Nới lỏng cấm vận Mỹ – Triều có dễ?
Chính quyền Mỹ, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump, vẫn luôn khẳng định các biện pháp siết chặt trừng phạt đối với Triều Tiên, còn gọi là sách lược “gây sức ép tối đa” là “lá bài trọng yếu” để buộc Bình Nhưỡng đàm phán và nhượng bộ. Nhưng những gì đang diễn ra cho thấy sách lược này đang dần bị coi nhẹ, trong khi nhiều đối tác muốn thúc đẩy nới lỏng chính sách này.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tuần trước đưa ra một thông báo nội bộ cảnh báo nước này đang đối mặt với sự thiếu hụt lương thực do tình hình thời tiết xấu cũng như các trừng phạt cấm vận mà Bình Nhưỡng cáo buộc là “dã man và mất nhân tính” hòng phong tỏa tất cả các nguồn cung cấp nông nghiệp cần thiết.
Chính vì vậy, giới phân tích quốc tế cho rằng điều mong muốn lớn nhất của ông Kim Jong-un và đội ngũ của mình khi đến với hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 tại Hà Nội là tìm cách để các lệnh cấm vận quốc tế được nới lỏng, hoặc ít nhất là giảm mức độ thực thi.
Trang World Polictics Review bình luận rằng ông Kim dường như rất hào hứng với mục tiêu ít nhất một số cấm vận có thể sẽ được tháo bỏ để mở đường cho các khoản đầu tư chính thức của các công ty và chính phủ các nước vào các dự án từ đường cao tốc, viễn thông cho tới các đặc khu kinh tế.
Reuters nhận định một số tín hiệu được cho là khá tích cực đã được hai bên phát đi. Những tuyên bố gần đây của giới chức Mỹ cho thấy Nhà Trắng sẵn sàng hướng đến việc nới lỏng một phần cấm vận nếu xuất hiện các bước phù hợp đi tiến tích cực.
Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tuyên bố chính quyền Trump sẵn sàng có “các giải pháp tương ứng, tức thời và song hành” trước các hành động giảm căng thẳng của Triều Tiên. Đây là thay đổi lớn, bởi các vòng đàm phán trước đây thường đổ vỡ do Triều Tiên luôn cho rằng các đối tác đàm phán Mỹ áp đặt các điều tiện tiên quyết đối với nới lỏng cấm vận.
Ngay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN ngày 24/2 đã làm rõ quan điểm của Mỹ. Ông nói rằng các lệnh cấm vận then chốt “chắc chắn sẽ giữ nguyên hiệu lực”, một cách nói tương đồng với thông tin được truyền thông Hàn Quốc phát đi gần đây về việc Mỹ sẵn sàng mở đường cho các dự án kinh tế liên Triều, như khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang, Khu công nghiệp Kaesong dọc Khu phi quân sự (DMZ) thông qua việc miễn trừ cấm vận các đối tác Hàn Quốc.
Về phần mình, Bình Nhưỡng đã phát tín hiệu tương tự, khi ngầm thừa nhận sẵn sàng ngừng hoạt động tổ hợp hạt nhân Yongbyon và thậm chí có thể cho phép thanh sát viên quốc tế tới giám sát tiền trình phá hủy hạ tầng này.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang ngày càng ủng hộ xu hướng giảm cô lập Triều Tiên, và các biện pháp cấm vận dường như dần kém hiệu quả. Reuters dẫn báo cáo mật của cơ quan giám sát Liên hợp quốc cho biết những tháng gần đây, Triều Tiên đã không tuân thủ các trừng phạt quốc tế khi “tăng cường vận chuyển bất hợp pháp bằng đường biển các sản phẩm xăng dầu và than”.
Dù trong năm 2018, Ủy ban cấm vận Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa vào danh sách đen 25 tàu vi phạm lệnh cấm vận, nhưng Nga và Trung Quốc kiên quyết bác bỏ việc gia tăng trừng phạt do các vi phạm mới này. Ngay cả Hàn Quốc cũng đã chuyển khoảng 300 tấn xăng dầu cho Triều Tiên trong năm 2018 dù có “báo cáo” với Ủy ban trên.
Ông Park Won-gon, Chủ nhiệm khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Handong Global của Hàn Quốc, nói: “Cấm vận hay trừng phạt có xu hướng chỉ hiệu quả trong vài năm đầu. Sau đó, toàn bộ trừng phạt không thể giúp ích được gì mà chỉ rơi vào cảnh hỗn loạn”.
Cấm vận cản trở hầu hết các khoản đầu tư công khai, nhưng không thể ngăn được tất cả. Reuters dẫn lời Tom Fowdy, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên và là nhà sáng lập một nhóm thúc đẩy văn hóa và du lịch ở Triều Tiên, cho biết: “Hầu hết các quốc gia trên thế giới không ngại rủi ro chính trị, thúc đẩy quan hệ thương mại với Triều Tiên trước khi các trừng phạt được gỡ bỏ”.
Ông Michael Heng, một cố vấn kinh doanh có trụ sở tại Singapore, thì cho biết ông đã đưa một đoàn doanh nghiệp hồi tháng 9 năm ngoái khám phá những cơ hội thị trường ở Triều Tiên. Họ quay trở lại với những đề xuất cho các dự án đầu tư với trị giá 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, chính những điều kể trên là lý do khiến tâm lý lo ngại chưa vơi bớt tại Washington. Mới đây, Thượng nghĩ sỹ Mỹ Ted Cruz và Robert Menendez đã viết thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về việc những nỗ lực của Mỹ và Hàn Quốc can dự với Triều Tiên có thể dẫn tới những vi phạm cấm vận.
Chính giới Mỹ cũng quan ngại các biện pháp cấm vận vốn được coi như “đòn bẩy” trong đàm phán với Triều Tiên đang dần mất tác dụng. Họ mong muốn Tổng thống D.Trump phải hết sức tỉnh táo và thận trọng khi tới gặp Kim Jong-un lần 2 ở Hà Nội.
Bloomberg bình luận Nhà Trắng không quá tham vọng về kết quả các cuộc gặp trong ngày 27-28/2, đồng thời cho rằng với tình hình hiện nay, một tuyên bố hòa bình hay trao đổi ngoại giao có thể được xem là các động thái xây dựng lòng tin hữu hiệu ở cuộc gặp lần 2 này./.
Minh Thu (Tổng hợp)