Mỗi startup khi được bắt đầu luôn luôn gặp phải những khó khăn không lường trước. Trong đó, chính những sai lầm suốt quá trình triển khai dự án khởi nghiệp ở một lĩnh vực mới là nguyên nhân nuốt chửng mọi kỳ vọng đặt ra ban đầu.

Như các bạn biết, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng có sự phát triển với tốc độ chóng mặt, các bạn trẻ sau khi ra trường chỉ đi làm thuê được vài năm là đã có xu hướng tách ra mở doanh nghiệp nhỏ phát triển một dự án cá nhân cho riêng mình.

Thế nhưng, theo thống kê, mặc dù Việt Nam là một quốc gia đang có phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hàng nghàn ý tưởng kinh doanh rất tiềm năng được đưa ra song phần lớn đều không thực hiện được trong điều kiện thực tế.

Theo số liệu báo cáo về các dự án khởi nghiệp gần đây thì chỉ có khoảng 10% dự án khởi nghiệp là thành công, 30% dự án thất bại ngay từ ban đầu còn 60% còn lại là các dự án sống dở chết dở, chờ ngày lụi tàn.

Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại của một startup? Liệu có phải chính những sai lầm dưới đây?

Chiến lược kinh doanh ban đầu quá sơ sài

Với một dự án khởi nghiệp cho một lĩnh vực mới đòi hỏi những người sáng lập cần chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược, kế hoạch phát triển cụ thể. Một chiến lược kinh doanh tốt là một chiến lược phải tính được mọi rủi ro trong kinh doanh và làm sao hóa giải được những rủi ro đó.

Trên thực tế, mọi vấn đề đều có thể xảy ra với dự án kinh doanh của bạn nhưng kế hoạch, chiến lược kinh doanh sẽ luôn là linh hồn, là la bàn chỉ dẫn cho bạn biết đi theo hướng nào ít rủi ro hơn.

Để làm được điều này, trước hết bạn cần biết mình là ai, đang đứng ở vị trí nào và tự trả lời những câu hỏi dưới đây:

– Vì sao bạn khởi nghiệp?

– Bạn kỳ vọng gì từ dự án khởi nghiệp?

– Sản phẩm, dịch vụ bạn sẽ đem đến thị trường là gì?

– Các vấn đề xoay quanh dự án kinh doanh sẽ giải quyết như thế nào: nguồn hàng, vận chuyển, luật thương mại, mặt bằng…

Tất cả những định hướng trên là cần thiết ngay từ ban đầu nhằm giúp bạn định hình được đúng con đường mà mình sẽ đi, tránh tình trạng chỉ có ý tưởng mà vẫn mông lung không biết mình sẽ làm như thế nào, dự án sẽ trở thành cái gì.

Không quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị

Dù là khởi nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gì thì việc bỏ qua quảng cáo, tiếp thị là một sai lầm trầm trọng. Bạn cứ thử tưởng tượng rằng, bạn chỉ chăm chăm đi sản xuất sản phẩm rồi để ở nhà là sẽ có người đến mua ư?

Hơn thế nữa dự án starup của bạn toàn là những sản phẩm mới, có thể là những sản phẩm mà người tiêu dùng còn không biết nó có tác dụng gì, có cần thiết hay không?

Quảng cáo và tiếp thị một sản phẩm hay thương hiệu đến với người tiêu dùng chính là một yếu tố không thể thiếu quyết định bạn có bán được hàng hay không?

Vì thế, hãy phân bổ ngân sách hợp lý, chi tiền cho quảng cáo mời gọi khách hàng tiềm năng. Trong trường hợp bạn không có nhiều kinh nghiệm về các kênh quảng cáo, tiếp thị thì tốt nhất hãy nhờ hoặc thuê chuyên gia tư vấn.

Nghĩ hẹp – tự giới hạn sự phát triển

Phần lớn những starup đều tỏ ra rất thận trọng trong quá trình lên kế hoạch và những mục tiêu cần đạt được. Mặc dù thận trọng là tốt, nhưng khi đặt ra các mục tiêu về sự phát triển cho dự án thì cũng không nên thận trọng quá mức bởi nó có thể là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của dự án.

Ví dụ: nếu bạn lựa chọn một dự án quá dễ dàng để đạt được như là bán trà đá tại cổng trường đại học thì điều đó không hề khó để đạt được. Nhưng kế hoạch đó làm sao có thể mang lại những bước đột phát quan trọng giúp bạn phát triển vượt bậc đây?

