AI làm nảy sinh vấn đề “Ai đứng tên phát minh”
Các văn phòng sáng chế trên khắp thế giới đang đau đầu với câu hỏi ai sở hữu những sáng tạo do trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển.
Đầu kim loại với các mô tơ tượng trưng cho trí tuệ nhân tạo, hay AI, tại Essen Motor Show 2019 (Ảnh: Martin Meissner, AP)
“Hiện có những cỗ máy đang tự mình làm việc nhiều hơn là giúp người kỹ sư hoặc nhà khoa học thực hiện công việc. Sẽ đến lúc tòa án phán xử rằng con người quá rảnh rang, quá tách biệt ở nhiều cấp độ, rằng con người thực tế chẳng đóng góp gì cho ý tưởng sáng tạo”, theo Andrei Iancuu, giám đốc Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ.
Theo luật pháp Mỹ, chỉ có con người mới được cấp bằng sáng chế. Do vậy Văn phòng sáng chế của Iancuu đã thu thập ý kiến về việc xử lý các phát minh được tạo ra nhờ AI và dự kiến sẽ đệ trình với các nhà làm luật trong năm nay. Tương tự, Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, cùng với các cơ quan sáng chế và bản quyền trên khắp thế giới cũng đang cố gắng tìm hiểu xem liệu các luật hoặc thông lệ hiện hành có cần sửa đổi hay không.
Cuộc tranh luận diễn ra khi một số công ty công nghệ lớn tìm cách thu lợi từ các khoản đầu tư lớn vào AI. Google và Microsoft có hàng ngàn nhân viên và nhà nghiên cứu đang nỗ lực biến các sáng tạo AI thành sản phẩm, siêu máy tính Watson của IBM đang làm việc trong một phòng nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để phát triển các ứng dụng AI mới trong các lĩnh vực khác nhau, và một số công ty lớn của Trung Quốc đang tài trợ cho các công ty Mỹ trong lĩnh vực này.
Văn phòng sáng chế Châu Âu tháng trước đã từ chối đơn đăng ký của chủ sở hữu “cỗ máy sáng tạo” AI có tên là Dabus, cho rằng có sự “nhận thức rõ ràng về mặt luật pháp rằng nhà sáng chế là người tự nhiên”. Tháng 12 năm rồi Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Anh cũng từ chối các đề nghị tương tự.
Càng ngày càng có nhiều công ty Fortune 100 sử dụng AI làm nhiều việc tự động hơn và không chắc liệu họ có thể tìm được ai đó đủ điều kiện đứng tên phát minh hay không. Nếu không được bảo vệ, thì mọi người có thể không muốn sử dụng AI để làm những việc này.
Abbott và Stephen Thaler, sáng lập công ty Imagination Engines Inc., đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế ở nhiều quốc gia cho hộp đựng thực phẩm và “thiết bị thu hút sự chú ý tăng cường”, ghi tên nhà sáng chế là cỗ máy Dabus của Thaler.
Mục tiêu, theo Abbott, là buộc các văn phòng sáng chế phải đối mặt với vấn đề này. Ông ủng hộ việc ghi tên chiếc máy tính đã làm công việc đó là nhà phát minh, và doanh nghiệp sở hữu chiếc máy đó cũng sở hữu bằng sáng chế.
Thật ra các doanh nghiệp không quan tâm ai được công nhận là nhà phát minh mà chỉ quan tâm họ có lấy được bằng sáng chế hay không.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu AI, lĩnh vực này chưa phát triển đến mức để xem một ý tưởng của thuật toán như nhà phát minh, có lẽ một hoặc hai thế kỷ tới hãy bàn đến vấn đề này. Còn hiện giờ, đưa tên một hệ thống AI với tư cách là nhà đồng phát minh có vẻ giống như chiêu bài quảng cáo.
Chúng ta thường sử dụng máy tính làm công cụ quan trọng trong việc tạo ra công nghệ có thể được cấp bằng sáng chế, nhưng chúng ta không kê tên các công cụ với tư cách là nhà đồng phát minh. Các hệ thống AI không có quyền sở hữu trí tuệ – chúng chỉ là công cụ máy tính.
Cho đến nay, phần mềm không thể thực hiện theo phương pháp khoa học – phát triển độc lập một giả thuyết và sau đó tiến hành các thử nghiệm để chứng minh hoặc bác bỏ nó. Thay vì vậy, AI thường được sử dụng cho việc “thử đúng sai”, nó chỉ đơn giản thử qua một loạt các khả năng để xem khả năng nào đúng.
Câu hỏi không phải là “Máy móc có thể là nhà phát minh không?” mà là “Máy móc có thể phát minh hay không?”. Không thể xem xét phát minh theo cách truyền thống. Một bằng sáng chế được trao cho một thứ gì đó “mới, hữu ích và không rõ ràng”. Thường điều đó có nghĩa là tìm ra những gì mà một người có “kỹ năng thông thường” trong lĩnh vực này hiểu là mới. Phân tích đó bị sai lệch khi tòa án và văn phòng sáng chế so sánh công việc của một chương trình phần mềm có thể phân tích số lượng các tùy chọn lớn hơn nhiều lần so với nhóm lớn các nhà nghiên cứu.
Cần phải có cách nào đó giúp các công ty sử dụng AI bảo vệ ý tưởng của họ. Điều đó đặc biệt đúng đối với bản quyền các bức ảnh được tạo ra thông qua các hệ thống máy học như Generative Adversarial Networks.
Iancu cho rằng AI đầy hứa hẹn và lưu ý rằng các cơ quan đã từng giải quyết những câu hỏi khó như vậy trước đây, chẳng hạn như động vật biến đổi gen được tạo ra trong phòng thí nghiệm, ứng dụng toán học phức tạp để mã hoá và và tổng hợp ADN. Hy vọng các giới hữu trách trên thế giới có thể thảo luận vấn đề này trước khi quá muộn.
P.Uyên