Hệ lụy từ việc tăng trưởng quá nóng của Uber, Grab
Tài xế hành hung khách, chưa lên xe nhưng tài khoản vẫn bị trừ tiền cước… là những rủi ro mà người dùng dịch vụ gọi xe qua di động đang phải đối mặt hàng ngày, bất chấp lời hứa hẹn từ các nhà cung cấp dịch vụ.
Sau khoảng 4 năm xuất hiện tại Việt Nam, những ứng dụng gọi xe như Grab, Uber đã trở thành một phần trong cuộc sống của người Việt. Nhiều người thậm chí đã dần thay đổi thói quen sử tham gia giao thông của họ bằng những dịch vụ như Uber, Grab.
Grab, Uber đều là những ví dụ rất thành công của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) tại Việt Nam.
Đây là mô hình mà các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có thể chia sẻ và tận dụng của nhau những nguồn tài nguyên dư thừa như nhà cửa, xe cộ, hàng tiêu dùng hay một loại sản phẩm nào đó khác thay vì phải thực hiện hành vi mua sắm để được sử dụng chúng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập của các doanh nghiệp phát triển theo mô hình kinh tế chia sẻ. Tất cả những bất cập này đều có thể dễ dàng nhận thấy ngay tại Việt Nam, một thị trường có dân số hơn 90 triệu người.
Tăng trưởng quá nóng dẫn tới nhiều bất cập
Dù mới chỉ trải qua một nửa khoảng thời gian được phép thí điểm cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam, thế nhưng nhiều nhà quản lý tỏ ra không mấy mặn mà đối với đề án của Uber, Grab.
Tăng trưởng quá nóng, khó kiểm soát và liên tục xuất hiện những bất cập xã hội. Đó là lý do mà cả Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh cùng đề xuất nguyện vọng lên Bộ GTVT xin kết thúc sớm thời gian hoạt động thí điểm của Grab, Uber.
Nguyên nhân dẫn đến đề xuất này là bởi tốc độ tăng trưởng phương tiện quá nhanh mà hệ thống của Grab, Uber đang sở hữu. Ở thời điểm hiện tại, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đang quản lý khoảng 11.000 xe taxi.
Theo như quy hoạch, số lượng xe taxi sẽ tăng lên khoảng 14.000 chiếc vào năm 2020. Tuy nhiên việc có mặt của Grab, Uber đã khiến thị trường TP.HCM có thêm tới 22.000 chiếc xe hơi cùng lúc. Và điều này làm cho những nhà quản lý giao thông cảm thấy đau đầu.
Hệ lụy và bài học của chính Uber, Grab
Vấn đề phá vỡ quy hoạch là thách thức của các nhà quản lý chứ không phải với Grab, Uber. Thế nhưng các doanh nghiệp này cũng có những sai lầm của họ.
Ở thời điểm ban đầu, những doanh nghiệp như Grab hay Uber cần phải phát triển thị trường thật nhanh bởi giá trị công ty lúc đó được tính bằng số lượng người sử dụng.
Số người sử dụng càng nhiều, các nhà đầu tư càng liều lĩnh hơn và giá trị công ty cũng vì thế mà tăng nhanh không kém.
Những doanh nghiệp như Uber hay Grab khi đó thậm chí sẵn sàng bù lỗ cho mỗi cuốc xe nhằm đẩy giá trị công ty cứ thế tăng lên hàng ngày.
Chính sự phát triển theo kiểu bong bóng đó đã phát sinh không ít hệ luỵ. Từng được người dùng biết đến và lựa chọn nhờ chất lượng dịch vụ, đội ngũ tài xế thân thiện và cả sự an toàn, nhưng càng về sau, sự phát triển nóng dẫn đến việc kiểm soát chất lượng tài xế càng ngày càng đi xuống.
Không khó bắt gặp những câu chuyện liên quan đến tài xế Grab, Uber chửi khách, đánh người. Hồi đầu tháng 4 của năm nay, một người phụ nữ từng lên tiếng chia sẻ việc mình là nạn nhân bị tài xế Grab hành hung.
Trên quãng đường di chuyển từ 35 Quang Trung tới đường Vũ Tông Phan (Hà Nội), nữ hành khách này chọn sử dụng dịch vụ gọi xe của Grab. Tuy nhiên, mâu thuẫn đã xảy ra khi người tài xế không chịu sang đường theo yêu cầu của khách hàng.
