“Splinternet” – Hệ quả của cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung
Sẽ có sự phân đôi hệ thống mạng Internet thành một mạng internet do Trung Quốc đứng đầu, và mạng kia do Mỹ dẫn đầu. Cảnh báo này đã được đưa ra vài năm trước và nguy cơ hiện hữu đang ngày một tăng.
Cuối năm 2018, cựu Giám đốc điều hành Google, ông Eric Schmidt, đã nhắc lại cảnh báo về tình trạng “Splinternet”, có nghĩa là dòng chảy thông tin trên mạng giữa các nước không liên quan gì với nhau. Và điều này sẽ hạn chế đáng kể hoạt động thương mại điện tử toàn cầu cũng như nhiều hoạt động khác trong không gian số.
Mối lo ngại về một kịch bản như vậy càng gia tăng gần đây, khi mà căng thẳng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Bloomberg dẫn chứng sự chia rẽ kiểu như vậy trong thế giới số, hay còn gọi là “màn sắt kỹ thuật số”, đang hình thành ở Zambia, nơi nhiều nhà hoạt động địa phương lo lắng rằng các quy tắc dân chủ của đất nước đang bị phá hoại bởi ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông.
Những gì đang diễn ra ở Zambia là một phần của cuộc đua tranh lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ trong sự thống trị về công nghệ tương lai cũng như sức ảnh hưởng toàn cầu.
Các công ty cả hai quốc gia bán hàng loạt sản phẩm công nghệ khắp thế giới, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc đang cung cấp nhiều loại thiết bị đa dạng hơn, với mức giá rẻ hơn. Vì thế, họ có lợi thế hơn ở các quốc gia đang phát triển như Zambia, nước đang muốn hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công nghệ.
Nguy cơ thế giới bị chia rẽ bằng bức “màn sắt kỹ thuật số” càng hiển hiện khi gần đây, các đồng minh của Mỹ, như Australia và New Zealand, đã cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE cung cấp thiết bị công nghệ không dây 5G vì lo ngại an ninh quốc gia.
Chia sẻ với CNBC về “Splinternet”, ông Kaifu Lee – CEO của Sinovation Ventures – cho rằng sự phân chia sẽ được xác định theo những ứng dụng mà mọi người ở các quốc gia khác nhau chọn sử dụng hoặc có quyền truy cập. Có thể hình dung, một mạng internet sẽ bao gồm Trung Quốc và những nước áp dụng các ứng dụng của Trung Quốc; bên kia là Mỹ và những nước dùng ứng dụng của Mỹ.
Theo ông Lee, các ứng dụng của Trung Quốc sẽ khó được tiếp nhận ở Mỹ, châu Âu và các nước nói tiếng Anh khác, nhưng sẽ có lợi thế hơn ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, Nam Mỹ, Trung Đông và một số nước ở Châu Phi.
“Trong vòng 5 năm nữa, nếu đếm xem có bao nhiêu ứng dụng Trung Quốc, bao nhiêu của Mỹ được cài trong điện thoại của người dùng trên thế giới, tôi đoán tỷ lệ sẽ là 50/50” – ông Lee nói.
Tờ New York Times dẫn ý kiến của Giáo sư luật Tim Wu, thuộc Đại học Columbia, chỉ trích gay gắt việc chính phủ Mỹ và các công ty internet đang “nhường lại quá nhiều đất cho Trung Quốc kiểm soát internet”, trong khi kiểm duyệt internet rõ ràng là một rào cản cực kỳ hiệu quả trong thương mại quốc tế.
Theo ông Tim, các chính sách kiểm soát internet của Trung Quốc hiện nay phải được hiểu là vi phạm các cam kết WTO, bởi chúng dùng để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.
Ông Tim dẫn chứng việc nhiều công ty Trung Quốc, như Tencent hay nhà bán lẻ trực tuyến JD.com, đã ráo riết theo đuổi các hoạt động tại Mỹ, tìm cách tận dụng lợi thế của internet mở và thị trường mở để làm ăn tại Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ lại bị hạn chế ở Trung Quốc.
Dù Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ từ năm 2016 đã coi chính sách hạn chế internet của Trung Quốc là rào cản thương mại, song đến nay Mỹ vẫn bị Trung Quốc ”qua mặt” trong nền kinh tế internet.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia kêu than về sự bất công bằng trong thương mại ở thị trường Trung Quốc. Mới đây nhất, cuối tháng 1 vừa qua, một nhóm hơn 70 quốc gia, dẫn đầu là Australia, Nhật Bản và Singapore, đã thông báo kế hoạch khởi động lại các cuộc thảo luận đang bị đình trệ tại WTO, nhằm tạo ra một bộ quy tắc điều chỉnh thương mại điện tử và dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia.
Bước đi này một lần nữa cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng về tình trạng “Splinternet” trong bối cảnh xung đột Mỹ – Trung leo thang.
Minh Thu