Phân tích\ Hỗ trợ khởi nghiệp: Tấm huy chương hai mặt
Sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước có vai trò quan trọng với các dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, hỗ trợ cho ai, hỗ trợ như thế nào… là bài toán khó với Việt Nam.
Từ phía Nhà nước, nhiều sáng kiến với chiến lược quốc gia về khởi nghiệp đã được đề xuất và khởi động. Gần đây có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích sử dụng quỹ của các cơ quan để góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, ưu đãi về thuế.
Rõ ràng, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quan trọng đối với dự án khởi nghiệp của các cá nhân và tập thể mà ban đầu thường không có gì đáng kể về tài vật, chỉ có ý tưởng sáng tạo và tinh thần quyết tâm cộng với sự tự tin sẽ thành công. Tuy nhiên, hỗ trợ cho ai, hỗ trợ như thế nào và bao nhiêu thì phù hợp là bài toán khó với Việt Nam. Cái khó đầu tiên là tài chính.
Một số nước thường được viện dẫn như là cái nôi, môi trường lý tưởng cho khởi nghiệp nhưng tiếc rằng đó lại thường là các nước và vùng lãnh thổ đã phát triển, giàu có như các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Israel, Singapore, Đài Loan và Hồng Kông.
Thế nên, với tiềm lực kinh tế còn rất hạn chế của Việt Nam thì việc “noi gương” những nước này để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên diện rộng là điều khó khả thi. Và nếu có thực hiện được trên quy mô lớn thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng các nguồn lực vốn rất nhỏ bé, hữu hạn lại bị dàn trải quá mức, dẫn đến mỗi DN startup nếu may mắn sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ so với nhu cầu tài vật cần thiết để đưa startup đến thành công.
Tiếp đến, sự hỗ trợ tài vật của Nhà nước cho các startup nhiều khi lại đưa đến những kết quả không mong muốn. Đó là sự ra đời và tồn tại của những DN theo kiểu “xác sống”, hoạt động thoi thóp, tạo ra rất ít hiệu quả kinh tế như công ăn việc làm, thu nhập và tăng trưởng.
Hãy lấy ví dụ về Singapore, một nước được coi là có môi trường lý tưởng để khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ với sự hậu thuẫn của chính phủ nhằm cạnh tranh với vị thế của Thung lũng Silicon, Mỹ.
Cũng cần biết thêm là Singapore, học hỏi mô hình của Israel, cũng hỗ trợ tới 85% vốn cần thiết cho DN startup (15% còn lại dành cho các nhà đầu tư tư nhân), nhưng điều khác biệt là Singapore không đưa ra các điều kiện khó khăn hơn, trong đó có mức độ công nghệ mà DN sẽ phát triển, để được chính phủ cấp vốn như ở Israel.
Theo một khảo sát hồi năm 2016 của Trung tâm Khởi nghiệp thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tuy có đến hơn phân nửa số DN startup ở nước này sống sót sau 5 năm kể từ ngày thành lập, so với tỷ lệ chỉ 42% ở Anh, nhưng rất nhiều trong số DN tồn tại này hoạt động cầm chừng, không tạo ra mấy công ăn việc làm và doanh thu.
Điều này xảy ra bất chấp thực tế Singapore là một trong những nơi dễ dàng để khởi nghiệp nhất trên thế giới, cũng như nước này được hưởng lợi từ một lực lượng lao động có trình độ cao và sự tiếp cận các thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh ở Đông Nam Á.
Cụ thể hơn, kết quả khảo sát nói trên chỉ ra rằng, hơn một nửa trong số 530 DN trong lĩnh vực công nghệ tính trung bình có ít hơn 5 lao động và doanh thu trung bình hằng năm ở mức 200.000SGD (khoảng 3,2 tỷ đồng). Chỉ có 8% trong số DN tham gia khảo sát thuộc dạng tăng trưởng nhanh với doanh thu trung bình hằng năm đạt 4 triệu SGD (64 tỷ đồng).
Tệ hơn, ngay cả trong số DN thành công và tăng trưởng nhanh này có đến trên 2/3 DN chỉ đơn giản sao chép ý tưởng kinh doanh đã thành công ở đâu đó, chứ không phải thành công dựa trên sáng tạo riêng của mình. Cuộc khảo sát cũng cho thấy có rất ít DN đang hoạt động trong lĩnh vực “công nghệ sâu” và có tính cách mạng như trí tuệ nhân tạo và khả năng học hỏi của máy móc.
Do vậy, bài học rút ra từ trường hợp của Singapore và rộng hơn là của Israel – mô hình mà Singapore học hỏi không đến nơi đến chốn – có thể áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam là hỗ trợ cần có tính chọn lọc, trọng điểm, với những yêu cầu khắt khe về lĩnh vực và chất lượng hoạt động, cũng như khả năng tăng trưởng của DN startup để sao cho nguồn lực có hạn của Nhà nước được dồn cho những DN có khả năng tăng trưởng nhất trong các lĩnh vực sáng tạo, có chiều sâu về công nghệ.
Nếu không, sự hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục bị dàn trải, lãng phí cho những DN mang tiếng là startup nhưng chỉ là những DN thông thường, không có sức lan tỏa sâu rộng cả về công nghệ lẫn kinh tế.
TS. PHAN MINH NGỌC – Theo Doanh nhân Sài Gòn