Mạng 5G – lợi hại song hành
Nhanh hơn, to lớn hơn, hiệu quả hơn là điều ai cũng muốn. Nhưng, liệu chúng ta có thực sự hiểu đầy đủ về nó và liệu cuộc chơi 5G hoàn toàn không có rủi ro?
Mạng 5G sắp được thử nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong năm 2019, trước khi triển khai rộng khắp cả nước. Chúng ta hồ hởi đợi chờ, kỳ vọng, nhưng chưa nhiều người chý ý đến những nguy hại của nó tới sức khỏe con người và môi trường sống.
Lợi ích to lớn
Ai cũng bị thu hút bởi những viễn cảnh mà 5G được cho là sẽ mở ra, như “cuộc cách mạng kinh tế số”, là “công nghệ đột phá nhất” trong thế kỷ 21, là vạn vật kết nối…. Theo các chuyên gia mạng, tốc độ nhanh hơn, kết nối nhanh hơn và truy cập lên đám mây nhanh hơn là ba lợi ích chính mà 5G sẽ mang lại cho thế giới. Để bạn dễ hình dung: Tải một video 8K hay một bộ phim 3D về thiết bị cá nhân, người dùng 5G chỉ mất 3 giây thay vì 6-8 phút nếu dùng 4G.
5G cho phép rất nhiều thiết bị truy cập mạng cùng một lúc, kể cả tivi, máy điều hòa, các thiết bị cảm biến, xe tự hành, người máy…, với độ trễ giữa thiết bị và máy chủ mà chúng đang kết nối gần như bằng 0. Điều này đồng nghĩa rằng các loại ôtô tự lái sẽ xử lý mọi thông tin để có quyết định kịp thời trong “nháy mắt” trong các tình huống sống còn; ngành y tế thì có thể tin vào thời đại mới với công nghệ điều trị từ xa và phẫu thuật tự động.
Nguy hại ít được chú ý
Ngoài vô số thông tin về nguy cơ tấn công mạng, còn có cảnh báo của các nhà khoa học về mối nguy hại của 5G đối với sức khỏe con người và môi trường. Ít ai để ý điều này.
Mạng 5G sẽ sử dụng sóng vô tuyến siêu cao tần (MMW), giúp bảo đảm tốc độ nhanh hơn, băng thông rộng hơn, nhưng cũng có nghĩa là nguy hiểm hơn.
Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nhiều năm qua đã chỉ ra rằng bức xạ tần số vô tuyến là nguyên nhân gây các tổn thương não bộ, suy giảm hệ miễn dịch và gia tăng nguy cơ ung thư. Một khi 5G chính thức được sử dụng, con người sẽ chìm trong môi trường bức xạ với mức độ nguy hiểm hơn nhiều. Vì sao vậy?
Sóng vô tuyến siêu cao tần có bước sóng ngắn, khó xuyên qua tường, do đó đòi hỏi mật độ lắp đặt ăng ten dày đặc hơn nhiều. Công nghệ 5G sẽ cho phép sử dụng các ăng ten mảng pha nhỏ để gửi và nhận tín hiệu. Và mỗi cột đèn, mỗi trạm xe buýt, hay các điểm trường học, công viên, bệnh viện, mỗi dãy phố đều sẽ hiện diện các cột ăng ten 5G.
Mỗi sản phẩm 5G cũng sử dụng nhiều ăng ten để tạo ra chùm bức xạ mạnh trở lại các cột ăng ten cố định hoặc hướng tới một vệ tinh cụ thể trong không gian. Công suất bức xạ hiệu quả của ăng ten mảng pha 5G trong điện thoại sẽ mạnh hơn 10 lần so với điện thoại 4G. Đáng chú ý, một khi mọi thiết bị thông minh khác đều được kết nối 5G, bức xạ vô tuyến của chúng còn mạnh gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với điện thoại di động.
Bạn có thể hình dung nếu đang ở một nơi đông người, như sân bay hay ga tàu, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn chùm phóng xạ vô hình bay qua môi trường với tốc độ ánh sáng và xuyên qua cơ thể chúng ta.
Theo nhà nghiên cứu Arthur Firstenberg, 5G còn nguy hiểm hơn nhiều so với các hệ thống truyền thông vi sóng trước đây ở chỗ: Khi một trường điện từ thông thường đi vào cơ thể, nó sẽ khiến các điện tích chuyển động và dòng điện chạy qua. Nhưng khi các xung điện từ cực ngắn đi vào cơ thể (sóng 5G), chính các điện tích chuyển động trở thành các ăng ten nhỏ phát lại trường điện từ và đưa nó vào sâu hơn trong cơ thể.
Theo ước tính, trong1-2 năm tới, để phục vụ thiết lập mạng 5G khắp nơi trên thế giới, có đến 20.000 vệ tinh sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái Đất. Việc này góp phần làm trầm trọng hơn ô nhiễm không khí, gây hại cho sức khỏe hệ thực, động vật và đe dọa hệ sinh thái tự nhiên của Trái Đất.
Mạng 5G nhanh hơn, to lớn hơn, hiệu quả hơn. Nhưng bạn có sẵn sàng phớt lờ mọi cảnh báo nguy hiểm để lao vào cuộc chơi?
Minh Hiếu