Không ai trong chúng ta có thể lường trước được những ảnh hưởng của việc rò rỉ thông tin điện tử qua email. Và các loại dịch vụ email mã hóa có tính bảo mật cao sẽ là giải pháp tối ưu nhất để người dùng yên tâm hơn mỗi lần gửi email.

Dưới đây là một vài cái tên tiêu biểu của các dịch vụ email “không bị đọc trộm” phổ biến hiện nay.

Prontomail

Prontomail là trang web cung cấp dịch vụ email mã hóa danh tiếng được phát triển từ năm 2013 bởi CERN (tổ chức phát triển hạt nhân châu Âu). Dịch vụ này có nhiều đặc điểm ưu việt khiến người dùng yên tâm về độ bảo mật khi sử dụng.

Ngoài việc áp dụng phương thức mã hóa đầu cuối, Prontomail còn có tính năng thiết lập thời gian hết hạn cho các email được mã hóa, tức là khi bạn cài đặt tính năng này cho email gửi đi thì nó sẽ tự động xóa khỏi hòm thư người nhận khi hết hạn. Đặc biệt, dịch vụ này cho phép gửi email mã hóa tới các email không phải Prontomail.

Không giống các dịch vụ email chúng ta vẫn quen dùng như Gmail, Hotmail hay Yahoo, Prontomail không yêu cầu người sử dụng cung cấp các thông tin cá nhân khi đăng kí tài khoản, nhờ đó, tính bảo mật sẽ được đảm bảo ở mức độ cao hơn.

Chính vì tính bảo mật cao, nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể truy cập vào ngay cả khi có sư can thiệp của chính phủ nên nếu người dùng quên mật khẩu, khả năng khôi phục lại tài khoản và dữ liệu gần như là không thể. Đây cũng là một điểm yếu mà người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng.

Hiện nay, Prontomail đã có sẵn ứng dụng miễn phí cho các phần mềm Androi và IOS.

Posteo.De

Posteo.De là một dịch vụ Email bảo mật của Đức được trang bị những tính năng khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng của từng đối tượng khách hàng.

Tính năng quan trọng của Posteo.De là xác thực hai yếu tố, tức là khi đăng nhập tài khoản Posteo.De, ngoài mật khẩu tài khoản, người dùng cần một xác thực một loại mã nữa. Mã này được gửi về điện thoại của chính người sử dụng dịch vụ, như vậy nhà cung cấp có thể định danh người đăng nhập có phải bạn hay không, đồng thời ngăn chặn hacker truy cập vào tài khoản ngay cả khi mật khẩu bị đánh cắp.

Tuy nhiên, Posteo.de không hỗ trợ miễn phí như Prontomail mà đi kèm với gói dịch vụ từ 1 Euro/tháng cho dung lượng 2GB.

Dịch vụ này cũng không yêu cầu bất kì thông tin cá nhân nào khi đăng kí, thậm chí còn cho phép người dùng trả tiền nặc danh qua chuyển khoản hoặc PayPal.

Countermail

Là một dịch vụ Email bảo mật của Thụy Sỹ, Countermail có những đặc điểm riêng biệt khiến nó trở thành một trong những dịch vụ Email bảo mật được sử dụng phổ biến.

Cũng áp dụng phương thức mã hóa đầu cuối End-to-End để giữ an toàn liên lạc như các dịch vụ email bảo mật khác nhưng Countermail sử dụng đến hơn 4000 loại mã hóa khác nhau khiến cho các hacker không có cách nào truy cập vào thông tin được gửi đi.

Dịch vụ này hiện có khả năng hỗ trợ trên Windows, MacOS X and Linux.

Cũng giống như Posteo.De, người dùng sẽ phải trả tiền để sử dụng dịch vụ, hơn 6 đô la Mỹ mỗi tháng sau một tuần sử dụng miễn phí.

Tutanota

Tutanota trong tiếng Latin có nghĩa là “thông điệp an toàn”, là một dịch vụ webmail miễn phí của Đức.

Điều đặc biệt ở dịch vụ Email này là khi bạn gửi một email mã hóa đến một người không dùng Tutanota, thay vì nhận được đầy đủ các văn bản, người nhận sẽ được gửi kèm một liên kết tới tài khoản Tutanota tạm thời để có thể đọc được các email bị mã hóa. Quá trình này khá phức tạp nhưng đảm bảo tính an toàn cao cho dữ liệu.

Một tính năng khác biệt nữa ở Tutanota đó là người sử dụng có thể chọn không mã hóa email nếu họ muốn mà không phụ thuộc vào nhà cung cấp.

Cũng như một số dịch vụ email bảo mật khác, nhà cung cấp dịch vụ Tutanota không thể khôi phục lại mật khẩu hoặc thiết lập lại tài khoản cho người dùng khi quên mật khẩu đăng nhập.

Mailfence

Mailfence, được cung cấp bởi Contact Office, không chỉ tập trung vào đảm bảo tính an toàn liên lạc qua thư điện tử mà còn cung cấp thêm các tính năng khác như lịch, danh bạ, tin nhanh và chia sẻ dữ liệu.

Ngoài ra, người sử dụng Mailfence có thể tự tạo một mã bảo mật cho mình trên máy tính, sau đó được lưu trên máy chủ của Mailfence. Thông qua việc xác thực hai mã trên, Mailfence có thể ngăn chặn việc truy cập trái phép vào tài khoản của người dùng.

Mailfence cung cấp dịch vụ hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng. Tuy nhiên, người dùng có thể trả tiền để nâng cấp lên các tính năng ưu việt hơn.

Một điểm yếu lớn của Mailfence đó là dịch vụ này chưa có hỗ trợ cài đặt trên điện thoại hay các thiết bị di động khác.

Các dịch vụ email trên đều là các dịch vụ email bảo mật phổ biến hiện nay. Người dùng hoàn toàn có thể dựa vào các tính năng riêng biệt của các loại email này để đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho quá trình liên lạc điện tử của mình.

Pham Thu Ha