Từ bộ bikini đến vest công sở: Hành trình điên rồ của một doanh nhân từ bãi biển Brazil
Hầu hết trong chúng ta sẽ có công việc đầu tiên của mình tại những quán café, nhà hàng ăn hay cửa hàng tạp hóa. Nhưng có nhiều người trẻ với ý tưởng táo bạo, rời khỏi quê hương đến với một đất nước xa lạ chỉ để bán bikini.
Đó là câu chuyện thật đã xảy ra với Federico Cella khi ông 18 tuổi. Lúc đó ông nghe được câu chuyện từ một người anh đi trước, người này đã bay đến Brazil, mua bikini từ những nhà sản xuất địa phương rồi đem ra biển và bán.
Được truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm từ chuyến kinh doanh, Federico đã không chần chừ, đặt ngay chuyến bay sớm nhất rồi rời đi sau chưa đầy một ngày.
Khởi đầu dĩ nhiên không mấy suôn sẻ, Federico đã thất bại nhiều lần và từng có ý định hồi hương, nhưng rồi ông cũng thành công và hiện đang là Giám đốc điều hành, Người sáng lập của Lynkos – một mạng lưới hỗ trợ kinh doanh được hơn 2,2 triệu doanh nghiệp tin dùng.
Và sau đây là những bài học được bản thân Federico rút ra trong quá trình kinh doanh của mình.
Điều thứ nhất: Đảm bảo có đủ tiền để làm được các thứ
Khi lần đầu đặt chân đến Florianopolis, Brazil, tôi đã choáng ngợp bởi mức giá đắt đỏ của nơi đây. Ở quê hương Uruguay của mình, bất động sản là thứ xa xỉ nhất nhưng vẫn phải tuân thủ theo những mức giá nhất định, nhìn chung giá cả ở mức trung bình mà người dân không quá khó để có được.
Bởi vì giá thuê nhà quá cao, nên tôi đã phải ở trong một khu xưởng chật hẹp, đổ nát để có thể tiết kiệm chi phí tối đa. Tôi cũng phải thắt chặt chi tiêu bằng nhiều cách khác, như ăn những món rẻ tiền và hạn chế sử dụng máy lạnh ở một đất nước mà nhiệt độ luôn cao ngất ngưởng.
Thứ tôi phải tiêu xài duy nhất ngoài chi tiêu cần thiết, là những đồ vật trang trí cho kiosk của mình. Sau tất cả mọi nỗ lực tiết kiệm, tôi đã có được một số tiền kha khá để bắt đầu việc kinh doanh của mình.
Tại nhà máy sản xuất bikini, chủ xưởng cho biết sẽ bán với giá thấp nếu tôi đặt mua với số lượng lớn và thanh toán trước. Đây là một yêu cầu gần như không tưởng đối với một người như tôi, tôi còn phải dành tiền cho việc đăng rao vặt lên các trang báo địa phương nhằm quảng bá sản phẩm.
Sau này khi mọi chuyện đã xong xuôi, tôi chỉ biết tự trách bản thân mình vì không cân đối được tài chính trước khi bắt đầu công việc.
Tôi đáng lẽ phải tính toán mọi thứ từ chi tiêu cá nhân đến chi phí cho công việc, để có thể cân đối các khoản thu chi một cách hợp lý. Thế là tôi phải đi làm việc bán thời gian ở trường để có thể trang trải được những khoản phí.
Điều thứ hai: Dự đoán trước những điều phải thích nghi
Nếu như trong hai tuần lễ đầu tiên, tôi đã quá vui mừng với những thành công bước đầu đạt được: tôi quen biết nhiều nhân viên cứu hộ trên biển – những người giới thiệu cho tôi những khách hàng ổn định, đống đồ bikini dần vơi đi đồng nghĩa với tiền thu vào dần tăng lên.
Thì trong những tuần lễ tiếp theo, mùa mưa ở Florianopolis đã bắt đầu. Khốn khổ thay năm đó lại là năm có lượng mưa cao kỷ lục trong suốt 20 năm qua.
