Phong trào khởi nghiệp ở TP HCM – Bài 1: Vai trò quan trọng của ‘vườn ươm’
Thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang diễn ra sôi nổi. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở TP Hồ Chí Minh đang diễn ra khá sôi động, không chỉ thể hiện ở số lượng nhóm tham gia khởi nghiệp, mà còn trong các hoạt động ươm tạo khởi nghiệp, các chương trình, cuộc thi khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của các trường học và các tổ chức trong, ngoài nước.
Tuy nhiên, để có được những doanh nghiệp “sống sót” và phát triển có chất lượng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ để đưa hoạt động phát triển năng lực khởi nghiệp đi vào thực chất hơn nữa.
Trong thời gian qua, hoạt động khởi nghiệp của cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đã và đang diễn ra sôi nổi. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Chính quyền TP Hồ Chí Minh cũng đã cụ thể hóa chính sách thành các chương trình hỗ trợ ý tưởng, doanh nghiệp khởi nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.
Ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm, Câu lạc bộ các nhà kinh tế, cho biết, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi)…
Năm 2016 được xem là “năm khởi nghiệp”. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tập trung các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp như Nghị quyết số 01/2016 về “Hình thành và từng bước phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, như: Vườn ươm doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Dịch vụ đào tạo tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp…”.
Sau đó, có Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2017 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án: “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là một trong những điểm ấn tượng nhất với cộng đồng khởi nghiệp trong năm 2016.
Cùng với những chính sách chung của Nhà nước, để tạo điều kiện thành công cho phong trào khởi nghiệp thành công và hệ sinh thái khởi nghiệp, UBND TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định 1339/QĐ-UBND ngày 17/3/2017 về Kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh.
Mục tiêu là nhằm hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp; trong đó, hướng tới sản xuất theo công nghệ cao, thương mại điện tử, công nghệ thông tin và hệ sinh thái dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Theo các chuyên gia, hiện nay, để phát triển năng lực khởi nghiệp trong giới trẻ, làm nền tảng để hình thành những doanh nghiệp sau này, các chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và phát triển các ý tưởng kinh doanh, một số viện, trường đại học trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh đã thành lập các mô hình ươm tạo khởi nghiệp như Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh, trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh…
Bước đầu đã góp phần hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới thương mại hóa các ý tưởng, sản phẩm của sinh viên.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng đã có những hoạt động hỗ trợ nhằm kết nối các buổi hội thảo và Quỹ đầu tư để định hướng và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp cho các bạn trẻ.
Khi làn sóng khởi nghiệp đang lan rộng trên từng ngóc ngách, thì vai trò của các vườn ươm doanh nghiệp càng quan trọng.
Theo các chuyên gia, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nhiều mô hình vườn ươm đã được hình thành từ nhiều năm trước đây, song hoạt động chưa đúng tiêu chí và năng lực của một vườn ươm cho khởi nghiệp.
Gần đây, khi chính sách phát triển khởi nghiệp được lan tỏa sâu rộng, nhiều vườn ươm đã được điều chỉnh hoạt động theo đúng mục tiêu nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp.
Theo ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc, Vườn ươm doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP-IC), mặc dù được thành lập từ năm 2006, nhưng đến năm 2009, vườn ươm doanh nghiệp mới thật sự đi vào hoạt động đúng với tiêu chí đề ra và tăng tốc mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng của dự án.
Hiện tại, vườn ươm đang hỗ trợ cho 22 dự án chính thức. Ngoài ra, còn hỗ trợ các dự án thông qua những hoạt động như các cuộc thi, tư vấn. Cơ sở vật chất của vườm ươm hiện đã có thể hỗ trợ tốt hơn, giúp các bạn trẻ khởi nghiệp.
Khu công nghệ cao đã có dự án được HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua quyết định xây dựng và dự kiến khởi công vào đầu năm 2018.
Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ITP) được thành lập từ năm 2003. Tuy nhiên, hiện chỉ kết nối được các doanh nghiệp lớn với sinh viên. Các doanh nghiệp này chủ yếu thiên về gia công để bán sản phẩm, không hỗ trợ nhiều cho sinh viên. Vì thế, đến năm 2013 -2014, ITP đã tái cấu trúc lại và định hướng phát triển công nghệ.
Ông Lê Nhật Quang, Trưởng Phòng marketing ITP, cho biết, từ năm 2015, nhiều chương trình khởi nghiệp đã được tổ chức nhằm khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên.
Như mời diễn giả nói chuyện, tổ chức các cuộc thi, không phải là những cuộc thi đơn thuần, mà còn có những buổi huấn luyện cho sinh viên kiến thức về khởi nghiệp.
Dù có tiếp tục với ý tưởng đó hay ngừng lại, song những kiến thức sinh viên được trải nghiệm trong thời gian này có thể là kinh nghiệm để tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo. Sau cuộc thi nếu đoạt giải và muốn tiếp tục, sinh viên sẽ được các doanh nghiệp hứa hẹn đầu tư vốn mầm, hoặc được hỗ trợ một phần vốn để làm sản phẩm.
Vườn ươm sẽ hỗ trợ tiếp chương trình tăng tốc khởi nghiệp để huấn luyện sâu và kỹ hơn về kiến thức, các công cụ, có nguồn vốn để phát triển sản phẩm. Sau này khi thành bước lên doanh nghiệp khởi nghiệp (start up), các sinh viên có thể hình thành nhóm thực sự để kêu gọi đầu tư.
ITP đang hướng tới xây dựng hệ sinh thái chứ không chỉ là một vườn ươm thông thường. ITP đang hỗ trợ cho khoảng 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp “start up”.
Đến đây, doanh nghiệp “start up” sẽ được nhận các gói hỗ trợ từ không gian làm việc đến các dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông và được hỗ trợ kêu gọi vốn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm…
ITP cũng có các khóa đào tạo khởi nghiệp giúp doanh nghiệp “start up” trau dồi kỹ năng và kiến thức kinh doanh hữu ích.
Đến năm 2020, ITP sẽ trở thành một “Hub” (như một cổng thông tin khởi nghiệp kết nối tất cả các nguồn lực trong nhiều lĩnh vực) về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp không chỉ lĩnh vực công nghệ thông tin.
Dự kiến, khi đó sẽ hỗ trợ cho 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp “start up”, với 2.000 người làm việc và 2.000 sinh viên thực tập.
Ông Quang cho biết thêm, ngoài mô hình này, còn có nhiều vườn ươm khác như Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung thuộc Công viên phần mềm Quang Trung… đã thu hút và hỗ trợ nhiều dự án ươm tạo, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp…
Lan Phương – Việt Âu (TTXVN)