Phân tích\ Tại sao những công ty lớn thường mua lại các công ty nhỏ
Những công ty lớn sẽ không mua lại những công ty nhỏ chỉ vì tài chính của họ, mà bởi nhiều lý do khác.
Những công ty lớn không quan tâm lắm về tình hình tài chính của công ty nhỏ vì con số này không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của công ty mẹ.
Một công ty với doanh thu 100 triệu USD cùng mức tăng trưởng 30% mỗi năm sẽ không ngại rủi ro khi mua một công ty có doanh thu 1 triệu USD và tăng trưởng 100% mỗi năm, bởi mức tăng trưởng bổ sung chỉ chênh lệch khoảng 1% đến 2%.
Thay vào đó, người mua công ty sẽ bắt đầu với các chiến lược của họ, như sự kết hợp sản phẩm của hai công ty, sự tăng trưởng của thị trường, phát triển thương hiệu lâu dài, kế hoạch mở rộng theo địa lý,…
Ví dụ, giả sử một công ty cần phát triển một sản phẩm mới, một thiết bị gia dụng chẳng hạn. Dự án đó có thể mất đến hai năm và tiêu tốn hàng triệu Mỹ kim để hoàn thành.
Vậy là các công ty lớn sẽ chọn mua một công ty nhỏ đã có một sản phẩm gia dụng, có thể mất 6 tháng để hợp nhất sản phẩm đó với công nghệ của công ty lớn, rồi các khâu sáp nhập chiến lược có thể sẽ mất 18 tháng.
Thậm chí nếu quá trình này có mất đến 2 năm đi nữa, nó vẫn đáng giá, do tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì và hai công ty vẫn tạo ra sự khác biệt thị trường.
Các công ty lớn vẫn mua những công ty nhỏ dù nó thậm chí chưa có doanh thu. Đó là trường hợp của Facebook và Instagram. Người ta nói rằng Facebook đã trả quá nhiều tiền cho thương vụ này, 1 tỷ USD cho một công ty có doanh thu bằng 0.
Ngược lại, Instagram đã quá nóng vội khi tự bán chính mình khi vẫn chưa kịp phát triển, họ sẽ có giá trị cao hơn nếu có thể tạo ra một khoản doanh thu nhất định.
Hãy cùng nhìn sâu vào chiến lược của họ. Facebook cho rằng công nghệ tương lai sẽ bị các thiết bị di động thống trị. Việc sử dụng điện thoại để truy cập Facebook đã làm lu mờ chức năng của máy tính trong việc này, nhất là ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, doanh thu mà quảng cáo đem lại từ di động thì rất ít. Nghĩa là mô hình quảng cáo của Facebook khi chuyển sang di động đã bị phá vỡ, nhưng họ đã nhanh chóng khắc phục được nó.
Lựa chọn ít rủi ro nhất là mua lại các sản phẩm di động đã có số lượng người dùng lớn, nó đủ mạnh để cạnh tranh lại với chính Facebook và hiện vẫn đang tăng trưởng nhanh. Instagram và Whatsapp đã được Facebook mua lại với giá hai mươi tỷ dollar, họ cũng đã từng cố mua lại Snapchat với mức giá hào phóng như thế nhưng chưa thành.
Và việc này đã thành công. Xu hướng di động vẫn phát triển như dự đoán, vấn đề về hiệu quả quảng cáo trên di động của Facebook đã được khắc phục và thậm chí còn tăng mạnh trên mọi mặt.
Với giá trị vốn hóa thị trường hiện tại lên đến 400 tỷ USD, 20% lợi nhuận tăng trưởng cao, việc trả 1 tỷ USD cho Instagram hay 19 tỷ USD cho Whatsapp đã đem lại thành công rực rỡ, dù rằng cả hai công ty nhỏ này đều chưa có kế hoạch kinh doanh thật sự rõ ràng.
Đối với những gã khổng lồ đứng số 1, số 2 trên thị trường, họ thường đạt tới ngưỡng bão hòa trong thị trường đó. Vì thế, họ phải quan tâm đến những sản phẩm mới có thể tạo ra một khoản doanh thu mới từ công ty nhỏ.
Họ thường trả một số tiền rất cao để mua lại được những công ty nhỏ đang đứng đầu trong một thị trường nào đó, như Instagram đứng đầu ở mảng chia sẻ ảnh, còn Whatsapp thì dẫn đầu nền tảng nhắn tin di động cho người dùng hiện đại.
Tóm lại, mức độ tăng trưởng, doanh thu hay lợi nhuận của các công ty nhỏ không phải là yếu tố quan trọng để các công ty lớn xem xét được mua lại. Điều quan trọng nhất là chiến lược có thể giúp công ty lớn tăng tốc đạt được mục tiêu đã đề ra.