Gõ đúng cửa để tìm vốn khởi nghiệp
Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp phải hiểu rất rõ mình là ai, mình muốn gì và mình đang ở đâu mới có thể gõ đúng cánh cửa và tìm vốn thành công.
Đây là ý kiến của các chuyên gia tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư với hơn 120 doanh nghiệp tham gia tọa đàm “Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” được Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 21-9.
Gõ cửa đúng nơi
Ông Nguyễn Quang Bình, người đang khởi nghiệp ở tuổi 62 sau khi về hưu nêu vấn đề, yêu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp là có vốn để bắt đầu phát triển ý tưởng. Vậy làm thế nào để ngân hàng cho vay khi họ chưa có sản phẩm cụ thể nào để nhìn vào?
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chia sẻ, ngân hàng phải hài hòa các yếu tố, giữa việc đảm bảo lợi nhuận, quan hệ với cổ đông… trong khi việc cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro. Bản thân Sacombank trong thời gian qua, dù chưa có sản phẩm riêng biệt với nhóm doanh nghiệp này nhưng cũng đã có những linh hoạt, chia sẻ.
“Chúng tôi đang trăn trở và hiểu rằng phải làm. Bởi đây là phân khúc lớn trong tương lai. Mình có đến với họ lúc họ còn nhỏ thì khi họ lớn họ mới nhớ đến mình”, ông Tuệ bộc bạch.
Ông Tuệ cũng chia sẻ, Nhà nước và cơ quan chức năng thời gian qua động viên, khích lệ với doanh nghiệp khởi nghiệp rất nhiều nhưng cơ chế cụ thể, rõ ràng, “đồ chơi” để hỗ trợ lại chưa rõ ràng được như doanh nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp… Chính vì vậy, bản thân ngân hàng cũng khó khăn.
Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc Đầu tư cao cấp của Quỹ đầu tư DFJ – VinaCapital cho biết, trong thời gian qua, Nhà nước cũng thành lập các quỹ khởi nghiệp để hỗ trợ vốn. Tuy nhiên, từ thực tế làm việc thì ông Trung thấy, tất cả đều vướng ở một điểm: “cam kết lấy tiền Nhà nước mà nếu thất bại thì chuyện xảy ra là chủ dự án phải ở tù”. Chính vì vậy mà không ai dám lấy tiền từ nguồn này, nhất là khi khởi nghiệp đã quá vất vả và rất nhiều rủi ro.
Lời khuyên của ông Trung là doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm đến các quỹ. Vì quỹ đầu tư tư nhân không có chuyện bắt đền nếu thất bại. Và phải tìm hiểu khẩu vị, sở thích, lĩnh vực của từng quỹ để gõ cửa cho phù hợp. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị để thuyết phục quỹ. “Các quỹ đầu tư tư nhân hiện rất sẵn sàng và luôn mở cửa chào các bạn”, ông Trung khẳng định.
Chuyên gia cấu trúc và quản trị doanh nghiệp Hồ Trọng Lai, đại diện Công ty Tư vấn và Đầu tư Waterstone Capital Partners LLC (USA) phân tích: hiện tại, nhiều người vẫn còn lẫn lộn về doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu xét về quy trình thì doanh nghiệp khởi nghiệp là có ý tưởng, làm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ rồi đưa ra thị trường, bán hàng hóa. Vậy thì từ khâu ý tưởng đến sản phẩm có thể là khởi nghiệp. Nhưng khi đã có sản phẩm bán ra thị trường thì đã hoạt động như một SME.
Vấn đề là, 90% doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng thất bại. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp chuyên cho vay để kiếm lợi nhuận, chịu áp lực kinh doanh. Chuyện họ sợ mất vốn là đương nhiên.
Vì vậy, trong giai đoạn khởi nghiệp thì rõ ràng phải dùng vốn tự có, vốn của các “nhà đầu tư thiên thần”, có thể chính là bố mẹ, anh chị em…. Các nhà đầu tư này thường đầu tư ít nhưng sẵn sàng mất vốn luôn hoặc mạo hiểm. Kế đến là các quỹ đầu tư tư nhân. Lúc này, doanh nghiệp khởi nghiệp cần vốn, không phải vay (tức là phải trả gốc lẫn lời). Vì vậy, đừng tìm đến ngân hàng.
“Các bạn hãy tìm vốn. Có sản phẩm mẫu để các bạn chào cho nhà đầu tư thiên thần. Phải là sản phẩm vì ý tưởng thôi thì không được. Ý tưởng thời nay rất rẻ, đó là chưa kể bạn chưa kịp ra thì đã bị người khác ăn cắp”, ông Lai thẳng thắn.
Sau đó, theo ông Lai, khi đã lớn rồi thì doanh nghiệp sẽ được các nhà đầu tư khác vào, rồi có thể lên sàn chứng khoán. Lúc này, các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay.
Kết nối đúng chỗ
Câu hỏi là làm thế nào để được các nhà đầu tư bỏ vốn, ngân hàng cho vay sau khi đã tìm đúng chỗ?
