Con đường lên sàn chứng khoán của WeWork tưởng êm đẹp nhưng lại hóa thành cơn ác mộng. Những lo ngại xoay quanh các vấn đề của công ty này bao gồm quản trị, quản lý bất động sản, kế hoạch tiếp quản, sự gắn bó của nhân viên, và những vụ mua bán bản quyền gây tranh cãi đã khiến các nhà đầu tư phải dè chừng. Dù đã 2 lần sửa đổi bộ tài liệu IPO của mình, nhưng những quan ngại kể trên vẫn chưa được giải quyết, và công ty này vẫn chưa thể điền tên mình trên sàn chứng khoán.

Theo báo cáo của Reuters, WeWork đang hướng tới mức định giá 10 tỉ USD khi IPO, thấp hơn rất nhiều so với tham vọng 47 tỉ USD trong kế hoạch IPO ban đầu. Giá trị 10 tỉ USD này chỉ cao hơn một chút so với tổng vốn đầu tư mà WeWork đã gọi được trước đó: 8.39 tỉ USD (từ năm 2011), theo số liệu từ Pitchbook.

Nguồn ảnh: Internet

WeWork được thành lập vào năm 2010 bởi Adam Neumann (CEO), cùng vợ là Rebekah Neumann, và một co-founder khác là Miguel McKelvey. Startup có trụ sở ở New York này cho các startup khác thuê văn phòng làm việc, và đã mở rộng thị trường của mình đến hơn 100 thành phố trên 29 quốc gia. Kế hoạch mở rộng mạnh mẽ này yêu cầu WeWork cần liên tục gọi vốn và đốt hàng tỉ dollar.

Mức độ tăng trưởng đáng kinh ngạc đã giúp WeWork trở thành một chú “siêu kỳ lân”, khiến các nhà đầu tư, từ các quỹ mạo hiểm đến các quỹ tương hỗ và Vision Fund (của Softbank), không ngần ngại bơm tiền để tăng định giá của của chú kỳ lân này.

Adam Neumann và Miguel McKelvey. Nguồn ảnh: Internet

Tuy nhiên hiện tại, động cơ của WeWork gặp trục trặc chí mạng, và chiếc tên lửa bắt đầu rơi. Dưới đây là lịch sử định giá của WeWork từ năm 2011 cho đến nay:

THÁNG 10/2011: 1 TRIỆU USD VÒNG SEED, MỨC ĐỊNH GIÁ KHÔNG ĐƯỢC TIẾT LỘ

Khoản đầu tư 1 triệu USD vòng seed vào tháng 10/2011 đến từ DAG Ventures, với mức định giá không được công bố.

THÁNG 7/2012: 17 TRIỆU USD SERIES A, 97 TRIỆU USD ĐỊNH GIÁ

Chỉ trong vòng chưa đầy một năm sau vòng seed, WeWork gọi vốn series A vào tháng 7 năm 2012. Khoản đầu tư 17 triệu USD được rót vào, nâng định giá của WeWork lên 97 triệu USD, đến từ một nhóm các nhà đầu tư không công khai.

THÁNG 5/2013: 40 TRIỆU USD SERIES B, 440 TRIỆU USD ĐỊNH GIÁ

WeWork không công khai danh tính của nhà đầu tư đã rót 40 triệu USD vốn series B cho mình. Sau vòng này, giá trị của startup này tăng lên 440 triệu USD (gấp hơn 4.5 lần chỉ sau chưa đầy 1 năm).

Nguồn ảnh: Internet

THÁNG 2/2014: 150 TRIỆU USD SERIES C, 1.49 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Càng đốt tiền, startup này tăng trưởng càng chóng mặt. WeWork chính thức gia nhập hàng ngũ “Kỳ lân” (Unicorn) vào tháng 2/2014, sau khi nhận khoản đầu tư series C lên đến 150 triệu USD. Lượng đầu tư này đến từ nhiều tổ chức, bao gồm JP Morgan Chase, Harvard Management, Benchmark Capital, và Mort Zuckerman.

THÁNG 10/2014: 335 TRIỆU USD SERIES D, 5 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Chỉ 8 tháng sau, giá trị của WeWork đã tăng lên con số 5 tỉ USD sau khi gọi thêm 335 triệu USD vốn series D từ T. Rowe Price, Wellington Management và Goldman Sachs.

THÁNG 6/2015: 434 TRIỆU USD SERIES E, 10.23 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Đến tháng 6/2015, WeWork đã tiến đến giai đoạn sau của quá trình gọi vốn tư nhân với khoản đầu tư 433.93 triệu USD series E từ Fidelity. Những nhà đầu tư khác trong thương vụ này không được công khai. Và mức định giá của WeWork đã tăng lên đến 10.23 tỉ USD sau vòng này.

