6 xu hướng định hình cách thức thanh toán trong tương lai
Lĩnh vực tài chính công nghệ đã trải qua một cuộc cách mạng trong năm qua với sự phát triển của tiền tệ mã hóa: không chỉ tin tức về những loại tiền mã hóa nổi bật như Bitcoin và Ethereum xuất hiện dày đặc trên các kênh thông tin đại chúng, những ứng dụng khác của công nghệ mã hóa cũng đang được khám phá để dần trở nên phổ biến trong nhiều thành phần của nền tài chính.
Với đà phát triển của công nghệ mã hóa vẫn đang tiếp diễn, các nhà khởi nghiệp rất cần lưu ý những ảnh hưởng của công nghệ này đối với việc thanh toán. Sau đây là 6 xu hướng của ngành tài chính công nghệ được dự báo sẽ thay đổi cách chúng ta trả và nhận tiền.
1. Sự quản lí của chính phủ
Mặc dù tầm phổ biến của tiền mã hóa trong năm 2017 chứng tỏ khả năng loại tiền tệ tương đối non trẻ này được chấp nhận rộng rãi, các nhà quản lí tài chính vẫn đặt nhiều dấu hỏi về độ ổn định của tiền mã hóa. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde từng nhận định “tiền mã hóa sẽ không nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước”.
Ngay tháng 12 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Chứng khoán cùng với Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế những hoạt động mờ ám liên quan đến huy động vốn từ tiền mã hóa.
Không chỉ vậy, các quan chức chính phủ cấp cao còn bày tỏ sự quan ngại về mặt công nghệ ngay tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Dù không nói rõ quy định cụ thể nào dành cho thị trường tiền ảo, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho rằng các sự kiểm soát của chính phủ sẽ nhắm đến thị trường tham gia các hoạt động phi pháp.
2. Giao dịch chuỗi khóa ngang hàng
Tiền mã hóa hiện tại vốn rất bấp bênh nên không được xem như là một phương pháp thanh toán đáng tin cậy. Tuy nhiên, vấn đề thanh toán bằng tiền mã hóa có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới khi một loại tiền mới có tên gọi là “tiền bình ổn” sắp trình làng.
Bằng cách sử dụng các hình mẫu kinh tế phức tạp để quản lí cung – cầu hoặc thế chấp thẻ đại diện (tokens) bằng tài sản thực, các công ty khởi nghiệp đang tạo nên những giao thức mã hóa chắc chắn và đáng tin cậy hơn.
Đầy hứa hẹn hơn nữa, tiền mã hóa trong tương lai có thể được dùng để thanh toán tiền lương và các chi trả thông thường trong tương lai gần; với lợi thế về tốc độ giao dịch và độ bảo mật, thật khó có thể bỏ qua tầm ảnh hưởng của “tiền bình ổn” lên thị trường tài chính.
3. Khách hàng và doanh nghiệp cùng sử dụng tiền mã hóa
Hiện tại, Bitcoin và Ethereum có tổng giá trị thị trường là 500 tỉ đôla Mỹ, nhưng mức độ người chi tiêu bằng tiền mã hóa vẫn rất hạn chế vì hầu hết người bán không chấp nhận loại tiền này. Công nghệ chuỗi khóa vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển, và rất nhiều công cụ cũng cơ sở hạ tầng cần thiết cho sự phát triển này thì vẫn chưa xuất hiện.
Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ chuỗi khóa có trụ sở tại Thung lũng Silicon tên là OPEN Platform đang giải quyết vấn đề trên bằng cách tạo ra một giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các nhà phát triển ứng dụng kết nối với giao diện này và chấp nhận tiền mã hóa ngay lập tức mà không cần phải có kiến thức kĩ thuật.
Giống như những gì hãng công nghệ Stripe đã làm để biến thanh toán qua thẻ tín dụng trở nên dễ dàng với một giao diện dễ thiết lập, OPEN cũng hướng đến việc đơn giản hóa thanh toán bằng tiền mã hóa.
4. Cách thức thanh toán thân thiện hơn với thế hệ công dân mới
Theo dự báo của hãng tư vấn quản lí Accenture, đến năm 2020, thế hệ Z (thế hệ những người có năm sinh trong khoảng từ 1996 đến 2010) sẽ chiếm 40% số khách hàng Mỹ. Trong bối cảnh các các tổ chức tài chính sắp sửa có một nhóm khách hàng đông đảo gồm những người sinh ra là đã biết đến Google và mạng Internet, ngành thanh toán và ngân hàng cũng đã bắt đầu thay đổi phương thức để giúp nhóm khách hàng này sử dụng dịch vụ dễ dàng hơn.
Một trong những tiêu chí mà thế hệ Z quan tâm là trải nghiệm người dùng, và khách hàng thuộc thế hệ mới sẽ chủ yếu dựa vào trải nghiệm khách hàng của chính họ để lựa chọn dịch vụ cũng như nhà cung cấp dịch vụ. Vì thế, các doanh nghiệp giờ đây không chỉ cạnh tranh với nhau trong vấn đề thiết kế trải nghiệm người dùng để thu hút sự chú ý của khách hàng thế hệ mới, mà còn nỗ lực đơn giản hóa các giao dịch thanh toán.
5. Thanh toán di động
Hình thức thanh toán tiện lợi này ngày càng trở nên cực kì phổ biến khi những nền tảng thanh toán di động như Venmo đã khiến các giao dịch đơn giản hơn. Nhiều công ty cũng đã thâm nhập thị trường thanh toán di động và đưa ra những giải pháp tài chính cho phép người dùng trả tiền mua hàng, đãi người khác hoặc chia sẻ hóa đơn mà không phải chờ quá lâu để thực hiện giao dịch.
6. Internet Vạn vật (IoT)
Là cụm từ rất phổ biến trên các thanh tìm kiếm trong thời gian gần đây, Internet Vạn vật biểu thị sự liên kết giữa tất các thiết bị trong nhà, cửa hàng và nơi công cộng bằng mạng Internet. Sự liên kết này cho phép người dùng quản lí tập trung nhiều thành phần trong môi trường xung quanh và tương tác dễ dàng với mỗi thành phần.
Với việc Internet Vạn vật ngày càng xuất hiện nhiều trong các hộ gia đình trên khắp đất nước, người dùng mong chờ các tên tuổi công nghệ sẽ có những sản phẩm ứng dụng công nghệ này (hiện tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã tiên phong với câu châm ngôn “Nếu bạn muốn mua gì, chỉ cần nói với trợ lí ảo Alexa”). Điều này đồng nghĩa với việc thanh toán đơn giản, dễ dàng trong tương lai cũng sẽ trở thành một thành phần của Internet Vạn vật.
Quốc Huy (Theo Entrepreneur)