Fintech: Startup Fintech tại Việt nam nên làm thế nào? (phần 4)
Điểm qua tình hình Startup Fintech tại Việt nam
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech.
Hiện Việt Nam đang có tới 40 triệu Smartphone, con số này sẽ tăng lên 60 triệu vào năm 2018, nhưng hiện tại mới chỉ có dưới 5% người dùng Mobile sử dụng các ứng dụng của ngân hàng.
Có hơn 50 triệu thẻ ATM được sử dụng tại Việt Nam, trong đó có 8 triệu thẻ Visa quốc tế, nhưng có tới 95% dùng để rút tiền mặt và chỉ có 5% sử dụng thẻ POS. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán của cá nhân tại Việt Nam hiện ở mức 90%.
Tuy nhiên hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan (bao gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông…).
Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ dù các công ty trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay, thị trường chỉ có khoảng 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán.
Cụ thể, 60% các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS, chuyển tiền…
Nổi bật là một số cái tên như VNPT với ví điện tử Momo và VNPT EPay, VTC có VTC Pay, Viettel có BankPlus, Payoo do VietUnionvà NTT Data (Nhật Bản) thực hiện, AliPay của Alibaba, ZaloPay và 123pay của VNG…
Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến…, nhưng đều ở qui mô nhỏ. Các loại hình Fintech khác như sàn giao dịch cho vay ngang hàng, quản lý đầu tư tự động, giao dịch tiền ảo… gần như lặng lẽ và vẫn chưa có cơ chế pháp lý tương ứng.
Nhìn chung, so với các nước trong khu vực như Singapore, Hongkong hay thậm chí Campuchia thì sản phẩm Fintech ở Việt nam còn rất khiêm tốn. Với qui mô thị trường rộng lớn, kinh tế đang đà tăng trưởng, rõ ràng Fintech Việt nam còn rất nhiều tiềm năng khai thác.
Startup Fintech tại Việt nam nên làm gì
Không có công thức chung cho mọi Startup, bởi mỗi dự án có những đặc điểm, tính chất, qui mô, đối tượng khách hàng… riêng, cần những chiến lược chi tiết cụ thể. Tuy nhiên trong lĩnh vực Fintech tại Việt nam, như đã phân tích ở trên, với thị trường nhiều tiềm năng và chưa được khai thác, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên cho các Startup trong lĩnh vực này, tổng hợp lại như sau:
Tập trung xây dựng niềm tin cho người sử dụng
Trong thời kì tranh tối tranh sáng như hiện nay, có được niềm tin của người dùng là một trong những điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, khi mà người Việt nam còn rất e dè với các sản phẩm Fintech và lo ngại về an ninh mạng, bảo mật thông tin thẻ hoặc thông tin người sử dụng, xây dựng niềm tin là điều tối cần thiết đối với bất kì Startup nào.
Để người sử dụng tin tưởng, trước hết sản phẩm dịch vụ phải thể hiện được tính chuyên nghiệp, tiện lợi, ưu việt hơn hẳn các sản phẩm tương đương trên thị trường.
Ngoài ra khâu Marketing, PR – phần yếu điểm của hầu hết doanh nghiệp Việt – cũng cần được cải thiện để quảng bá sản phẩm tốt hơn và gây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.
Các Startup hãy xác định phần ngân sách lớn cho tiếp thị, với những kế hoạch bài bản, thông minh, đúng trọng tâm để người tiêu dùng thấy được sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp và sản phẩm.
Hoạt động tiếp thị sản phẩm có thể bằng trực quan, giới thiệu và làm mẫu trực tiếp để người sử dụng thấy ngay các tiện ích, bên cạnh đó nếu doanh nghiệp có tiềm lực tài chính có thể sử dụng các gương mặt đại diện là những người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội để tạo thêm hiệu ứng và sự an tâm cho người sử dụng.
Tập trung vào điện thoại di động
Con số dự báo 60 triệu điện thoại di động được sử dụng tại Việt nam vào năm 2018 hẳn đã nói lên nhiều điều. Tỉ lệ máy kết nối internet hiện đã đạt trên 50% và ngày càng tăng lên.
Vì vậy, lời khuyên của rất nhiều chuyên gia đưa ra là xoay xở quanh chiếc điện thoại. Các sản phẩm, ứng dụng mới cần nghiên cứu để càng tiện lợi khi sử dụng qua điện thoại càng tốt.
Với lĩnh vực Fintech, yếu tố an toàn, thậm chí bí mật cần được coi trọng, nên ngoài hệ thống mật khẩu, các doanh nghiệp có thể tích hợp với mật khẩu bằng vân tay, tròng mắt… để đảm bảo an toàn.
