“Nếu muốn tồn tại khi khởi nghiệp, mỗi người phải xây dựng giá trị cốt lõi của bản thân” – ông Đoàn Thiên Phúc, giám đốc Setech Việt chia sẻ.

Đoàn Thiên Phúc, giám đốc điều hành Setech Việt là một trong 10 công dân trẻ tiêu biểu của năm 2016 do Thành đoàn TP.HCM trao tặng. Anh cũng là tác giả của giải pháp chống trộm xe máy bằng điện thoại di động với tên gọi S–Bike. Giải pháp này đã mang về cho Phúc gần chục giải thưởng lớn nhỏ trong nước.

Năm 2011, Đoàn Thiên Phúc thành lập Setech Việt. Ngay sau đó công ty đã bán được 500 sản phẩm S–Bike đầu tiên, thu về 700 triệu đồng. Đó được xem là cột mốc đánh dấu thành công ‘đầu tay’ của Phúc trên hành trình khởi nghiệp.

Nhân dịp Xuân 2017, Đoàn Thiên Phúc đã có cuộc trò chuyện với PV Khampha.vn về câu chuyện thành bại khi khởi nghiệp dưới góc nhìn của một người trẻ.

– Là ông chủ của một doanh nghiệp khởi nghiệp với 500 sản phẩm đầu tay được bán ra thị trường, thu về số tiền không nhie, anh có nghĩ thành công đến với mình quá nhanh?

Đoàn Thiên Phúc: Nói chính xác hơn đó là kết quả mà mình và cả nhóm đã đạt được.

Mỗi người có một cách nghĩ, góc nhìn về sự thành công. Đối với một sinh viên mới ra trường, đó có thể xem là một thành công. Nhưng đối với bản thân mình, việc bán được vài trăm hay cả nghìn sản phẩm mới chỉ là quá trình thăm dò, xem xét mức độ chấp nhận của thị trường.

Trong quá trình thực hiện thương mại hóa sản phẩm, nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn và vấn đề phát sinh, phải chỉnh sửa rất nhiều để giải quyết mọi thứ. Đến giờ, nhóm vẫn tiếp tục phải nghiên cứu và phát triển sản phẩm này.

– Tỷ lệ thành công trong làm khởi nghiệp thường rất thấp, vậy anh nghĩ mình đã có được gì để ‘lọt’ vào con số thấp đó?

Đoàn Thiên Phúc: Nếu muốn tồn tại khi khởi nghiệp, mỗi người phải xây dựng một giá trị cốt lõi của bản thân. Nền tảng của giá trị cốt lõi đó chính là những nguồn lực tự xây dựng cho riêng mình.

Với mình, khi ra trường ít ra mình rất tự tin vì đã xây dựng được những mối quan hệ để thực hiện ý tưởng. Mình đã có sự giúp sức của chuyên gia trong lĩnh vực đang làm, ví dụ như vấn đề định vị mà nhóm đang theo đuổi.

Ngoài ra, người khởi nghiệp cũng cần một chút ‘máu liều’. Mình mới ra trường những đã mạo hiểm vay 400 triệu đồng ở ngân hàng để mở công ty. Nhưng thật sự, mình rất tự tin về những nguồn lực mình đang có để có thể xây dựng sản phẩm.

Câu chuyện liều lĩnh phải dựa trên những nguồn lực có sẵn. Nếu chúng ta không nhận thức đúng đắn được những nguồn lực đang có mà vẫn cứ đâm đầu vào thực hiện, thì khả năng rủi ro rất cao.

Với 400 triệu đồng đó, nếu thất bại, cả nhóm vẫn có đủ khả năng đi làm thuê trong vòng 1 năm để trả nợ. Bạn có chuẩn bị cho thất bại của mình thì bạn sẽ có cách vượt qua nó. Nếu không, thất bại sẽ trở về đúng nghĩa của nó.

– Để chuẩn bị cho sự thất bại, anh đã làm gì?

Đoàn Thiên Phúc: Đó là đưa tất cả mọi thứ vào một vòng lặp.

Lấy một ví dụ giả sử chúng ta sản xuất ly đựng nước. Nếu sử dụng toàn bộ nguồn lực 1 tỉ để xây dựng quy trình sản xuất ly trong 1 năm, thì nguy cơ rủi ro dẫn đến thất bại là rất lớn.

Nhưng nếu chúng ta chia nhỏ và thực hiện lặp đi lặp lại một quy trình phát triển sản phẩm, câu chuyện sẽ khác.

Thay vì 1 năm để ra sản phẩm cuối cùng, ban đầu chỉ cần làm một sản phẩm mẫu đơn giản, mất 1 tháng. Rồi dùng sản phẩm đó tìm hiểu ý kiến khách hàng, nhận phản hồi để tiếp tục nâng cấp. Chúng tôi liên tục sửa đổi, cải tiến cho đến khi đáp ứng được nhu cầu thị trường và có người mua.

Chính vì chia nhỏ nguồn lực trong khoảng thời gian ngắn và có thể khắc phục dần dần, sản phẩm sẽ có đủ thời gian để hoàn thiện.

Khi chia nhỏ theo quy trình lặp như vậy, mỗi thành công đến cũng nhỏ, không khiến mình tự phụ mà trở thành động lực để làm tốt hơn. Nếu thất bại, nó cũng không đủ để đánh gục bạn.

– Vậy theo anh, thước đo của sự thành công trong khởi nghiệp là gì?

Đoàn Thiên Phúc: Bạn có hạnh phúc với những gì mình đang làm hay không. Nếu giữ được ngọn lửa và hạnh phúc với điều đang làm thì đó là thành công.

Mình có những người bạn đang làm việc tại các tổ chức cộng đồng chuyên giúp đỡ người khác. Họ nói với mình những công việc đó khiến họ rất vui và hạnh phúc. Đó là điều mình rất ngưỡng mộ họ và cảm nhận rằng họ đang thành công.

– Xin cảm ơn anh.

Đoàn Thiên Phúc sinh năm 1989, tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM. Phúc có khoảng thời gian 3 năm học thạc sỹ tại ĐH Claude Bernard – Lyon 1 (Cộng hòa Pháp). Giải pháp khóa S-Bike của Phúc đã giành giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2012.

Năm 2016, Phúc là Chủ tịch tổ chức Global Shapers (Thuộc diễn đàn kinh tế thế giới).

Phúc tham gia làm giám khảo, tư vấn cho nhiều cuộc thi về khởi nghiệp tại TP.HCM, tham gia hướng dẫn đề tài thực tập, ý tưởng khởi nghiệp cho gần 40 bạn trẻ đam mê sáng tạo kỹ thuật.

Hà Thế An –  Khampha