Tôi sống ở Narela, một khu ngoại ô gần Delhi của Ấn Độ. Người Ấn Độ chúng tôi hay uống trà và tôi thường ghé quán trà vỉa hè của anh Chinku gần nhà.

Gần đây, Startup của tôi gặp một số vấn đề nan giải ở sản phẩm phiên bản thử nghiệm. Tôi chợt nghĩ tới Chinku, người đang có một cửa hàng thực sự và hàng ngày đối diện với những rắc rối trong kinh doanh.

Bài học đầu tiên

Mờ sáng hôm sau, tôi tới chỗ Chinku. Anh ấy luôn mở hàng rất sớm, sớm hơn hầu hết những người bán trà quanh đây.

Tôi hỏi Chinku: Tại sao anh lại mở hàng sớm vậy, anh đâu có khách vào giờ này?

“Tôi không có nhiều khách vào lúc này. Thỉnh thoảng tôi bán được 20 cốc trà lúc trước 6:30. Nhưng phần lớn mọi người thường tới lúc 7:00.

Tuy nhiên, mở hàng sớm thì tôi có thời gian để chuẩn bị mấy món bánh mì kẹp. Khi khách hàng cần, tôi có thể đưa được ngay mà không bắt họ phải chờ đợi như những quán trà khác. Khách của tôi sẽ vui vẻ hơn”.

Chinku rất thông minh, anh ta hiểu khách hàng rất ghét chờ đợi. Để đưa tới cho khách hàng sự hài lòng cao nhất, anh ta đã chuẩn bị sẵn mọi thứ từ trước. Chiến lược và cách làm thật tuyệt!

Bài học thứ hai

“Anh có muốn một cốc trà bhaiya ji như thường lệ không?”
“Có, cho tôi một cốc.”

Đáp ứng yêu cầu của khách hàng! Đó là câu khẩu hiệu trong ngành startup. Đáp ứng yêu cầu khách hàng có nghĩa là làm cho khách hàng cảm thấy mình đặc biệt và được phục vụ theo đúng nhu cầu. Chúng ta đều muốn được đáp ứng, và đó là điều Chinku đang làm.

Chinku đưa ly theo yêu cầu cho tôi, một ly trà mạnh với 1 thìa đường và 1 chút gừng. Sản phẩm phù hợp với mong muốn của thị trường, đó là thứ tôi muốn và tôi luôn sẵn lòng trả tiền cho nó.

Khi đã là một khách quen thì Chinku luôn pha trà theo đúng yêu cầu của tôi. Mỗi lần tôi vào quán, tôi không phải nhắc lại điều đó vì nó đã nằm trong bộ nhớ của Chinku rồi.

Bài học thứ ba

“Chinku, tại sao anh lại mua một hàng ghế để trước quầy thế này? Chắc nó phải tốn một đống tiền nhỉ?”

“Cũng tốn, nhưng chỉ một lần thôi. Có mấy cái ghế này nên khách của tôi sẽ thường ngồi ở đây để tán chuyện, và họ sẽ mua thêm đồ của tôi.”

Đây là một ví dụ điển hình của việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, và một khi khách quay trở lại thì sẽ làm tăng doanh số. Nếu áp dụng chỉ số ROI (return on investment) vào đây, bạn sẽ rất ngạc nhiên đấy.

Hóa ra Chinku là một nhà kinh doanh tài ba, anh có một chiến lược hiệu quả để làm tăng việc kinh doanh của mình. Hôm khác, tôi sẽ nói chuyện với Chinku về sự cạnh tranh. Tôi chắc rằng anh ấy cũng sẽ có một chiến lược tuyệt vời.

Theo Arjun Tuli (medium)