Xin được chia sẻ với anh chị em trong cộng đồng khởi nghiệp về việc ngừng hợp tác với một nhân sự trong công ty. Thôi, nói thẳng là sa thải hay còn gọi là chấm dứt HĐLĐ.

Anh bạn người nước ngoài (mới quen gần đây) có alo để hỗ trợ trường hợp bị nhân viên + với một luật sư khác khởi kiện về việc cho nhân viên nghỉ trái pháp luật.

Số là 12 tháng trước, ông nhân viên sale kia nói chung là thực hiện một chuỗi những hành vi không thể chấp nhận (liên quan đến đạo đức và sự trung thành). Anh bạn CEO vì không thể chấp nhận hành vi này nên không kiềm chế được, đẩy email và còn cẩn thận ra văn bản kick out ông nhân viên này ra khỏi công ty ngay lập tức. Lương tháng này kia chuyển khoản sau.

Được sư tư vấn của luật sư, ông nhân viên này đi làm (ở công ty đối thủ), gần 12 tháng sau (gần hết thời hiệu khởi kiện) thì vác đơn đi kiện công ty này. Và tất nhiên là đòi bồi thường 12 tháng tiền lương trong thời gian không được làm việc cộng với một số khoản bồi thường khác.

Sau khi tư vấn mà mình thấy thật đáng tiếc cho công ty của anh bạn. Chỉ vì một phút nóng nảy mà sa thải kiểu Mỹ trên phim nên hậu quả là tương đối nặng. Tất nhiên là mình sẻ phải tìm cách để bảo vệ cho công ty bạn giảm thiểu thiệt hại nhất.

Ở Việt Nam, có 3 cách hợp pháp để sa thải một nhân sự không thể hợp tác thêm:

Cách i) Thoả thuận chấm dứt Hợp đồng lao động. Hai bên cùng ngồi lại, thương lượng với nhau và cùng ký vào biên bản chấm dứt. Đây là phương án đẹp nhất, mình cũng hay áp dụng cho khách hàng. Nhưng quan trọng là kỹ năng deal phải tốt. Phải đưa ra một offer mà đối tác không thể từ chối.

Cách ii) Đơn phương chấm dứt thông báo trước 30 hoặc 45 ngày tuỳ theo thời hạn HĐLĐ. Nhưng phải kèm theo lý do hợp pháp. Cách này cũng đỡ rủi ro nhưng cũng cần làm theo đúng quy trình tránh bị kiện lại.

Cách iii) Sa thải theo phương án kỷ luật sa thải. Đây là phương án rủi ro nhất. Cần phải rất cẩn trọng trong quy trình ra Quyết định sa thải. Phần lớn các vụ kiện mà công ty bị thua người lao động là do quy trình thủ tục giấy tờ sa thải không chuẩn nên bị thua kiện. Dù là lý do sa thải là hết sức hợp lý, bạn nhân viên kia đáng sa thải hàng trăm lần.

Anh em lưu ý nhé. Khi nào muốn sa thải một ai đó, hãy bình tĩnh, tham vấn ý kiến Luật sư trước khi hành động thì sau này đỡ phải hốt.

Chúc anh em startup, founder, CEO … bình an!

from Doanh, Founder of StartupLAW.vn