Bài viết của anh Nguyễn Quốc Toàn – giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE) theo đơn đặt hàng từ ban nhân sự của EQuest Education khi yêu cầu có một buổi đào tạo các lãnh đạo mới được bổ nhiệm.

May mắn trong đời mình là được làm việc với nhiều sếp giỏi. Quan trọng nhất trong giai đoạn đầu của sự nghiệp là làm việc với ai. Mình có mấy sếp mà mỗi lão đều góp phần làm mình trưởng thành lên rất nhiều. Mình có mấy bài học được các sếp dạy mà nhớ mãi.

1. Bài học đầu tiên là về sự hoàn hảo trong công việc.

Lão sếp đầu tiên bảo mình thế này: “mày làm bất cứ cái gì cũng phải tự hào về nó. Trước khi mày trình tao, mày hãy tự hỏi mình xem mày đã thật sự tự hào về nó chưa, đã sung sướng vì nó chưa?”. Lão còn dặn “Còn khi nào mày chưa trăn trở, mất ngủ, vật vã vì sản phẩm của mình thì đừng đưa tao. Có thể sản phẩm của mày vẫn chưa đúng ý tao, nhưng mày phải dám khẳng định là mày đã toàn tâm toàn ý với nó”.

Hồi đầu mình căm lão lắm vì có mỗi bản báo cáo, lão bắt mình sửa đi sửa lại hàng chục lần, từ dấu chấm, dấu phẩy, đến câu từ, cân nhắc xem viết thế đã đúng ý chưa, hay cần phải chỉnh lại. Mình từng phát điên lên, cãi lộn với lão. Nhưng lão kệ, cứ bắt làm. Đến lúc xong báo cáo, đúng là mình tự hào thật, mất mấy ngày ngắm nghía và tự sướng với sản phẩm đầu tay ấy.

Từ đó trở đi, mình rất ghét sự “tầm phào” trong cách làm việc. Mình luôn bảo nhân viên của mình thế này: Em làm sai cũng được, nhưng em phải cực kỳ nghiêm túc trong việc em làm. Đừng bao giờ lôi thôi. Việc đó sẽ tạo thành thói quen rất tốt cho sự nghiệp của mình, còn nếu em tầm phào và dễ dãi trong công việc thì sẽ không bao giờ thành công được. Và mình cũng hay hỏi nhân viên: “em đã mất ngủ vì công việc này chưa. Em đã trăn trở vì nó chưa? Nếu em chưa, thì em nên làm lại.”

Ông Nguyễn Quốc Toàn, giám đốc điều hành IAE.

2. Bài học thứ hai: Có đáng phải làm điều ấy không?

Một sếp khác dạy mình: mỗi khi em định làm gì có tính tranh cãi, hoặc là phạm pháp, hoặc chỉ là đua tranh thi đấu với kẻ khác, hoặc quá mất nguồn lực, em hãy nghĩ là làm điều ấy có thực sự đáng không? Có nhất thiết phải như thế không?

Ví dụ, có cần phải thi gan trong một thương vụ M&A để trở thành kẻ chiến thắng không? Hay buông bỏ có khi lại nhẹ đầu và làm được chuyện khác. Hay mỗi khi chuẩn bị tranh luận với bạn bè, đồng nghiệp để hơn thua, ta cần phải nghĩ tỏ ra thông minh hơn kẻ khác trong một cuộc tranh luận để làm gì? Làm một việc mà kiếm được chút tiền nhưng đủ thứ vấn đề thì có bõ công mà làm ko?

Nghe lời lão, bao nhiêu lần mình nhịn và bỏ qua những cuộc ganh đua hoặc làm ăn không cần thiết. Mỗi lần định choảng nhau hoặc điên máu, mình lại ngồi và nghĩ: “có nhất thiết và đáng phải làm không?”. Nếu đã phải làm thì phải làm đến cùng, còn nếu bỏ qua được thì mình bỏ qua luôn.

3. Bài học thứ 3: Đã làm sếp thì đừng hơn thua, chắc lép vặt vãnh với nhân viên.

Sếp cũ mình hay bảo: “Làm anh khó lắm. Phải đâu chuyện đùa.” (Trích dẫn bài thơ: “Làm Anh khó lắm”) Muốn được gọi là anh/chị, được coi là sếp, được trao cái quyền bảo vệ và lãnh đạo người khác, thì đừng lúc nào cũng giận hờn, chắc lép, bắt bẻ nhân viên những cái vặt vãnh, và hãy bao dung hơn với những sai lầm của nhân viên. Đừng vì mình là sếp mà bắt ne bắt nẹt anh em. Đã thế thì đừng làm “sếp”, làm “anh” nữa.

Lão sếp cũ của mình đi đâu cũng không bao giờ để nhân viên hầu. Đi chơi toàn lão tự lái xe đưa đi, rồi tự bỏ tiền trả cho nhân viên, nhiều lúc làm mình phát ngượng. Lão cũng rất ít khi để tâm đến những tiểu tiết vặt vãnh về ứng xử mà nhiều lúc mình cũng không để ý và dễ làm cấp trên phật ý. Thế nên lão rất được lòng hội cộng sự và mình chưa thấy ai kêu lão không sòng phẳng và đàng hoàng bao giờ.