Ở thị trường Việt nam, khi chưa nhiều người sử dụng di động có thói quen thanh toán hay tham gia vào các dịch vụ Fintech, các Startup có thể tạo động lực cho khách hàng sử dụng các dịch vụ này bằng các chương trình đặc biệt, chẳng hạn như ưu đãi khủng khi mới tung sản phẩm ra thị trường, hưởng lãi suất/ lợi ích cao hơn so với các phương thức khác… Khi người dùng đã quen sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp, việc phát triển thêm các sản phẩm mới hay sang các lĩnh vực khác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Blockchain (sổ cái phân tán) còn nhiều cơ hội
Phương pháp ghi dữ liệu qua sổ cái phân tán (blockchain) vẫn được đánh giá là vùng đất đầy tiềm năng đối với Fintech thế giới và tất nhiên với cả Việt nam. Với phương pháp này, doanh nghiệp hay cá nhân sử dụng nó có thể thực hiện các giao dịch và xác minh trên mạng ngay lập tức mà không cần thông qua một đơn vị trung tâm nào, vì thế rất tiện lợi và minh bạch đối với người sử dụng.
Mặc dù các sản phẩm Fintech nói chung và blockchain nói riêng chưa được khai thác nhiều ở Việt nam so với thế giới, nhưng trong thế giới phẳng về thông tin, về khả năng tiếp cận công nghệ mới và tri thức khoa học, các Startup của Việt nam vẫn có cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ thuộc dạng này cho thị trường thế giới rộng lớn, hoặc học tập và cải biến để phát triển các ứng dụng phù hợp với thị trường Việt nam đang còn sơ khai.
Khai thác các ứng dụng khác ngoài thanh toán điện tử
Điểm khác biệt giữa hệ sinh thái FinTech của Việt Nam với hệ sinh thái của các quốc gia khác trong khu vực đó là phần lớn (chính xác là trên 60%) những công ty tham gia vào lĩnh vực này đều là các công ty thanh toán di động và đó cũng là điểm xuất phát truyền thống của FinTech.
Tuy nhiên thị trường thanh toán di động không phải là miếng bánh ngọt dễ xơi để có thể lạc quan. Ngoại trừ một số Startup ở Mỹ và Trung Quốc, thế giới có rất nhiều Startup cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và rốt cuộc hầu như không sống sót được, số ít phát triển được thì cũng bị các công ty lớn hay các định chế tài chính lớn thâu tóm.
Trong khi đó, thị trường Việt được đánh giá chưa phải là thị trường hấp dẫn đối với thanh toán di động. Vì thế một số chuyên gia khuyên các Startup không nên đào sâu vào mảng này mà hãy mở sang các thị trường ngách, các sản phẩm mới ít đối thủ cạnh tranh hơn, nhiều cơ hội hơn.
Chẳng hạn, hiện nay ở Việt nam vẫn chưa có công ty nào tham gia vào thị trường InsurTech (công nghệ bảo hiểm) và cũng không có người chơi thực sự trong thị trường ngoại hối.
Hơn thế, trước mắt Việt nam chưa phải là điểm đến của các ông lớn thế giới ở những dòng sản phẩm này, vì vậy các Startup Việt còn rất nhiều cơ hội để cạnh tranh và phát triển ở các sản phẩm đặc thù dạng này.
Nếu các Startup sáng tạo, thông minh, thậm chí chỉ cần áp dụng mô hình thành công ở các thị trường tương tự vào Việt nam một các hiệu quả, rất có thể Insurtech và ngoại hối sẽ trở thành những sản phẩm chủ lực thúc đẩy FinTech của Việt Nam trong tương lai.
Hợp tác B2B
Với đặc thù của sản phẩm dịch vụ trong Fintech là cần sự tin tưởng của khách hàng, đồng thời những doanh nghiệp lớn đã có sẵn dữ liệu khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận hoặc chi phối các khách hàng cá nhân, hướng đi theo B2B là một lựa chọn hợp lý được nhiều chuyên gia khuyến nghị khi đưa lời khuyên cho các Startup.
Với mô hình B2B, các Startup Fintech có thể hợp tác trực tiếp hoặc thông qua sàn giao dịch với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.
Đối tượng khách hàng này hiểu nhu cầu của mình, dễ dàng thấy các ưu nhược của sản phẩm dịch vụ, hiểu biết sâu sắc tình hình thị trường, nên nếu dịch vụ của Startup đủ tốt, khả năng thuyết phục các doanh nghiệp này sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đối tượng khách hàng cá nhân.
Hơn thế nữa, việc hợp tác B2B với các doanh nghiệp lớn còn có thể mang lại cho Startup nhiều giá trị lớn hơn, như có thể sử dụng dữ liệu khách hàng có sẵn cực lớn của đối tác, tạo được lòng tin đối với khách hàng nhỏ lẻ vì có sự hậu thuẫn hay giao dịch với đối tác lớn, học hỏi được kinh nghiệm phát triển dịch vụ của đối tác…
Trường hợp TransferWise hợp tác với Facebook và Apple Pay và nhanh chóng tận dụng được dữ liệu khách hàng khổng lồ của hai ứng dụng này có thể là một minh chứng điển hình chứng minh sự hợp lý của chiến lược B2B.
Đ. K. Hà