Ngạo mạn và khiêm tốn, hai mặt đối lập trong 1 tính cách người lãnh đạo xuất chúng? (Phần 1)
Bài 1: Pha trộn 2 tính cách trái ngược có làm tăng hiệu quả?
Ngạo mạn và khiêm tốn là 2 tính cách đối lập nhau nhưng liệu có phải nó được kết hợp để tạo nên một tính cách của những người đại diện cho các công ty hàng đầu thế giới hay không? Bài viết sau đây thể hiện quan điểm của chuyên gia tâm lí học tổ chức Adam Grant.
Để tìm hiểu và so sánh được năng suất lao động của nhân viên cao hay thấp nếu họ được đặt dưới một sếp có tính cách ngạo mạn hay khiêm tốn, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tại một công ty thuộc nhóm 100 doanh nghiệp hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tạp chí kinh doanh Fortune.
Câu trả lời khá thú vị, khi người đứng đầu là những vị sếp tự cao thì nhân viên của họ thường bỏ nhiều thời gian lướt mạng và nghỉ giải lao, dẫn đến kết quả công việc không được như kỳ vọng. Trong khi đó, cấp dưới của những lãnh đạo khiêm tốn thì chịu khó hơn một chút: họ thực hiện nhiều cuộc gọi chăm sóc khách hàng hơn, cũng như ít nghỉ giải lao hơn.
Tuy nhiên, hiệu quả công việc đúng với kỳ vọng lại rơi vào nhóm lãnh đạo không có 1 trong 2 tính cách trên nổi trội mà các nhà lãnh đạo này gần như có biểu hiện của cả 2 tính cách tưởng chừng như trái ngược: họ là những người ngạo mạn một cách khiêm tốn.
Làm sao hai tính cách trái ngược ấy lại có thể tồn tại trong cùng một cá nhân? Đối nghịch như vậy, nhưng chúng lại kết hợp và bổ sung cho nhau. Những người tự cao nghĩ rằng họ đặc biệt và trên cơ phần còn lại; những người khiêm tốn ý thức được rằng họ không hoàn hảo và hay mắc lỗi.
Trong khi đó, những người có cả hai tính cách trái ngược trên đều sở hữu những đức tính của cả hai: họ không chỉ có tầm nhín sáng suốt, mà còn nhận thức được điểm yếu của bản thân và học hỏi từ những sai lầm. Những lãnh đạo như vậy không chỉ quản lí những nhân viên hiệu quả – chính họ cũng được đánh giá là hiệu quả.
Sự ngạo mạn thường khiến một người tự tin rằng họ có thể đạt được những điều vĩ đại. Thật khó có thể hình dung một người nào khác đưa những ý tưởng lớn lao để tạo nên một tập đoàn như Apple hơn Steve Jobs.
Thêm vào đó, chính phần còn lại cũng bị lôi cuốn bởi sự tự tin – đó là lí do vì sao những người tự cao thường có khả năng vươn đến những vị trí chủ chốt trong một tổ chức cũng như được trao quyền lực chính trị. Tuy nhiên, rõ ràng sự ngạo mạn cũng có hạn chế.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng các tập đoàn công nghệ do những người tự cao điều hành thường chịu nhiều biến động trong quá trình kinh doanh hơn. Chưa hết, những người tự cao thường tự tin quá mức, thường bỏ qua chỉ trích và muốn những lời tâng bốc rót vào tai, thường được những người đồng tình với họ, và thường mạo hiểm không cần thiết; còn nữa, những vị tổng thống quá đề cao bản thân thường vướng vào hành vi phi đạo đức để rồi bị buộc tội, như Richard Nixon hay Bill Clinton.
Vì thế, việc thêm vào một chút khiêm nhường trong tính cách sẽ giúp hạn chế xu hướng bốc đồng và sự tự mãn: điều này khiến người ta nhớ rằng họ là con người. Những lãnh đạo vừa tự cao vừa khiêm tốn có tham vọng lớn, nhưng họ không tự nhận họ sở hữu chúng; họ không phủ nhận khuyết điểm của bản thân và cố gắng khắc phục chúng.
Quốc Huy