Chuẩn bị và ngăn chặn, đừng sửa chữa và hối tiếc!
Nghiên cứu kỹ lĩnh vực mình tham gia trước khi khởi nghiệp — hoặc nhắm mắt, nhấn ga & kéo doanh nghiệp của bạn lao xuống vực!
“Thất bại trong chuẩn bị cũng có nghĩa là chuẩn bị thất bại.”
Benjamin Frankin
Với môi trường khởi nghiệp hiện đại, tốc độ quyết định sự ưu tiên. Khi đã có sự tiên phong, bạn đã nắm lợi thế hơn so với đối thủ. Vì vậy khi nảy ra ý tưởng kinh doanh, chúng ta sẽ muốn nhanh nhất triển khai, kiểm chứng ý tưởng & mang nó ra thị trường.
Ý tưởng có được thường ở nhiều nguồn & trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bất thình lình, nó xuất hiện trong cuộc sống thường ngày của bạn, ở một lĩnh vực bạn tình cờ tiếp xúc. Bởi vì tính bất ngờ của nó, ý tưởng ấy nhiều khả năng đến từ lĩnh vực bạn chưa từng biết đến.
Nhạy bén nắm bắt thời cơ là điều tốt, nhưng bạn cần phải cẩn thận! Bởi nếu không tìm hiểu kỹ trước khi thực thi, ý tưởng của bạn sẽ dễ dàng biến thành rác.
Nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh vốn là bước căn bản nhất trước khi khởi nghiệp. Thế nhưng trong thời đại mọi thứ đều xoay chuyển nhanh, chúng ta dễ bỏ qua nó với suy nghĩ: “Đến đâu xử lý đến đó!”.
Nếu biết đến Jack Ma, hẳn bạn sẽ biết đến bí quyết thành công đầy táo bạo của ông: “Không tiền, không công nghệ & không kế hoạch”.
Chính nhờ khả năng biến thiệt thòi thành ưu điểm, Jack Ma đã tạo nên đế chế Alibaba, dẫn đầu trong ngành thương mại điện tử không chỉ ở Trung Quốc, mà còn vươn ra cả thế giới. Với ông, kế hoạch kinh doanh chỉ kéo bạn chùn bước trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chóng mặt.
Mọi dự án của ông luôn theo phương thức làm tới đâu, sửa tới đó. Không một kiến thức về công nghệ thông tin nhưng lại xây dựng thành công trang web thương mại điện tử — câu chuyện của Jack Ma phần nào ảnh hưởng lối tư duy của giới startup trẻ.
Thế nhưng nếu nhìn rộng hơn, điều không tưởng ấy thành hiện thực là nhờ vào một đội ngũ thực thi tuyệt vời & khả năng kinh doanh vô cùng nhạy bén của Jack Ma.
Nếu bạn may mắn có cả hai điều trên, bạn “có thể” thành công với cách này. Nhưng nếu bạn không có bất kỳ yếu tố nào, thậm chí sở hữu một trong số đó, hãy lập tức bỏ lối suy nghĩ ấy đi!
Bởi vì không phải ai cũng bơi tốt khi nước đã dâng đến tận cổ. Cũng không phải ai cũng xử lý được những rủi ro mình chưa từng biết trước. Đó cũng chính là trải nghiệm khởi nghiệp thất bại đầu đời của anh Nguyễn Ngọc Điệp — người sáng lập & CEO của vatgia.com.
Cách đây 5 năm, anh Ngọc Điệp bắt đầu xây dựng thatre.vn. Lúc đó anh kết hợp mô hình online & offline phát triển gần 20 cửa hàng bán đồ giá rẻ.
Thế nhưng sau chưa đầy 3 năm quần quật sáng đêm, dự án của anh thất bại. Anh chia sẻ đó là thất bại lớn nhất trong cuộc đời mình.
Nguyên nhân chính bởi vì anh hoàn toàn không biết gì về lĩnh vực mà mình tham gia, cũng như không thể lường trước được những khó khăn phát sinh trong ngành bán lẻ.
Khi còn ở mô hình online, công việc đơn giản chỉ cần ngồi văn phòng viết code & làm sao đưa ra những ý tưởng & sản phẩm tốt. Thế nhưng khi đưa xuống offline thì thị trường toàn cạm bẫy, giẫm phải bất kỳ vấn đề nào cũng căng thẳng.
Ngày ấy anh phải đối mặt với nhiều trở ngại đến từ chính quyền & trong chính nội bộ doanh nghiệp. Từ công an, phòng thuế, quản lý thị trường, quản lý phòng cháy chữa cháy, v.v… Khó khăn với chính quyền đã đành, anh còn phải xử lý việc ăn cắp của khách hàng & cả nhân viên mình. Vốn đã chật vật khi giải quyết từng vấn đề một, thế nhưng cái gì nhỏ nhất động vào cũng làm căng thẳng mối quan hệ lên.
Toàn bộ những vấn đề ấy anh đều không dự liệu & chuẩn bị từ trước nên mọi thứ cứ rối tung cả lên. Vì vậy việc tập trung giải bài toán quan trọng nhất — tiêu thụ sản phẩm, là điều không thể với anh.
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam thời điểm ấy còn khá căng thẳng. Ngay cả Big C & Metro đôi khi còn tháo chạy khởi Việt Nam. Thế nên vừa phải đối mặt với những khó khăn trong khâu vận hành, anh Điệp còn đứng trước sức ép của việc hàng không bán được. Anh từng bị đuổi khỏi hội đồng quản trị & bị gây sức ép.
Họ đe dọa nếu như trong vòng 6 tháng không bán hết hàng thì anh sẽ bị đuổi khỏi công ty. Thừa nhận là mình nhắm mắt đưa chân vào ngành bán lẻ mà không tìm hiểu trước, anh Ngọc Điệp đã mất gần 4 triệu USD cho thất bại đầu đời của mình.
Từ đó, anh rút ra bài học xương máu cho chính mình: “Làm cái gì phải nên nghiên cứu, tìm tòi thậm chí là nhảy vào cửa hàng tiện lợi, chui vào cửa hàng tương tự như vậy làm thêm để hiểu thật rõ.”
Nghiên cứu lĩnh vực kinh doanh là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian & công sức. Mặc dù trong môi trường khởi nghiệp hiện đại, yếu tố tốc độ quyết định thành công. Thế nhưng trước khi muốn đi nhanh & xa, bạn buộc phải đảm bảo nền móng doanh nghiệp của bạn vững chắc — không gì khác bằng sự chuẩn bị!
“Người thông minh là người có thể tìm được lối thoát trong các tình huống khó khăn, còn người thông thái là người có thể tránh để không bị vướng vào những khó khăn đó“.
Theo Fail Smart