Startup hay SME
Phong trào “khởi nghiệp” ở Việt nam có những cái hay của nó, vì đã lan tỏa được rộng rãi và ngày càng có nhiều những startup chất lượng hơn. Tuy nhiên, nó cũng cái dở của nó, trong đó có cái dở là sự nhầm lẫn giữa “startup” (tạm dịch là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và “SMEs” (công ty vừa và nhỏ).
Tại sao mình cứ suốt ngày lải nhải sự khác nhau giữa startup và SMEs, tại vì 2 hình thức kinh doanh này cực kỳ, cực kỳ khác nhau, và không đem được những kiến thức, kinh nghiệm từ SMEs sang startup được và ngược lại. Thế nên sự nhầm lẫn này sẽ đem lại hậu quả khá tai hại, và hiện tại thì tại vì startup nghe ra khá sang chảnh, khá hấp dẫn nên ai làm kinh doanh cũng nhận mình là startup hết.
Thực ra thì startup (theo đúng nghĩa ở Việt nam) khá là ít, theo thống kê của ai đó không biết thì có khoảng 3000 startup ở Việt nam (trên tổng số 700,647 doanh nghiệp). Mà mình nói là Việt nam có 3000 startup là các bạn nước ngoài sẽ hỏi “Ôi nhiều thế à?”.
Thế thì thế nào là startup:
– Startup làm sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh MỚI, có thể nó không mới ở nước ngoài nhưng ở Việt nam thì là MỚI, cái mới ở đây là do INNOVATION (nhà mình dịch là đổi mới sáng tạo). Lý do tui cứ chèn tiếng Anh vào vì nhiều lúc dịch ra thấy kỳ quá. Thế nên nếu bạn không làm cái gì đó MỚI, thì doanh nghiệp của bạn không phải là startup
– Tại vì làm cái mới nên sẽ KHÓ, thế nên tỷ lệ thành công của startup là 1/10, thấp hơn tỷ lệ thành công của SMEs rất nhiều.
– Thị trường mà startup nhắm đến thường phải LỚN, tốt nhất là thị trường khu vực hoặc toàn cầu. Mình có bao giờ gặp bạn Mark Zuckeberg bao giờ đâu, mà mình xài facebook của bạn ấy suốt ngày.
– Các startup thành công cần phải có một đặc tính, là có khả năng mở rộng cao (Scalability), do đó tốc độ tăng trưởng của startup cần phải lớn, 15%/tháng là yêu cầu của nhà đầu tư, không phải 15%/năm.
– Thời gian phát triển startup dài hơn, lại cần đầu tư nhiều vào nghiên cứu phát triển (R&D), educate user (giáo dục người dùng), chiếm lĩnh thị trường thế nên startup CẦN nhiều vốn đầu tư hơn, và đa phần là phải gọi nhiều vòng vốn chứ gọi một vòng thì không đủ đâu. Các startup thành công trên thế giới đa phần đều gọi được vốn đầu tư trong giai đoạn đầu để phát triển, ví dụ Facebook mãi đến khi có hàng trăm triệu user thì mới có doanh thu, và rất nhiều startup chết thì thiếu tiền, không gọi được vốn.
– Có những startup vẫn có thể phát triển mà không gọi được vốn bên ngoài, nhưng số đó ít hơn số gọi vốn và thành công vang dội
– Vốn đầu tư vào startup đa phần là vốn đầu tư mạo hiểm, mạo hiểm nghĩa là được ăn cả, ngã về không. Nếu startup thành công thì thu lời nhiều lần, còn thất bại thì chịu mất, bởi vì vốn đổ hết vào startup rồi, nếu thua mà đòi lại thì startup founder lấy đâu tiền trả.
Hì hì, còn cái show trên tivi mọi người hay bàn tán í, nó đang gây ra rất nhiều nhầm lẫn cho khán giả. Gọi vốn cho startup không dễ thế đâu, đối với dân chuyên nghiệp thì gọi vốn là một công việc full time, và là một trong những công việc khó nhất của founding team đó. Tui đã giới thiệu nhiều startup cho quỹ, sơ sơ thì cũng phải một số việc thế này:
– Tui nhận pitch deck từ startup, và đa phần là phải bắt các bạn sửa nát nước ra í, vì kỹ năng trình bày của các bạn còn rất hạn chế, nhiều khi đọc chả hiểu gì.
– Sau khi tui sửa nát ra rồi thì tui gửi cho quỹ phù hợp, ở đây cái yếu tố phù hợp rất là quan trọng, không phù hợp thì tốn thời gian cả 2 bên.
– Tui gửi chục cái thì họ chỉ quan tâm 1-2 cái thôi, họ sẽ nói tui sắp xếp cuộc gặp, tới bước này thì mới là Initial meeting trong VC process nha.
– Sau khi gặp xong, nếu họ thích thì họ sẽ follow up. Số startup nhận được follow up cũng ít thôi, không nhiều đâu
– Sau follow up thì còn một đống các bước dài loằng ngoằng phía sau gọi là Due diligence (thẩm định dự án), lúc này họ sẽ hỏi bạn một đống thông tin như Financial Projection, Resume của Core team, Customer interview …. các thứ. Quá trình này thường tốn 2-3 tháng (đấy là mấy quỹ tui giới thiệu bảo thế), chứ không nhanh được. Tiền mà, lá mít đâu mà dễ dãi được.
– Nếu mọi thứ suôn sẻ thì họ đề nghị đầu tư vào startup của bạn, rồi thương thảo điều khoản, lập hợp đồng đầu tư, rồi làm thủ tục đầu tư này nọ, loằng ngoằng lắm nhé. Nếu bạn hoàn thành một vụ đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm trong vài tháng thì coi như là nhanh rồi đấy.
Mở ngoặc, đây là tui nói quy trình đầu tư từ quỹ nhé, không nói đến đầu tư cá nhân hoặc đầu tư thiên thần. Nhà đầu tư cá nhân có thể rút ví hoặc chuyển khoản cho bạn trong vòng 1 ngày, NHƯNG, nếu bạn là startup, và bạn cần gọi nhiều vòng gọi vốn, thì mỗi một vòng gọi vốn, bạn chỉ chia sẻ TỐI ĐA 25% cổ phần thôi nhé, vì nếu cao hơn thì sau đó các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ KHÔNG đầu tư nữa (Tui gặp mấy trường hợp rồi đó, đã nói chuyện với quỹ về vụ này), mà không gọi được vốn vòng sau thì startup của bạn có nguy cơ fail cao lắm, vì đa phần dòng tiền từ doanh thu của startup khó có thể giúp startup tăng trưởng nhanh được mà phải dựa vào tiền đầu tư là nhiều. Grab có một đống tiền để đốt vì tiền đó là tiền đầu tư, chứ Grab không gọi vốn khủng liên tục thế thì không chiếm lĩnh được các thị trường Đông Nam Á nhanh thế đâu.
Đã có nhiều sách hay về startup và gọi vốn đầu tư mạo hiểm, làm ơn đọc đi mà
– Zero to One (Từ không đến một) của Peter Thiel
– Venture Deals (Đầu tư mạo hiểm) của Brad Feld
– Startup Owner’s Manual của Steve Blank
– Startup Playbook của Sam Altman
Lại đóng ngoặc cái nữa là Startup không sang chảnh hơn SMEs đâu nha. SMEs làm dễ hơn startup, đỡ rủi ro hơn startup, cần ít vốn hơn startup, và có nhiều chương trình dạy quản trị doanh nghiệp mà SMEs có thể học để làm, chỉ có điều là nó khác nhau thui.
Hương Nguyễn – StartupElite