Khi kêu gọi vốn với các quỹ đầu tư, đa phần các công ty khởi nghiệp đều chuẩn bị một bản thuyết trình đầu tư (pitch deck) để giới thiệu sơ lược về công ty của mình. Đây là cơ hội để startups và nhà sáng lập gây ấn tượng đầu tiên với nhà đầu tư. 

Tại quỹ đầu tư Hustle Fund, trung bình chúng tôi chỉ mời khoảng 10% các công ty khởi nghiệp để nói chuyện trực tiếp sau khi xem qua pitch deck.

Vậy điều gì làm nên sự khác biệt trong pitch deck giữa top 10% và số 90% các công ty còn lại?

Qua series này, chúng tôi hi vọng sẽ chia sẻ quan điểm từ góc nhìn riêng của đội ngũ đầu tư tại quỹ Hustle Fund để các bạn sáng lập startup có thể chuẩn bị tốt nhất cho quá trình kêu gọi vốn đầu tư.

Phần 1: Lỗi làm bản thuyết trình quá dài

Nếu bạn là công ty khởi nghiệp mới thành lập và đang kêu gọi vốn cho những lần đầu tiên, pitch deck của bạn nên tập trung vào 1 mục tiêu duy nhất là khiến nhà đầu tư đủ tò mò và hứng thú để muốn nói chuyện trực tiếp với bạn.

Bạn không nên quá chú trọng về việc thuyết phục nhà đầu tư ngay từ ban đầu với quá nhiều tiểu tiết. Việc chia sẻ quá nhiều thông tin qua pitch deck đôi khi đem lại nhiều lý do khiến nhà đầu tư có thể bỏ qua công ty của bạn.

Ví dụ lỗi: Trong pitch deck, bạn chia sẻ mục tiêu của bạn là tìm thêm 4 kỹ sư công nghệ vào đội ngũ của mình trong vòng 12 tháng sắp tới. Nếu nhà đầu tư nghĩ bạn chỉ cần 2 kỹ sư, cô ấy có thể đưa ra quyết định từ chối ngay mà không cần gặp trực tiếp với bên bạn.

Trong trường hợp này, bạn không nên đề cập đến nhiều tiểu tiết, mà nên tập trung vào vấn đề quan trọng như tại sao giải pháp của công ty bạn sẽ tốt hơn các giải pháp hiện tại trên thị trường.

Ví dụ cách sửa:

  • Thay vì mục tiêu tuyển dụng, bạn nên tập trung vào các điểm nổi bật của các thành viên hiện tại
  • Không cần thiết phải trích dẫn các câu nói của những người nổi tiếng
  • Thay vào đó, trình bày hình ảnh trang web, ứng dụng, hoặc sản phẩm của công ty bạn
  • Trình bày biểu đồ doanh thu hoặc phát triển khách hàng của bạn trong thời gian vừa qua và tương lai sắp tới
  • Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cắt giảm pitch deck của mình, hãy sử dụng sự trợ giúp của bạn bè hay gia đình, nhất là những người không nắm rõ về chuyên ngành hoặc sản phẩm của bạn. Qua phản hồi của họ, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra đâu là điểm quan trọng và đâu là tiểu tiết chỉ làm người khác mất tập trung.

Hẹn gặp các bạn trong phần 2 của series này tập trung vào việc chứng minh tầm quan trọng của “Vấn đề mà startup của bạn muốn giải quyết”.

Mai Hồ

 

Bạn đang khởi nghiệp giai đoạn đầu và có nhu cầu kêu gọi vốn đầu tư? Nộp đơn phỏng vấn với quỹ Hustle tại đây

Mai Ho là nhà đầu tư tại quỹ Hustle, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á. Cô sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và được đào tạo bậc đại học tại Mỹ chuyên ngành Tài Chính & Kế Toán. Mai sở hữu gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại London, Singapore và San Francisco, trải rộng từ nghiên cứu thị trường tài chính tại Goldman Sachs cho đến lãnh đạo mảng phát triển thị trường cho các công ty công nghệ và start-ups tại thung lũng Silicon. Mai cũng từng là nhà đồng sáng lập & CEO công ty khởi nghiệp BigBalo trong mảng thương mại điện tử.