Tóm lại, một kế hoạch kinh doanh bình thường, dễ dàng đạt được và ít khó khăn, thử thách thì rất khó tạo ra bước ngoặt. Trong khi đó, những ý tưởng kinh doanh dễ dàng đạt được cũng sẽ lại thu hút những đối thủ của bạn làm theo một cách dễ dàng. Từ đó sinh ra sự cạnh tranh và bạn vẫn phải đối mặt với nó.

Hãy mạnh dạn thử bắt đầu với một ý tưởng kinh doanh mạo hiểm, có tính đột phá mà bạn cho là mình hiểu về nó hơn những đối thủ của mình.

Không biết nhìn nhận vào thực tế, ngại sự thay đổi

Đối với bất cứ doanh nghiệp nào từ khi mở ra đến giai đoạn phát triển cũng sẽ nảy sinh những vấn đề, những khó khăn hay thuận lợi…

Những yếu tố đó có thể khiến bạn sẽ phải thay đổi một chút trong kế hoạch, cách tổ chức doanh nghiệp để trở nên phù hợp hơn.

Song việc bảo thủ luôn cho rằng cách làm hiện tại là đang đúng, mọi thứ đang tốt không cần thay đổi gì cả sẽ càng làm doanh nghiệp bạn trở nên lạc hậu mà thôi.

Trong khi tất cả các doanh nghiệp trẻ đang phát triển từng ngày, nếu doanh nghiệp của bạn vẫn giữ nguyên cách đi như ban đầu, giậm chân tại chỗ có nghĩa là bạn đang tụt lùi. Thay đổi là một trong những cách nắm bắt cơ hội để phát triển.

Nhanh chóng thất vọng

Mặc dù đam mê, kỳ vọng rất lớn ngay từ khi bắt đầu dự án khởi nghiệp nhưng chắc chắn rất nhiều bạn trẻ từng rơi vào trạng thái thất vọng, tuyệt vọng tràn trề về sự kém phát triển và đi sai hướng ban đầu.

Khi mọi thứ đi vào ngõ cụt, sản phẩm bị khách hàng chê, thiếu hụt tài chính, nợ nần… cũng là lúc bạn phải chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Trước khi bắt đầu khởi nghiệp là bạn cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đối mặt với những khó khăn như thế này, vượt qua nó, chinh phục nó để hướng tới thành công trong tương lai.

Bỏ ngoài tai những đóng góp, chỉ trích

Điều quan trọng khi bắt đầu một dự án khởi nghiệp mới đó chính là bạn cần biết sản phẩm của mình được mọi người đón nhận như thế nào, sự hài lòng về sản phẩm ra sao.

Bạn không nên khẳng định chủ quan rằng sản phẩm của mình đã tốt rồi. Bỏ ngoài tai những đóng góp, chỉ trích từ khách hàng chính là một sai lầm trầm trọng.

Hãy lắng nghe những đóng góp, từng ý kiến của khách hàng để cải thiện sản phẩm tốt nhất.

Đầu tư kiểu “nhất ăn cả”

Rất nhiều bạn trẻ khi bắt đầu thấy công việc kinh doanh đang trở nên thuận lợi liền bỏ hết vốn liếng, thậm chí đi vay để đổ dồn vào dự án.

Điều này có thể giúp bạn phát triển vượt bậc nếu thuận buồn xuôi gió nhưng cũng có thể nhấn chìm dự án của bạn mà vốn liếng thì mất sạch.

Trở thành chủ doanh nghiệp, việc chấp nhận hi sinh sức khỏe, thời gian, tiền bạc để đầu tư cho dự án kinh doanh là điều hoàn toàn bình thường.

Nhưng hãy nên nhớ, trước khi nuôi mộng kinh doanh hãy dành cho mình một con đường lui, kể cả kinh doanh có thất bạn thì vẫn phải đứng vững được.

Lời kết

Khởi nghiệp luôn là một cái gì đó hấp dẫn con người ta bởi nó mang lại tiền tài và danh vọng. Thế nhưng, ít ai biết rằng, trên con đường kinh doanh luôn gặp phải những khó khăn thậm chí tuyệt vọng mà do chính những sai lầm của bạn gây ra.

Hãy khởi nghiệp khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh tốt và dự tính mọi kế hoạch tốt dành cho nó, tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra.

Theo avantihome