Khởi nghiệp từ sáng chế, doanh nghiệp gặp khó?
Nhiều doanh nghiệp không muốn đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới; ngân hàng chưa quan tâm đến các sản phẩm khởi nghiệp; nhiều rủi ro trong việc bảo mật ý tưởng sáng chế… là những khó khăn của nhiều doanh nghiệp khi khởi nghiệp từ sáng chế.
Hiện trạng này được ông Thân Thế Hào – Giám đốc Công ty TNHH Ninh Phong – nêu tại hội thảo “Sáng chế với khởi nghiệp sáng tạo” do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tổ chức ngày 25/4 tại TPHCM.
Ông Hào cho biết, vì khởi nghiệp từ sáng chế nên công ty ông dựa theo đặc thù của từng sản phẩm phát triển trên nền các sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, với các định hướng như khởi nghiệp bằng cách trực tiếp sản xuất và phân phối sản phẩm trên thị trường; dùng tài sản trí tuệ để góp vốn với các đối tác; cấp quyền sử dụng tài sản trí tuệ để tạo vốn cho khởi nghiệp; chuyển nhượng hoàn toàn tài sản trí tuệ để tạo vốn.
Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn như nhân viên còn thiếu hiểu biết về pháp luật SHTT.
“Tâm lý vọng ngoại, đánh giá thấp công nghệ và sáng chế trong nước; hạ tầng công nghệ, vốn, nhân lực chưa đáp ứng được cho việc khởi nghiệp từ sáng chế; sự hỗ trợ về vốn của các cơ quan nhà nước còn thiếu và chưa phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng là những cản trở đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp từ sáng chế” – ông Hào chia sẻ.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN – cho biết, để hỗ trợ hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” với nhiều mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có một số chính sách liên quan đến phát triển doanh nghiệp như Chương trình Phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020 theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; Chương trình Hỗ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Dự án FIRST, IPP2 về đổi mới sáng tạo, Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo…
Tuy nhiên, ông Đà cũng thừa nhận, nhiều trong số các chính sách ưu đãi nói trên chưa đến được với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Các chương trình, dự án ưu đãi hầu hết tập trung vào khâu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, hoặc đa phần chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN ở mức vừa và nhỏ, chưa có những chương trình đào tạo liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Để quá trình khai thác và chuyển giao công nghệ, sáng chế được thuận lợi, ông Hào mong muốn Hội Sáng chế Việt Nam tăng cường vai trò kết nối đầu tư và hỗ trợ tư vấn hợp tác triển khai sáng chế giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế.
Nhà nước cần có chính sách và phổ biến thông tin về việc hỗ trợ tài chính cụ thể cho các doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm từ sáng chế; đẩy mạnh công tác hỗ trợ thẩm định nhu cầu thị trường đối với sản phẩm từ sáng chế; xem xét và đánh giá lại hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp hiện nay.
Đặc biệt, theo ông Hảo, với sáng chế hay các giải pháp kỹ thuật, cần có sự linh động trong chính sách đối với các nhóm đối tượng khác nhau.
Ông Phạm Xuân Đà cũng cho rằng, Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập và vận hành quỹ đầu tư mạo hiểm. Đây là nhóm biện pháp hỗ trợ tài chính để Nhà nước khuyến khích tư nhân tham gia hoạt động đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, cần ban hành các chính sách tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệpquốc gia, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 844/QĐ-TTg.
Theo khoahocphattrien