Bí quyết thành công của các “thiên đường khởi nghiệp”
Các quốc gia như Singapore và Malaysia đang nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng startup quốc tế, thậm chí những quốc gia này còn được coi là “thiên đường khởi nghiệp”. Vậy đâu là bí quyết để họ đạt được thành công đó?
Malaysia, Singapore đang được đánh giá là những thiên đường cho giới startup
Với quyết tâm xây dựng Quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ và các cơ quan, đơn vị địa phương đã tích cực triển khai những hoạt động thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà chương trình SpeedUp 2017 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức là ví dụ điển hình.
Chương trình không chỉ đem lại sự hỗ trợ to lớn cho các startup mà còn thể hiện sự tiên phong, sáng tạo của thành phố trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đầu trên con đường xây dựng được một hệ sinh thái hoàn thiện để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. Trên hành trình đó, các kinh nghiệm, mô hình thành công từ các quốc gia khác là những gợi ý, bài học có giá trị.
Các quốc gia như Singapore và Malaysia đang nhận được sự đánh giá rất cao của cộng đồng startup quốc tế, thậm chí những quốc gia này còn được coi là “thiên đường khởi nghiệp”. Vậy đâu là bí quyết để họ đạt được thành công đó?
Để tìm lời giải cho câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Đó là bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.
Chiến lược tổng thể, dài hạn
Lý do đầu tiên được bà Phi Vân đưa ra là “Họ có chiến lược tổng thể khi làm một hệ sinh thái khởi nghiệp. Họ xác định rõ có bao nhiêu thành phần tham gia trong đó, gồm những ai và vai trò cụ thể. Cùng với đó là sự hướng dẫn, định hướng rõ ràng từ phía nhà nước.”
Theo bà Phi Vân, đây là yếu tố cần đặt lên hàng đầu. Bởi nếu làm theo cách manh mún, mạnh ai người đó làm, không có sự kết nối rõ ràng, thiếu định hướng và chiến lược thì dù làm bao nhiêu cũng không đem lại kết quả.
Bên cạnh chiến lược tổng thể, yếu tố giáo dục cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Sự xuyên suốt về kiến thức, tri thức và kỹ năng phải được nuôi dưỡng từ trong nhà trường từ cấp tiểu học cho đến đại học. Không có nền tảng kiến thức, tri thức thì không thể nói đến startup, đổi mới sáng tạo mà sẽ chỉ là bắt chước theo phong trào.
Do đó, đổi mới sáng tạo phải đi từ gốc rễ mà đầu tiên là xây dựng cho các bạn trẻ cách suy nghĩ, kỹ năng, cách sáng tạo và xu hướng sáng tạo. Từ đó, các bạn trẻ có thể nghĩ xa về tương lai trước khi bắt tay vào sáng tạo thay vì chạy theo những xu hướng nhất thời.
Singapore đã rất thành công trong triển khai đưa đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh vào trường học qua chương trình YES! Schools (Youth Entrepreneurship Scheme for Schools). Chương trình nhằm đào tạo kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho thế hệ trẻ và đã triển khai tại 131 trường cấp II với hơn 32.000 học sinh tham gia học. Đó chính là sự chuẩn bị từ rất sớm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore.
Tương tự, Malaysia, cũng xác định nền kinh tế tri thức dựa trên nguồn lực con người là một mục tiêu lớn trong tầm nhìn đến năm 2020 của quốc gia này.
Sự đồng hành của Nhà nước
Bà Nguyễn Phi Vân tại một buổi chia sẻ với các bạn trẻ tại SIHUB.
Thủ tục đơn giản với chi phí thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây cũng là điểm mạnh của các thị trường như Singapore, Malaysia.
Tại Malaysia, thủ tục thành lập công ty hết sức đơn giản. Doanh nghiệp có thể đăng ký và nhận giấy phép thành lập công ty chỉ trong vòng 1 ngày nhờ chương trình “Giấy phép 1 ngày”. Ngoài ra, Malaysia còn thành lập Quỹ Khởi nghiệp để trực tiếp đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp mới về công nghệ, theo mô hình kết hợp giữa cho vay tài chính và sở hữu cổ phần.
Chương trình nâng cấp thương hiệu quốc gia do chính phủ Malaysia thực hiện cũng đã đem đến cho doanh nghiệp cơ hội dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nhờ có xác nhận đảm bảo tín dụng từ chính phủ. Tính đến cuối năm 2012, tổng giá trị cho vay đã lên đến 12,5 tỉ USD.
Bên cạnh những yếu tố con người, công nghệ, tài chính thì thông tin cũng là một nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nguồn thông tin thường không đầy đủ do có quá nhiều kênh thông tin rải rác. Bởi vậy, những trung tâm hỗ trợ giúp doanh nghiệp dễ dàng tương tác với nguồn thông tin hỗ trợ khởi nghiệp là yêu cầu cấp thiết với các startup.
Singapore là quốc gia giải quyết rất hiệu quả vấn đề này. Dự án SPRING Singapore đã triển khai hơn 10 trung tâm hỗ trợ cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp. Đội ngũ chuyên viên tư vấn tại mỗi trung tâm đều là những chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp trong nhiều lĩnh vực như pháp lý, tài chính, sáng tạo, công nghệ và phát triển thị trường.
Đánh giá về điều này, bà Phi Vân kết luận: “Việc gọi vốn, tiếp cận nhà đầu tư ở các thị trường này thuận lợi hơn so với Việt Nam tuy nhiên đó cũng không phải khó khăn lớn với các startup. Bởi khi các bạn làm ra một sản phẩm, mô hình, dịch vụ mang tính sáng tạo cao, có thể mang lại công việc kinh doanh tầm cỡ thì chính nhà đầu tư “đi săn” bạn chứ không phải bạn “đi săn” nhà đầu tư.”