Khi nhà sáng lập làm CEO – Bài 1: Nhìn từ Uber
Việc Uber sa thải Travis Kalanick, Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập, hồi tháng 6 vừa qua là một điều tương đối bất ngờ, dù cho Kalanick và tập đoàn Uber gặp hàng loạt tai tiếng trong suốt nhiều tháng liền trước đó.
Một nữ kĩ sư đã công khai phơi bày nạn quấy rối tình dục và “văn hóa của những gã đàn ông” diễn ra trong công ty – những cáo buộc mà Phòng Nhân sự của Uber lờ đi.
Thêm vào đó, trong suốt những năm tranh cãi với các hãng taxi địa phương về tính hợp pháp của ứng dụng đi nhờ xe của mình, Uber đã tạo ra một công cụ tên là Greyball để ngụy trang vị trí của những chiếc xe hợp tác với Uber, đồng thời đưa bản nhái ứng dụng đi nhờ xe cho những người có thẩm quyền. Không chỉ vậy, có cả một đoạn phim quay cảnh CEO Kalanick lớn tiếng quát tháo một tài xế Uber khi người này than phiền mức phí giảm.
Bất chấp một loạt những tai tiếng xảy ra liên tục như vậy – đến mức khách hàng tẩy chay dịch vụ và những lời kêu gọi sa thải Kalanick ngày càng nhiều, có lúc tưởng như không ai có thể động đến vị Tổng Giám đốc 40 tuổi này.
Ngay cả khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kì Eric Holder – người được ban lãnh đạo Uber thuê để điều tra các sự việc – đưa ra một bản báo cáo gay gắt về tình hình của tập đoàn, Kalanick và các giám đốc của ông ta vẫn quyết định chữa cháy bằng những lời hứa mập mờ về vấn đề huấn luyện, bằng việc bổ nhiệm một Giám đốc Điều hành, và bằng một đợt nghỉ phép ‘vô thưởng vô phạt’ dành cho Tổng Giám đốc.
Mọi thứ chỉ thay đổi khi những nhà đầu tư chủ chốt vào cuộc.
Vì sao ban lãnh đạo Uber lại cực kì quy phục Kalanick như vậy? Mấu chốt của vấn đề là QUYỀN LỰC: Kalanick nắm giữ phần lớn cổ phiếu biểu quyết, và cho đến gần đây thì nắm luôn cả đa số ghế trong ban lãnh đạo.
Ông ta là một người thuộc thế hệ những nhà sáng lập duy trì quyền hành qua cả thời điểm mà các nhà đầu tư mạo hiểm trước đây thường thay thế nhà sáng lập bằng các Tổng Giám đốc ‘chuyên về quản lí’ hơn.
Rất nhiều công ty khởi nghiệp đã trải qua những rắc rối và cách hành xử khó chấp nhận của nhà sáng lập; vậy mà một vài trong số những nhà sáng lập của các công ty này vẫn chễm chệ ở vị trí quản lí. Trường hợp của Uber là ví dụ cho một tình trạng khó hiểu nhưng đáng chú ý về việc các nhà sáng lập – khi công ty khởi nghiệp của họ phát triển – chi phối toàn bộ ban lãnh đạo thay vì bị đẩy ra đường như trước đây, một tình trạng có thể được gọi là Nhà sáng lập Phục hận.
Bài viết này sẽ chỉ ra những yếu tố khiến cho các nhà sáng lập có được quyền lực gần như tuyệt đối trong công ty của họ, trình bày những hậu quả tiêu cực mà sự mất cân bằng quyền lực gây ra đối với nhân viên, khách hàng, và nhà đầu tư, đồng thời đề ra những giải pháp bước đầu để giúp thiết chế quản trị các công ty khởi nghiệp trở nên công bằng và bền vững hơn.
Nhưng trước khi tìm hiểu những khía cạnh này và biết làm thế nào các nhà sáng lập của thế kỉ 21 lại trở thành trung tâm quyền lực trong chính công ty của họ, chúng ta cũng cần phải lưu ý vì sao các nhà đầu tư mạo hiểm trong quá khứ lại đứng trên cả những ‘cha đẻ’ của các tập đoàn vĩ đại nhất thế giới.
Theo Steve Blank (Quốc Huy dịch)