Khởi nghiệp phải “chai lỳ và không sợ ăn đòn”
Khởi nghiệp là không sợ thất bại, bài học “nằm lòng” của những ông chủ quyết tâm dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Song trên thực tế, khi họ dồn hết tâm sức vào “những giấc mơ” mà kết quả lại là sự thất bại, thì sự thật đó quả không dễ chịu chút nào.
“Tiêu diệt sự tự tin”
Tự tin, đam mê, Trịnh Đức Anh sau khi trau dồi kiến thức bài bản từ nước ngoài đã trở về Việt Nam thực hiện những dự án khởi nghiệp tâm huyết của mình. Thế nhưng con đường không bằng phẳng như những gì mà chàng trai trẻ định liệu. Hết vấp, lại ngã! Các dự án kinh doanh cùng mồ hôi, công sức, tiền bạc… cứ thế ra đi.
“Trên tất cả các phương tiện truyền thông vẫn gửi đi thông điệp – Thất bại là mẹ thành công. Nhưng không phải, thất bại là một trải nghiệm cực kỳ khó khăn. Nó tiêu diệt sự tự tin rất nhiều và khiến cho bạn trở quay lại điểm xuất phát từ con số ‘0’.” Đó là tâm sự của Đức Anh, Giám đốc Vic Partners Co-founder của Curnon với cộng đồng bạn trẻ khởi nghiệp, trong sự kiện “Đêm thất bại,” lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
“Xu thế khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ là chọn kinh doanh các chuỗi nhà hàng, quán cà phê. Nhưng, nhiều người không hề biết đây là mảng kinh doanh khó nhất trong lĩnh vực dịch vụ và đối với tôi là một sai lầm của 5 năm trước,” Đức Anh chia sẻ.
Thời gian đó, Đức Anh đã dùng toàn bộ số vốn ít ỏi tích góp được mở một ki-ốt bán đồ ăn nhanh trên một phố cổ, tại Hà Nội. Khách hàng mục tiêu là những người nước ngoài và các bạn trẻ thích đi chơi về đêm. Hạn chế nhân sự tuyển dụng nhằm tiết kiệm chi phí, Đức Anh phải tham gia cả vào bưng bê, dọn dẹp, quét nhà, nấu ăn cùng nhân viên.
“Ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 9 giờ sáng đến 24 giờ đêm (7 ngày trong tuần, 362 ngày trong năm), nghỉ duy nhất 3 ngày Tết, trong khi nhân viên còn được làm theo ca. Bên cạnh đó, tôi luôn thường trực những nỗi lo, như vận hành cửa hàng mỗi hàng ngày, cân đối thu chi, kiểm tra tài sản, hàng hóa, quản lý nhân viên… Bởi, nguồn lực thời điểm đó rất hạn chế, chưa kể tôi chỉ là một sinh viên mới tốt nghiệp từ nước ngoài về và quan hệ tại Việt Nam là chưa có. Vì vậy chỉ sau 9 tháng, dự án kinh doanh bắt đầu hết vốn và chính thức đóng cửa, ” Đức Anh trầm tư nhớ lại.
Đỉnh cao của thất bại
Với phong thái tràn đầy năng lượng, Nguyễn Duy Hải Linh, người sáng lập Trường Popart Hanoi cho biết bài học đầu tiên khi chạm tới đỉnh cao của sự thất bại là “biết cách tiêu tiền”.
Chân thành và thẳng thắn, Linh chia sẻ, “ lúc có nhiều tiền ra ngoài đường rất tự tin, kể cả là đi bộ cũng đàng hoàng so với việc đi taxi phải căn đồng hồ từng 25.000 đồng – 30.000 đồng mà nhảy xuống đi bộ tiếp, nó rất khác nhau. Đó là khi tôi hàng tỷ đồng, rồi chỉ còn 10 triệu đồng, không ai còn tin tôi nữa, nói chuyện kinh doanh ai người ta cũng lắc đầu. Khoảng khắc đó tưởng như không thể vượt qua được, thật lòng tôi không muốn nhớ đến, không muốn kể lại.”
Chỉ có 10 triệu đồng, Linh đã tổ chức thành công một cuộc triển lãm tranh và được đánh giá là điểm nhấn đầy ấn tượng về sự sáng tạo, các tác phẩm nghệ thuật được treo lên những thùng các tông, trưng bày giữa không gian Tháp bút bên Đền Ngọc Sơn. Nhưng khi đó, chàng trai trẻ rơi vào trạng thái tâm lý “tồi tệ,” bởi những đồng tiền cuối cùng đã tuột khỏi bàn tay.
Bài học kế tiếp, Linh chia sẻ, “lúc cầm cả cục tiền lớn, bạn làm kém, làm không được thì tại thời điểm chỉ còn 10 triệu đồng, bạn cũng chẳng làm được cái gì hết, tốt nhất là đừng vay nữa, vay không trả được đâu.”
