Những gợi ý cho bạn để tìm một người cố vấn tốt
Bạn có biết đâu là sai lầm lớn nhất của những người bắt đầu bước vào một cái gì đó mới không?
Đó là việc họ làm điều đó một mình.
Hãy thử nhìn những người thành công mà xem. Họ luôn có những người cộng sự hoặc người thầy để nhận những sự tư vấn cần thiết.
Kể cả vậy, ngoài kia vẫn có nhiều người vẫn muốn bước đi một mình.
Tại sao lại như vậy? Có lẽ một phần lý do là vì họ không biết phải nhờ đến ai.
Đó là lý do tại sao nếu bạn muốn thật sự giỏi hơn trong một lĩnh vực nào đó, bạn nhất định phải tìm đến những chuyên gia của lĩnh vực đó, những người đã từng gặp khó khăn như bạn và biết cách giúp bạn vượt qua.
Quan trọng hơn, đừng chỉ dấn thân vào một ngành nghề nào đó chỉ vì nó đang ‘hot’. Hãy tham khảo ý kiến của những người đi trước để xem bạn có thật sự phù hợp với lựa chọn đó hay không. Thà ‘mặt dày’ nói chuyện với những người xa lạ còn hơn là ‘mặt mếu’ vì chọn sai ngành sau này.
Dưới đây là 3 bước giúp bạn tìm được sự tư vấn mình đang cần:
Bước 1: Nhận diện những người bạn muốn học hỏi kinh nghiệm
Dĩ nhiên bạn sẽ cần phải có một danh sách những người bạn muốn tiếp cận. NHƯNG trước khi ‘làm phiền’ họ, hãy tự mình nghiên cứu trước về ‘mảnh đất’ mình muốn bước vào. Bạn sẽ biết bạn cần hỏi gi khi đối diện với những người đó.
Hãy nghĩ xem bạn muốn học những gì? Bạn muốn trở thành người thế nào? Bạn có thể tìm kiếm trên Google hay YouTube những bài viết và clip liên quan để có cái nhìn sơ khởi.
Sau khi tìm hiểu, hãy ghi lại những ý chính: làm sao để bắt đầu, hành trang cần thiết, nguồn tham khảo,… Khi này, bạn đã sẵn sàng để ‘săn người’. Hãy chú ý đến những người thành công trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Ai là người có thể cho bạn nhiều kiến thức nhất VÀ đồng thời cũng giúp bạn trau dồi kĩ năng? Hãy nghĩ đến các giáo sư, tác giả, bạn bè hay bất kì ai mà bạn ngưỡng mộ.
Nhưng bạn đừng ‘mơ mộng’ quá. Nếu bạn muốn học lập trình, đừng liên hệ Bill Gates; hãy tìm một người bạn học IT để nhờ trợ giúp. Nếu bạn muốn tập luyện để săn chắc cơ thể, bạn gần như không có cơ hội tiếp cận Dwayne “The Rock” Johnson đâu, nên hãy nhờ một cậu bạn ‘6 múi’ nào đó đi.
Đến đây, hãy lập danh sách khoảng 10-20 ‘chuyên gia’ mà bạn muốn nói chuyện. Đừng sợ, nghe nhiều vậy thôi nhưng bạn sẽ rất cần những buổi tâm sự này để xác định hướng đi cho mình.
Bước 2: Mời họ uống cà phê (hoặc gặp mặt qua Skype)
Khi bạn mời họ gặp mặt, đừng gửi những email như thế này:
- Hỏi những câu vô nghĩa, ví dụ như “Chào anh, tôi nên làm gì với túi tiền của mình”
- Kể lể không cần thiết, ví dụ như “Xin chào, tôi là … , tôi thật sự quan tâm tới … và khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi thường …”
- Chỉ nói về mình, ví dụ như “Xin chào, hãy cho phép tôi được kể về học vấn của mình cũng như những gì tôi quan tâm …”
Thay vào đó, hãy viết một bức thư thật ngắn gọn, súc tích và đi thẳng vào vấn đề cốt lõi: Bạn muốn được học hỏi từ họ. Điều đó sẽ cho họ thấy sự nghiêm túc của bạn và xem xét đến chuyện phản hồi lại bạn.
Trong email của mình, bên cạnh việc sử dụng từ ngữ chuẩn mực, hãy đề cập đến những thông tin sau:
- Từ đâu bạn biết đến thông tin cá nhân của họ
- Đi thẳng vào điều mình muốn ngay câu đầu tiên: “Tôi rất muốn được gặp anh để được tư vấn về nghề nghiệp trong khoảng 15 – 20 phút.”
- Tóm tắt trình độ học vấn và sự nghiệp
- Theo lịch của họ, đừng theo lịch của mình: “Hi vọng tôi có thể mời anh một ly cà phê, gặp anh tại văn phòng hay bất cứ đâu thuận tiện nhất cho anh.”
Bạn nên thông qua một người trung gian (thường là người quen của cả hai, bạn bè chung trên Facebook) hay tìm kiếm một bài viết trên mạng để có địa chỉ liên hệ. Điều đó sẽ cho họ thấy sự liên kết giữa hai người.
Bước 3: Hỏi những câu hỏi cụ thể
Hãy loại ngay những câu hỏi kiểu như thế này:
- Đâu là ba điều quan trọng tạo nên thành công của anh?
- Làm thế nào anh đạt được vị trí như hiện nay?
- Kĩ năng quan trọng nhất theo anh là gì?
Điều đó chỉ cho thấy bạn đang lướt trên bề mặt của tảng băng mà chưa thật sự đi sâu xuống phía dưới, phần nào đó ‘tố cáo’ sự thiếu chỉn chu của mình. Thay vào đó, hãy hỏi những câu hỏi thú vị hơn, đào sâu hơn về nghề dựa trên những tìm hiểu trước đây.
Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị gặp một giám đốc truyền thông mạng xã hội tại một công ty lớn, hãy tìm hiểu trước về người này và công việc của ông ta. Có thể bạn sẽ hỏi những câu như sau:
- Tính chất công việc từ công ty X sang công ty Y khác nhau thế nào?
- Đâu là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng một chiến dịch truyền thông hiệu quả?
- Anh thích nhất điều gì khi làm việc tại công ty X?
Hãy nhớ, càng cụ thể càng tốt. Chắc chắn bạn sẽ học được rất nhiều điều.
Hiệp (Theo business insider)