BeeCost là công ty thứ 4 mà đồng sáng lập Hà Tùng gọi vốn Seeding thành công, theo cùng một cách, nên anh tin rằng là cách mình thực hiện và chuẩn bị cho vòng Seeding có thể áp dụng phần nào được cho số đông. Hà Tùng sẽ chia sẻ Step by Step của 4 lần mà anh đã gọi Seeding thành công (trung bình $100K) tại các startup mình đã sáng lập. Hi vọng nội dung này sẽ giúp ích cho các bạn đang ở trong quá trình gọi vốn.

Các nguyên tắc sau Đầu Tư. => Bước này bạn hay bỏ qua.

Trong tiếng anh, bước này gọi là “Spirit of the Deal” (tinh thần của sự hợp tác) – bước này xảy ra sau kí kết hoặc sau khi đã xong những điều khoản của hợp đồng đầu tư. Trong hầu hết các trường hợp vì thở phào sau khi đã chốt hoặc kí xong hợp đồng mà cả hai bên đều bỏ qua bước này, nó không có tác dụng ngay lập tức nhưng về lâu dài lại ảnh hưởng tới cách mà hai bên cùng triển khai hợp đồng đầu tư. Sai lầm lớn nhất của bước này đó là suy nghĩ: “Bên kia sẽ thực hiện các điều khoản trong hợp đồng đầy trách nhiệm, vui vẻ” hoặc tệ hơn, bạn nghĩ rằng “Họ sẽ thực hiện một cách đầy khó chịu”, …

Nếu không thể để những điều sau ở trong hợp đồng, mình tin là bạn hãy email hoặc thực hiện 1 trao đổi chính thức để nói về suy nghĩ của bạn sau khi đàm phán và kí hợp đồng, cách mà bạn sẽ thực hiện hợp đồng đầu tư với tinh thần như thế nào, …

Chủ yếu là cả hai bên sẽ nói được về những điều sau:

  1. Mỗi bên cảm thấy thế nào với hợp đồng đầu tư này?
    Tôi cảm thấy áp lực nhưng cũng thật vui vì cả hai bên đã đạt được thỏa thuận, tôi đã hơi bất ngờ về đề nghị X nhưng suy cho cùng tôi cũng thấy nó hợp lý, …
  2. Hai bên sẽ thực hiện các điều khoản với tinh thần, cách thức và sự nhiệt tình ra sao?
    Các điều khoản trong hợp đồng sẽ được thực hiện và báo cáo theo các biểu mẫu phù hợp với anh, hoặc theo các chuẩn/format mà chúng tôi sử dụng tại …, chúng tôi cũng sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp với các chuẩn của anh, …
  3. Đối với các điều khoản quy định chặt chẽ, trong trường hợp không như ý muốn, tinh thần và cách hành xử sẽ như thế nào?
    Điều khoản X, Y, Z là một điều khoản chặt chẽ, đạt được nó là tốt nhất, tuy nhiên trong trường hợp nó gần đạt được, chúng ta có thể xem xét tới cách mà chúng tôi đã cố gắng để đạt tới nó để tránh những bất hòa xung quanh giữa việc đúng/sai, …

Bạn biết đấy, một người đáng tin tưởng là người không chỉ thực hiện đúng lời anh ta nói, mà còn cho bạn biết cách mà anh ta sẽ thực hiện nó, một cách hoàn toàn minh bạch và thoải mái. Mình tin là trong hợp tác đầu tư cũng vậy, nếu hai bên không quen biết nhau từ trước, nên có một bản ghi nhớ về tinh thần và cách hai bên sẽ thực hiện hợp đồng và trong trường hợp có những điều không mong muốn xảy ra – thêm được nó vào hợp đồng là điều tuyệt nhất.

Bước 4 là một bước ngắn và dễ để thực hiện, nhưng lại quan trọng cho mối quan hệ sau này của chúng ta với đối tác. Nếu không thực hiện nó thì hãy ước mọi thứ sẽ tốt đẹp, nếu không, khi có gì đó không được như ý muốn trong hợp đồng, hai bên rất dễ hiều lầm và bật lá chắn tự bảo vệ mình và nghi ngờ đối tác – khiến tình trạng đã tệ sẽ càng tệ hơn.

Hai lần gọi vốn đầu tiên của mình, sau khi đầu tư thì mọi thứ không được như ý muốn, nhà đầu tư và chúng mình chẳng còn nói chuyện với nhau vì đã không nói chuyện về việc nếu thỏa thuận thất bại sẽ hành xử thế nào. Từ deal thứ 3 và giờ là deal của BeeCost, mình đã luôn làm rõ với nhà đầu tư rằng các điều khoản trong hợp đồng sẽ được BeeCost thực hiện một cách nghiêm túc và đặt ưu tiên quyền lợi của công ty lên đầu. Trong trường hợp có những gì không theo như ý, thì hãy hiểu rằng chúng tôi đã cố hết sức mà không được, hoặc đã không hiểu hết vấn đề và muốn hai bên hướng về tinh thần trong quá trình cố gắng thực hiện hợp đồng để giải quyết hợp đồng. Để làm được điều đó cách thực hiện hợp đồng của chúng tôi sẽ là… bla bla….

Một “Spirit of the Deal” tốt sẽ giúp chúng ta giữ được mối quan hệ tốt với Investor cho dù chuyện gì có xảy ra.

_ _ _ _
Ba điều cần lưu ý:
– Đây chỉ là kinh nghiệm của riêng BeeCost. Cho dù toàn bộ là do mình học từ quyển sách Havard Business Review về cách chuẩn bị và đàm phán, tên là 3D Negotiation => bit.ly/2mh107E, nhưng cũng không có gì đảm bảo là cuốn sách đó đúng, mình đã làm đúng hay chỉ đơn giản là ăn may?
– Phạm vi của kinh nghiệm này là dành cho Angel/Seed Investment (vòng đầu tư hạt giống). Các vòng đầu tư chuyên nghiệp (Series Investment), BeeCost chưa trải qua.
– Không nản lòng. Những thứ viết trong này mình không tự nhiên có, để tính tổng, có lẽ mình đã tiếp cận gần 300 nhà đầu tư khác nhau trong 5 năm. Nên dù có lỡ đang “không có gì” thì là bạn đang giống hệt mình và sẽ còn giỏi hơn vì lúc đầu mình đâu có ai nói cho những điều này. Thành công ăn nhau ở chỗ lỳ, thành công lớn quyết định bởi rùa.

Vì vậy, mong người đọc hãy coi bài viết này như một chia sẻ tham khảo của một công ty kinh nghiệm, sức mạnh nằm ở trong bạn chứ không phải từ những quyển sách hay một công ty đi chia sẻ kinh nghiệm như mình.

Hà Tùng – BeeCost