Theo chuyên gia Hồ Trọng Lai, có rất nhiều việc mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải làm. Đó là phải có những kỹ năng cần thiết như viết bản đề nghị kinh doanh; trình bày dự án một cách tự tin nhưng không thái quá, càng không được tự ti; thể hiện quyết tâm theo đuổi, sống chết với dự án; nói được những điểm mấu chốt… Quan trọng hơn là dự án kinh doanh phải có tính khả thi, có con người vận hành; phải có mô hình kinh doanh; kế hoạch sử dụng vốn nếu nhà đầu tư bỏ tiền… Có như vậy mới có thể thuyết phục được các nhà đầu tư.
Và trong quá trình này thì nhất thiết, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải bỏ các suy nghĩ lệch lạc kiểu vô vốn ít dễ gọi; sợ nhà đầu tư chiếm đoạt; định giá sai doanh nghiệp; người sáng lập muốn tự điều hành…
Chốt lại là phải nghĩ lớn, bắt đầu từng bước nhỏ và đi nhanh. Trong quá trình này là phải có trải nghiệm và nhiều lúc phải chấp nhận dừng lại, giống như cắt lỗ trong đầu tư chứng khoán”, ông Lai nói.
Ông Trung nhấn mạnh, các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động hướng đến mục tiêu lợi nhuận nên luôn có giới hạn về thời gian khi đầu tư. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần vốn nhưng cần hiểu rõ, vốn là gì. Bởi lẽ, vốn không chỉ là tiền. Với nhiều quỹ, vốn lại là mối quan hệ, kiến thức, kinh nghiệm. Do vậy, cần biết rõ mình muốn gì để tìm đúng nhà đầu tư.
Khi tìm đến quỹ thì doanh nghiệp phải nói rõ cho nhà đầu tư: cần bao nhiêu, cần bao lâu, sẽ dùng vốn đó như thế nào, tại sao lại quan tâm đến quỹ này, sẽ đánh đổi những gì cho quỹ? Trả lại vốn cho quỹ bằng gì? tiền hay cổ phần lớn hơn khi đã ra thị trường?… Tức là, mọi thứ phải rất rõ ràng ngay từ đầu.
Ông Trung cũng khẳng định, các quỹ như DFJ – VinaCapital không cần doanh nghiệp phải vẽ mọi thứ lên giấy vì 80% là không được đọc bản kế hoach đó, phải là nói chuyện trực tiếp. Mục đích là hiểu rõ từ ý tưởng đến sản phẩm, những người khởi nghiệp sẽ hiện thực hóa thế nào, bằng những ai…
“Chúng tôi không phân biệt người trẻ nhưng chúng tôi muốn làm việc chung với những người đã hiểu chuyện, làm đến nơi đến chốn. Chúng tôi cũng không đầu tư vào công ty chỉ có một đến hai người. Vì lĩnh vực này đã mạo hiểm rồi. Lỡ có chuyện gì với người của công ty đó thì sao. Rõ ràng là chúng tôi không biết “chạy” công ty đó, không biết làm cà phê, rau sạch rồi”, ông Trung nói.
Điểm thứ ba mà các quỹ đầu tư nhìn vào là sự quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ đầu đến đuôi. Giả dụ, ở lĩnh vực fintech: khởi nghiệp bằng công nghệ, mọi thứ chắc chắn sẽ rất mới mẻ và chính sách quản lý nhiều khi chưa theo kịp. Nhưng, người khởi nghiệp ở lĩnh vực này phải minh bạch và lường trước những gì có thể xảy ra.
Sau tất cả, theo ông Trung, nguyên tắc cốt tử là “phải kiên trì”. “Gửi hồ sơ đi rồi, quỹ có thể gặp hoặc không. Nếu không được gặp thì nhớ nửa tháng sau quẹo lại. Bởi lẽ, không có một công ty nào đi gặp nhà đầu tư một lần mà được ngay. Và chính sự gặp đi gặp lại sẽ giúp chỉnh sửa kế hoạch ngày càng hoàn thiện hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Ông Tuệ chia sẻ, việc cho vay của bất kỳ ngân hàng nào cũng sẽ phải tuân thủ các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Sacombank vẫn có những ứng xử khác biệt theo tinh thần sáng tạo, cởi mở, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Tức sẽ tùy từng trường hợp mà cắt giảm điều kiện để phù hợp.
Sacombank cũng đang từng bước xây dựng cơ chế khác biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp theo chiến lược phát triển bán lẻ, cho vay phân tán mà ngân hàng này đã đề ra.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung Tâm khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chia sẻ, ngân hàng này đã gần 4 năm nay “chạy” chương trình cho vay không cần tài sản đảm bảo với nhiều sản phẩm với nhiều số tiền khác nhau, cao nhất là 50% vốn chủ sở hữu. Dư nợ cho vay tín chấp của VPBank đạt gần 5.000 tỉ đồng, làm việc với gần 4.000 doanh nghiệp. Người vay sẽ phải đáp ứng các điều kiện cần và đủ như về ngành nghề, uy tín…
Ngay trong khuôn khổ buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đã nhận được những gợi ý về giải pháp gọi vốn từ chuyên gia, đầu mối liên hệ với các ngân hàng… để làm việc tiếp theo.
Minh Tâm – Thesaigontimes