Những cơn mưa dầm dề để lại bãi biển hoang vắng không một bóng người, mặc dù đống bikini kia không bị ảnh hưởng nhiều nếu tôi không bán hàng nhanh, nhưng tôi nhận ra mình đã tính toán sai về thị trường.
Những khách hàng tôi cho là ổn định đã mất hút hoàn toàn. Thị trường tiềm năng đã chấm dứt, tôi phải đi lang thang trên bãi biển vào những ngày mưa gió để tìm kiếm được những khách hàng mới, hy vọng có được nguồn thu nhập ổn định. Tôi chưa hề nghĩ đến sự cố này khi còn ở Uruguay, điều này khiến tâm lý của tôi trở nên căng thẳng.
Khi nhìn nhận lại sự việc, tôi thấy mình đã đánh giá chưa đầy đủ về thị trường bikini ở địa phương cũng như điều kiện thời tiết tại vùng đất Florianopolis này.
Khi muốn bắt đầu kinh doanh một gì đó, ngoài việc thăm dò thị trường hiện tại, bạn cần hơn là dự đoán được tình hình và đập tan trước những trở ngại mà có thể sẽ xuất hiện để ngăn bước tiến của bạn.
Điều thứ ba: Trân trọng những trải nghiệm
Tôi có quen biết nhiều vị CEO nổi tiếng mà đã phải trải qua nhiều sóng gió thăng trầm trước khi đến được thành công.
Lấy ví dụ như CEO Tomas Gorny của Nextiva, ông đã làm nghề rửa thảm trước khi nổi danh trong giới kinh doanh, hay CEO Maximo Cavazzani của Etermax đã làm võ sư Taekwondo trong suốt 15 năm rồi mới thành lập công ty của riêng mình. Hay Ron Yekutiel đã là một phi công trực thăng trước khi trở thành giám đốc điều hành và người sáng lập của Kaltura.
Rất ít ai có thể đi đúng theo những kế hoạch mà mình đặt ra từ trước. Tôi có thể hãnh diện nói rằng mình đã vượt qua được những khó khăn mà kinh doanh bikini ở một đất nước Nam Mỹ lạ lẫm, nhưng trên thực tế tôi đã thất bại hoàn toàn ở con đường này.
Tôi có thể nói, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng tôi đã có được những kinh nghiệm quý báu từ công việc đầu tiên của tôi trong những tháng ngày phiêu bạt ở Brazil.
Sau tất cả, tôi trở về quê hương với túi tiền rỗng không, nhưng mang theo trên mình đầy ắp những chiếc quần áo bơi phụ nữ, tôi thật chẳng có gì để thể hiện những nỗ lực của mình.
Tuy vậy, tôi nhận ra những kinh nghiệm kinh doanh của tôi tại Brazil quả thật rất quý báu, dù việc học của tôi không mấy suôn sẻ, nhưng những trải nghiệm này của tôi có thể so sánh được với một khóa học của Harvard.
Hãy luôn mang bên mình những kỷ niệm, ký ức, kinh nghiệm từng trải, hay thậm chí là những sản phẩm lỗi của bao phen kinh doanh thất bại trước đó.
Nếu bạn muốn thành công ngay từ lần đầu, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều kinh nghiệm mà chỉ có khi làm hỏng việc mới nhận ra được nó. Việc học hỏi kinh nghiệm từ những người thành công là rất tốt, nhưng hơn hết hãy học hỏi từ những trải nghiệm của mình.
Tôi đã có những tháng ngày dài đằng đẳng ở những bãi biển của Florianopolis, để tôi có thể tự biến đổi mình từ một cậu bé dơ bẩn nhưng liều lĩnh mời chào những vị khách nơi xứ lạ quê người, cho đến một doanh nhân quyết đoán sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.
Những cuộc hành trình sẽ cho chúng ta những trải nghiệm, dĩ nhiên chúng sẽ rất khó khăn nhưng nếu bạn biết cân đối tài chính và thích nghi được với những gian khổ, bạn sẽ mau chóng đạt được những gì mình mong muốn.
Quang Niên (Theo entrepreneur)