đã luôn sát cánh giúp đỡ công ty Vật giá về mọi phương diện thuế má, hành chính, thị trường, đường hướng phát triển và chìa bàn tay hỗ trợ doanh nghiệp trong những thời điểm khó khăn nhất.
Kể cả không rót vốn đầu tư, các Quỹ đầu tư cũng khá cởi mở cho lời khuyên hay giới thiệu đối tác cho các doanh nghiệp Startup. Đại diện Quỹ đầu tư thường xuyên có những chia sẻ chung cho các Startup trong các buổi hội thảo, chương trình TV, hay trên báo chí.
Chuyện Startup tiếp cận một Quỹ đầu tư nhưng không được rót vốn do mô hình kinh doanh không phù hợp định hướng của Qũy, sau đó Quỹ này trực tiếp giới thiệu Startup sang Quỹ đầu tư khác phù hợp hơn là chuyện không hiếm xảy ra.
Đ.K Hà
Ông Nguyễn Hồng Trường, Cố Phó chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam, một trong những người đặt nền móng cho cộng đồng startup Việt phát triển.
Rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng startup Việt đã bày tỏ cảm xúc sâu sắc sau cái chết được xác định là đột tử của nhà đầu tư sinh năm 1977, một người đóng vai trò lớn trong việc thay đổi bộ mặt nhiều công ty startup lớn. |
Phần 1: Quỹ đầu tư với Startup: Không chỉ là nơi cấp vốn