Chúng ta có thể hiểu một cách nôm na rằng hyperledger là một dự án mã nguồn mở, nó xây dựng một hệ sinh thái các giải pháp và người dùng trên nền tảng công nghệ blockchain nhằm giải quyết các vấn đề trong ngành công nghiệp.

Hyperledger không phải là:

  • Một đồng tiền mã hóa (Cryptocurrency)
  • Một blockchain
  • Một công ty

Hyperledger thuộc tổ chức Linux Foundation. NodeJs, Alljoyn, Dronecode là một số dự án nổi tiếng của Linux Foundation. Mục đích của Linux Foundation là tạo ra một cộng đồng các nhà phát triển làm việc trên các dự án nguồn mở, nhằm duy trì sự phát triển của các dự án, trong đó, mã nguồn dự án luôn được nâng cấp, sửa đổi và phân phối lại.

Tư tưởng của Hyperledger là thế giới sẽ gồm nhiều kênh thanh toán (private chain) riêng biệt với các thị trường khác nhau. Mỗi doanh nghiệp có những đặc trưng riêng, nên các ứng dụng cho các doanh nghiệp sẽ cần phát triển với các quy tắc được cá nhân hóa. Không giống như ethereum có xu hướng buộc các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng của họ xung quanh một bộ giao thức định sẵn.

Dự án Hyperledger bắt đầu với một số ít các nhà phát triển vào cuối năm 2015. Những nhà phát triển này đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học dữ liệu, sản xuất, ngân hàng, v.v. và họ có một mục tiêu chung, đó là làm cho blockchain trở thành công nghệ dễ tiếp cận hơn với các nhà phát triển, các doanh nghiệp. Các công ty có tên tuổi lớn đang hợp tác trong dự án Hyperledger phải kể đến như Airbus, Daimler, IBM, Samsung, Nokia, Deutsche Börse, American Express, JP Morgan và Well Fargo, bên cạnh đó là một loạt các công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng chuỗi khối như Blockstream và Cosensys.

Các dự án Hyperledger bao gồm:

  • Hyperledger Fabric – một nền tảng xây dựng các sản phẩm, giải pháp và ứng dụng dựa trên chuỗi khối khác nhau để sử dụng cho doanh nghiệp
  • Hyperledger Composer – một bộ công cụ cho phép người dùng dễ dàng xây dựng, kiểm tra và vận hành chuỗi khối cho riêng họ
  • Hyperledger Cello – cho phép chuỗi khối được sử dụng thông qua mô hình triển khai theo yêu cầu (Blockchain-as-a-Service)
  • Hyperledger Explorer – một tiện ích bảng điều khiển cho phép kiểm tra, tìm kiếm và duy trì sự phát triển của các chuỗi khối và các dữ liệu liên quan
  • Hyperledger Burrow – nút chuỗi khối hợp đồng thông minh Ethereum được phép xử lí, nó quản lí các giao dịch và thực thi mã hợp đồng thông minh trên EVM
  • Hyperledger Sawtooth – một nền tảng chuỗi khối theo mô-đun, được cấp phép và dành cho doanh nghiệp
  • Hyperledger Caliper – một công cụ tiêu chuẩn của chuỗi khối được sử dụng để đánh giá hiệu suất của việc triển khai chuỗi khối cụ thể.

Hạn chế của các mạng public blockchain

Trong quá trình thử nghiệm, các nhà phát triển nhận ra rằng trong các mạng blockchain, khi các peer trong mạng cần xác thực từng giao dịch và thực hiện cơ chế đồng thuận cùng một lúc, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng mở rộng (scale). Các giao dịch cần đảm bảo tính riêng tư, bảo mật (confidentiality) không phù hợp để thực hiện trên các mạng public blockchain.

Chúng ta lấy ví dụ với Bob, sống ở Ấn Độ, anh ta muốn mua hàng từ Alice ở Thụy Sĩ. Vì họ là bạn, Alice bán sôcôla cho Bob với mức giá “vừa bán, vừa cho”. Điều quan trọng ở đây là Alice còn bán sản phẩm của mình cho nhiều người khác nhau, ở các thị trường khác nhau và giá bán cho họ vẫn sẽ phải là mức giá niêm yết. Để hoàn tất giao dịch giữa Alice và Bob, nhiều người ở trên mạng sẽ tham gia để xác thực và chứng nhận các giao dịch.

Giao dịch sau khi được xác thực sẽ được các thợ đào block, nếu block hợp lệ thì nó sẽ được thêm vào chuỗi. Khi đó, giao dịch giữa Alice và Bob sẽ có thể được xem bởi bất kỳ ai trên mạng, và sẽ không hay ho lắm khi một khách hàng khác nhìn thấy giao dịch giữa Bob và Alice và nhủ rằng “Oh không, hóa ra mình mua hớ hàng của bà Alice này !!!”. Uy tín của Alice từ đó sẽ giảm xuống. Thật là một điều chẳng ai mong muốn.

Hyperledger hoạt động như thế nào ?

Tuy nhiên, trên mạng Hyperledger, nó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác! Các peer liên kết trực tiếp với nhau và chỉ có sổ cái của riêng họ được cập nhật về thỏa thuận giao dịch. Các bên giúp thực hiện giao dịch chỉ được biết một lượng thông tin đủ để họ cần để chuyển tiếp và cho phép giao dịch trên mạng.

Giả sử Alice và Bob thực hiện giao dịch đặc biệt của họ trên mạng Hyperledger, cô sẽ tìm kiếm Bob thông qua một ứng dụng truy vấn danh sách các thành viên tham gia vào mạng. Sau khi đã được xác thực, hai peer sẽ được kết nối và kết quả được trả về. Trong thỏa thuận hai bên này, cả hai kết quả trả về phải giống nhau để giao dịch có thể được xác nhận. Trong các giao dịch khác với nhiều bên, nhiều quy tắc hơn có thể được áp dụng.

Những đặc điểm của Hyperledger

Tất cả điều này được thực hiện nhờ kiến ​​trúc mô đun của Hyperledger, nó làm cho các cơ chế như thuật toán đồng thuật trở thành một tính năng có thể tùy biến (plug-and-play). Trong kiến ​​trúc này, những đăc điểm đáng chú ý nhất được thể hiện trong các peer của mạng. Các peer đã được chia thành ba vai trò riêng biệt, đó là:

  • Endorser: Các endorser là những peer thực thi các giao dịch trong chaincode container và đề xuất giao dịch lên mạng dựa trên kết quả của hợp đồng thông minh. Tất cả các endoser peer phải được cài đặt chaincode.
  • Committer: Đây là những peer không nhất thiết phải cài đặt chaincode,chúng lưu trữ sổ cái đầy đủ (full ledger). Sự khác biệt chính giữa committer peer và endoser peer là việc committer peer không thể gọi chaincode hoặc chạy các hàm trong hợp đồng thông minh.
  • Consenters: Các nút này chịu trách nhiệm điều hành sự đồng thuận của mạng.Consenters có trách nhiệm xác nhận các giao dịch và quyết định các giao dịch sẽ được đưa vào sổ cái.

PV