Linh tự sự, “bạn sẽ phải trải qua một tháng hoặc một vài tháng. Bạn tạm gác việc kinh doanh để làm cái gì đó và sẽ thấy tâm trạng rất tệ. Thời kỳ làm công ăn lương, bạn luôn trông chờ những ngày đầu tháng – Tinh! Tinh! tiền về tài khoản.”
“Nhưng giờ đây, bạn làm chủ doanh nghiệp, những ngày đầu tháng cảm giác hoàn toàn trái ngược, cảm xúc giữa việc nhận lương và trả lương là rất khác nhau. Nó thực sự là kinh khủng! Có thể, bạn sẽ đi xe máy đến ngày 31 của tháng và các ngày đầu của tháng tiếp theo, cái xe máy của bạn phải gửi tạm ở đâu đó, với một thời gian nhất định. Đương nhiên chuyện đó là bí mật, không có ông chủ doanh nghiệp nào đến cái xe máy không có mà đi, lại bàn đến chuyện kinh doanh. Nghỉ!”
Ngã ở đâu… đứng lên tại đó
Cuối năm 2015, câu chuyện về “bà chủ” Đào Chi Anh của The KAfe với cái “bắt tay” trị giá 5,5 triệu USD cùng “gã khổng lồ” Cassia Investments-Hong Kong trở thành một điểm sáng trong giới khởi nghiệp, thì đúng một năm sau, chủ sở hữu nước ngoài đã chiếm trọn 100% vốn tại The Kafe.
Trước cú sốc đó, Chi Anh cho biết, cô vượt qua bằng một khoảng thời gian và sau đó tiếp tục quay trở lại với những dự án mới của mình. “The Kafe là một thất bại của tôi – hẳn là vậy, nhưng nếu được làm lại – tôi vẫn sẽ thực hiện nó. Bởi nếu không làm The Kafe, tôi cũng sẽ không có tôi ngày hôm nay, cũng không có những cộng sự vẫn đi cùng tôi cho đến ngày hôm nay.” Hiện, Chi Anh đang điều hành Kitchen Art, tạp chí về ẩm thực-phong cách sống.
Thương trường là chiến trường, như những “chiến binh” họ là không ngừng bỏ cuộc, bền bỉ đeo bám niềm đam mê. Nguyễn Duy Hải Linh bộc bạch, “công việc nào ra tiền là tôi chơi tới bến, vay tiền từ chỗ này đầu tư vào chỗ kia. Thiết nghĩ, đó là tính cách thường có ở những người khởi nghiệp. Start-up có bao nhiêu tất tay bấy nhiêu! Pháp luật chỉ bắt những người cờ bạc chứ không ai đi bắt mấy người khởi nghiệp.”
“Bạn đã bị đánh chưa, người bị đánh liên tục, lâu ngày sẽ chai lỳ sẽ không sợ ăn đòn. Người nào đang giàu có bị ngã, đi ăn xin thì đau đến tận tim, còn người bị đánh hàng ngày, hàng giờ (đầu tháng trả lương, giữa tháng chi tiền văn phòng, cuối tháng lo trả lương tháng sau..), rất nhiều thứ đổ vào đầu, nếu đầu óc không tốt sẽ không thể làm việc được.”
Khởi nghiệp lần thứ hai bằng một dự án công nghệ, Space UP như một chợ điện tử kết nối tổ chức các sự kiện, Trịnh Đức Anh và cộng sự của mình lại thất bại.
Cho đến khi tham gia một câu lạc bộ đầu tư, được tiếp cận với 100 người sáng lập ở các start-up khác nhau, Trịnh Đức Anh rút ra được ba yếu tố cần thiết trong khởi nghiệp. Thứ nhất, học phải thật nhanh, tiền và thời gian là hữu hạn. Thứ hai là biết cách tận dụng tất cả các nguồn lực từ xã hội, bạn bè, người thân. Thứ ba là phải giữ lửa cho cả nhóm đồng thời giữ được nhân sự cốt lõi, làm sao để họ tin tưởng đi theo mình.
Trịnh Đức Anh đã cùng nhóm của mình cho ra đời một hãng đồng hồ thương hiệu Việt, bắt nguồn từ niềm đam mê đồng hồ với các mẫu mã thiết kế đón nhận trào lưu và hiện đã bắt đầu được thị trường trong nước đón nhận.
“Chúng tôi tận dụng triệt mọi nguồn lực, tiền tiết kiệm của cả nhóm được đưa vào sản phẩm sản phẩm, riêng khâu marketing vận dựng các kênh truyền thông, như bạn bè, gia đình, mạng xã hội…,” Đức Anh chia sẻ./.
Hạnh Nguyễn – Vietnamplus