Trước phàn nàn của người phụ nữ về việc không được phục vụ như ý muốn, người tài xế đã có hành vi chửi mắng, doạ nạt, sau đó đấm liên tiếp vào đầu và bả vai khách hàng. Sự việc chỉ kết thúc khi đại diện Grab lên tiếng xin lỗi và đưa ra những đền bù bằng việc hỗ trợ khách hàng di chuyển.
Trước đó, Uber cũng gặp phải vấn đề tương tự trong việc kiểm soát tài xế với một vụ việc khiến nhiều người bức xúc. Vào ngày 13/12/2016, anh Khánh, một người dùng Uber đã sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp này để di chuyển. Sau khi tới điểm đến, anh này rút tiền mặt và trả cho tài xế 100.000 đồng.
Sau đó một lúc, điện thoại của anh Khánh nhận được thông báo trừ tiền tài khoản của chính cuốc xe vừa di chuyển. Phát hiện mình bị nhầm lẫn và phải trả tiền dịch vụ 2 lần, anh Khánh có liên hệ với phía Uber để nhờ nhà cung cấp này kiểm tra lại.
Qua quá trình rà soát, Uber phản hồi với anh Khánh rằng tài xế của họ cho biết không hề nhận 100.000 đồng theo như phản ánh của anh này. Uber cũng đưa ra khuyến cáo rằng người dùng nên cẩn thận để không mắc phải những vụ việc tương tự.
Đồng tình với cách giải quyết của Uber, tuy nhiên anh Khánh không khỏi lấy làm ấm ức trước thái độ có phần thiếu thật thà của người tài xế.
Không chỉ riêng mình anh Khánh, một khách hàng khác của Uber là anh Nguyễn Anh cũng gặp phải vụ việc tương tự. Tuy nhiên khác hơn một chút, trên quãng đường di chuyển của mình, anh Nguyễn Anh đã xuống xe giữa đường và nhờ người tài xế đưa người nhà của mình đến điểm đến như đã đăng ký.
Tận dụng việc khách hàng không biết, người tài xế này sau đó đã thu thêm từ người nhà của anh Nguyễn Anh 600.000 đồng dù anh này đã chọn sử dụng hình thức thanh toán qua tài khoản.
Đây là những ví dụ cho thấy cả Grab và Uber đang gặp phải vấn đề trong việc kiểm soát và thẩm định đội ngũ tài xế. Dường như tốc độ phát triển quá nóng của thị trường và hệ thống đã dẫn tới những sự cố đáng tiếc này. Dù đó chỉ là những sự cố đáng tiếc mà không nhà cung cấp dịch vụ nào mong muốn.
Bên cạnh đó, khi quy mô hệ thống ngày càng mở rộng, công nghệ của Grab, Uber bắt đầu cho thấy sự bất cập. Cách đây chỉ ít ngày, một khách hàng của Grab đã phải lên tiếng kêu cứu khi không đặt thành công cuốc xe mà tài khoản vẫn bị trừ tiền.
Tất nhiên, điều đó cũng xảy ra cả với Uber chứ không chỉ riêng Grab. Báo chí trong nước mới đây cũng phản ánh trường hợp một người đàn ông ở Việt Nam nhưng bị thu tiền Uber ở tận nước Nga. Không ai biết vì sao tiền trong tài khoản của người đàn ông đó bị mất.
Họ cũng chỉ nhận được câu trả lời rất chung chung: “Đây là trường hợp rất hiếm và chưa hề xảy ra bao giờ”.
Dù rằng nạn nhân sau đó vẫn được hoàn trả lại số tiền, có một điều chắc chắn là niềm tin của khách hàng đối với sự an toàn tài khoản của họ khi liên kết với những công ty như Uber đã suy giảm khá nhiều.
Tất cả những gì phát triển nhanh và nóng đều thiếu sự an toàn. Người dùng Việt được hưởng lợi rất nhiều từ sự xuất hiện của những doanh nghiệp như Grab, Uber.
Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư xây dựng thị trường và thói quen sử dụng của người dùng, giờ là lúc mà các nhà cung cấp dịch vụ như Uber, Grab cần thực sự đầu tư vào chất lượng. Có như vậy, họ mới giữ chân được lượng người dùng trung thành vốn có của mình.
Trọng Đạt – Báo Vietnamnet