Trung Quốc giảm giá điện sau kiểm toán
Hôm qua, tôi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương thông báo “phương án tăng giá điện sẽ được áp dụng ngay trong tháng 3 này với mức tăng 8,36%”. Cũng hôm qua, tôi đọc thấy trong báo cáo thường kỳ trước Quốc hội, Chính phủ Trung Quốc cam kết đẩy mạnh cải cách thị trường điện năng, nhằm đạt mục tiêu giảm tiếp 10% giá điện bình quân cho các công ty công nghiệp và thương mại. Lo lắng, bức xúc thì đằng nào giá điện cũng tăng, tôi dành thời gian tìm hiểu thông tin thứ 2.
Thực ra, giảm 10% giá điện bình quân cho doanh nghiệp công nghiệp và thương mại là mục tiêu đã được Chính phủ Trung Quốc đề ra và hoàn thành trong năm 2018, năm nay là “giảm tiếp” mức tương tự. Các biện pháp mà Bắc Kinh đã áp dụng để có được kết quả này chủ yếu dựa vào tiến hành đổi mới trong mạng lưới bán điện liên tỉnh, đi đôi với giảm phí dịch vụ của nhà phân phối điện địa phương.
Báo cáo của chính phủ Trung Quốc nêu rõ những biện pháp trên sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm nay, được hỗ trợ thêm bằng việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Bên cạnh đó, công cuộc cải cách của các doanh nghiệp điện quốc doanh sẽ tiếp tục được thúc đẩy, song song với việc nâng cấp lưới điện nông thôn.
Nhưng có lẽ, biện pháp gốc rễ và quyết liệt nhất phải kể đến sự vào cuộc của kiểm toán quốc gia, với các hoạt động kiểm toán quy mô lớn, nhằm minh bạch chi phí truyền tải điện, qua đó giúp tiết kiệm cho các công ty công nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt.
Đây được coi là nỗ lực của công cuộc cải cách ngành điện, được bắt đầu triển khai từ năm 2015, và trong tháng 3 ngày sẽ là đợt đẩy mạnh cải cách thứ 2, cũng là đợt kiểm toán lần thứ 2.
Trong đợt 2 này, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã liệt kê 34 công ty điện cấp tỉnh và 5 công ty cấp vùng “được kiểm toán chăm sóc”. Trong đó có nhiều nhà phân phối điện thuộc điều hành của các công ty con trực thuộc Tập đoàn Điện lực nhà nước Trung Quốc (State Grid Corp. of China) – đơn vị điện lực lớn thứ 2 thế giới về doanh thu.
Các cơ quan kiểm toán sẽ làm rõ mức chênh lệch giữa giá thành và giá bán điện của các nhà sản xuất, kinh doanh, làm rõ trách nhiệm quản lý của các doanh nghiệp điện. Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu rà soát mức phí mà các nhà phân phối điện đưa ra, đồng thời tìm cách tăng tỷ lệ bán điện thông qua các cơ chế thị trường, như bán hàng trực tiếp và đấu giá tập trung.
Nhờ những bước cải cách quyết liệt (đi đôi với kiểm toán), năm ngoái, Trung Quốc đã giảm được 128,4 tỷ nhân dân tệ (19,5 tỷ USD) chi phí bất hợp lý của ngành điện. Và theo NDRC, năm nay, các bước cải cách còn cần được đẩy mạnh hơn, bởi lẽ vẫn còn khoảng cách lớn xét về các yêu cầu khoa học, tiêu chuẩn hóa và thể chế hóa trong kiểm soát giá cả và chi phí ngành điện.
Giới chuyên gia đánh giá các biện pháp kể trên cũng sẽ đem lại lợi ích cho những nhà sản xuất, kinh doanh điện tái tạo. Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới về phát triển công nghệ xanh, và trong năm 2018, nguồn năng lượng tái tạo đã chiếm tới 2/3 công suất điện mới được lắp đặt. Tuy nhiên, với hệ thống hiện tại, số tiền mà các nhà kinh doanh điện phải trả cho nguồn điện năng tái tạo tương đương với nguồn nhiệt điện than. Điều này có nghĩa là điện giá rẻ hơn từ năng lượng tái tạo đã không được đưa tới người tiêu dùng. Nhưng một khi mọi sự minh bạch hóa, điều này sẽ thay đổi.
Rõ ràng, những khó khăn cả từ bên trong lẫn bên ngoài mà kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt càng thúc đẩy yêu cầu cải cách thị trường điện. Trong khi GDP trong năm 2018 giảm 0,2% so với năm 2017, thì mức tiêu thụ điện năng trong cùng kỳ lại tăng 8,5%, lên mức 6,84 nghìn tỷ kwh.
Trong bối cảnh như vậy, cắt giảm chi phí năng lượng được coi là “chìa khóa” giúp giảm bớt những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, nhất là nền kinh tế tiêu thụ năng lượng khổng lồ như Trung Quốc.
Minh Thu