Mình học được rằng: đừng bắt cấp dưới phải chạy theo mình nhiều, đừng xét nét quá làm mọi người dưới mình mệt mỏi vì những chuyện không cần thiết ví dụ như tung hô, nịnh bợ. Tất nhiên luôn có một ranh giới giữa sự cầu kỳ phù phiếm và sự nghiêm túc tôn trọng tối thiểu. Khi đi công tác, không bao giờ mình bắt nhân viên của mình phải mang hộ mình cái này cái kia. Mình vẫn bảo hội ấy: “Ở văn phòng thì em là nhân viên của anh, nhưng đi ra ngoài đường, hết giờ làm việc thì anh em mình bình đẳng. Ngoại trừ công việc, em không phải hầu hay chạy theo anh bất cứ cái gì hết.”

4. Bài học thứ 4: Đừng bao giờ tỏ ra mình là kẻ thông minh nhất trong tổ chức

Mình từng dự rất nhiều cuộc họp mà tổng giám đốc hoặc chủ tịch, ngồi nói thao thao bất tuyệt, chiếm diễn đàn từ đầu đến cuối buổi. Có lãnh đạo chưa nghe hết bản trình bày của nhân viên thì mặt đã nhăn như bị và cau có làm nhân viên vừa nói vừa phải đoán ý liệu mình trình bày thế có đúng ý lão không. Thế là đám nhân viên “chán chả buồn nói hay làm, kệ sếp muốn thế nào gì thì em làm thế ấy” vì “tụt mẹ nó “mood” rồi (cảm hứng làm việc).” Sau đó, các vị đó lại bảo mình: “tại sao anh không có nhân viên giỏi, em ạ” hoặc “nhân viên của chị nó chả ra gì”. Mình im lặng nghĩ bụng: ông nói lắm thế, lúc nào cũng vỗ ngực mình giỏi và chê bai nhân viên thì chả ai muốn làm với ông cả.

Sẽ chả có nhân viên nào muốn làm việc với một sếp mà lúc nào mình cũng cảm thấy thua kém và không thể đóng góp gì hơn được. Chỉ có sếp “ngu” mới trở thành kẻ thông minh nhất. Nhân viên sẽ luôn cảm thấy thấp kém, mặc cảm nếu nói cái đếch gì sếp cũng hơn và có thể bẻ lại.

5. Bài học thứ 5: Hãy yêu mình, hãy trao quyền và đừng làm việc mà người khác làm được.

Hồi mình mới tập tọng làm quản lý, ông già mình luôn bảo: “Này, tôi thấy anh/chị làm quản lý mà sao cứ đầu tắt mặt tối suốt thế thì lãnh đạo kiểu gì, làm sếp kiểu gì. Thế thì anh đi làm thuê đi, sao phải khổ thế”.

Mình toàn cãi ông già là “tại con nhiều việc lắm”. Ông bảo: “anh cứ buông ra xem nào. Có đến mức bận thế không hay cái gì anh chị cũng vơ vào. Hồi tôi làm quản lý thì thì không bao giờ có chuyện tôi ngồi thâu đêm suốt sáng ở văn phòng nếu đã xong việc. Tôi cứ đi về nhà với các anh, ông sếp nào muốn làm thêm thì cứ việc, không phải tôi.”

Sau này vỡ mặt ra quá nhiều lần, mình nhận ra rằng, nếu mình không biết sống cho mình, làm việc cho hiệu quả, giao quyền và chọn những việc quan trọng để làm thay vì ôm đồm thì mình hại cả mình, lẫn hại cả nhân viên mình. Cả nhân viên và sếp lúc nào cũng mệt mỏi và ghét nhau.

Thay vì những lúc đày đoạ nhau như thế, mình đi tập gym, đánh golf, đọc sách, và tha cho hội nhân viên của mình bởi những đòi hỏi mà ngày hôm sau họ làm cũng được. Mình có sức khoẻ, tinh thần thoải mái, nhân viên của mình có thời gian cho chính họ và sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

“Kẻ nào không yêu và trân trọng chính mình thì đừng nghĩ là kẻ đó yêu được công ty và trân trọng nhân viên mình.”

(Bài viết theo đơn đặt hàng từ ban nhân sự của EQuest Education yêu cầu có một buổi đào tạo các lãnh đạo mới được bổ nhiệm. Ảnh lấy trên mạng)

Toan Nguyen

Bài viết được chia sẻ trên Facebook

 

Ông Nguyễn Quốc Toàn hiện là giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE), một trong những tập đoàn giáo dục lớn tại Việt Nam. IAE hiện đang sở hữu 9 cơ sở giáo dục như Ivyprep Education, iSmart Education, EQuest Academy, Đại học Phú Xuân…

Ông Toàn tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến và xây dựng hành lang pháp lý một số văn bản trong lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toàn còn là một doanh nhân, nhà kinh tế. Ông đồng sáng lập một số doanh nghiệp về tư vấn ngân hàng đầu tư, giáo dục và công nghệ giáo dục.

Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học New York năm 2004.