THÁNG 4/2016: HUY ĐỘNG VỐN VAY (DEBT FINANCING), ĐỊNH GIÁ KHÔNG ĐỔI

WeWork tiến hành đợt huy động vốn vay đầu tiên của mình vào tháng 4/2016 với Wells Fargo. Lượng vốn huy động không được công khai đã không làm thay đổi mức định giá của startup này so với con số 10.23 tỉ USD từ tháng 6/2015.

THÁNG 10/2016: 690 TRIỆU USD SERIES F, 16.9 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Đợt huy động vốn vay vào tháng 4/2016 đã giúp WeWork có thời gian để chuẩn bị cho đợt gọi vốn 690 triệu USD series F vào tháng 10 năm đó. Legend Holdings và Hony Capital, cùng tất cả các nhà đầu tư từ những vòng trước đó, cùng tham gia vào thương vụ này, nâng định giá của WeWork lên con số 16.9 tỉ USD.

Ông Masayoshi Son, chủ tịch Softbank. Nguồn ảnh: Internet

THÁNG 8/2017: CỔ ĐÔNG BÁN CỔ PHẦN CHO SOFTBANK, ĐỊNH GIÁ KHÔNG ĐỔI

Một nhóm các nhà đầu tư không công khai đã bán lại lượng cổ phần trị giá 1.3 tỉ USD cho quỹ Vision Fund của Softbank. Thương vụ này không làm thay đổi giá trị của WeWork.

THÁNG 8/2017: 1.7 TỈ USD SERIES G, 21.2 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Trong cùng tháng đó, Softbank cũng dẫn đầu khoản đầu tư 1.7 tỉ USD series G vào WeWork cùng các quỹ Catalyst Investors, Alpha JWC Ventures, Syren Capital Advisors, Primary Venture Partners và StraightPath Venture Partners. Sau 7 năm thành lập, giá trị của WeWork đã nâng lên con số 21.2 tỉ USD.

THÁNG 1/2019: CỔ ĐÔNG TIẾP TỤC BÁN 1 TỈ USD CỔ PHẦN CHO SOFTBANK, ĐỊNH GIÁ 20 TỈ USD

Softbank tiếp tục mua lại 1 tỉ USD cổ phần của WeWork vào tháng 1/2019 từ một số nhà đầu tư và nhân viên trong công ty. Với mức định giá 20 tỉ USD, WeWork có mức post-money valuation thấp hơn, nhưng vẫn cao hơn mức pre-money của vòng gọi vốn series G 18 tháng trước đó.

THÁNG 1/2019: 5 TỈ USD ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP TỪ SOFTBANK, 47 TỈ USD ĐỊNH GIÁ

Việc Softbank mua lại cổ phiếu của WeWork là bước đầu cho khoản đầu tư 5 tỉ USD trực tiếp vào công ty này, nâng mức định giá lên 47 tỉ USD, nhiều hơn gấp đôi so với định giá trước đó, theo số liệu từ Pitchbook. Vòng đầu tư này bao gồm 1 tỉ USD nợ chuyển đổi và 3 tỉ USD hợp đồng đảm bảo (warrant agreement).

THÁNG 5/2019: 110 TRIỆU USD HUY ĐỘNG VỐN VAY, ĐỊNH GIÁ KHÔNG ĐỔI

WeWork huy động 110 triệu USD vốn vay từ Citizens Bank và Pacific West Bank vào tháng 5/2019. Đợt huy động này không làm thay đổi giá trị công ty.

THÁNG 8/2019: WEWORK NỘP TÀI LIỆU IPO

WeWork nói trong tài liệu S-1 của mình rằng công ty này lên kế hoạch gọi khoản đầu tư 1 tỉ USD sau khi IPO, dù con số này được coi như một chiến lược giữ chỗ trên sàn mà thôi. Công ty này không tiết lộ chi tiết về số lượng cổ phiếu họ muốn bán, hay mức định giá mà công ty này mong muốn.

 

THÁNG 8-10/2019: “GOM CỦI 3 NĂM, CHÁY 1 GIỜ” – NHỮNG KHỦNG HOẢNG LIÊN TIẾP

Ngày 14/8: Trong tài liệu S-1, số liệu cho thấy khoản lỗ 2.9 tỉ USD trong 3 năm vừa qua, và lỗ 690 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019.

Ngày 5/9: WeWork cân nhắc lại mức định giá mục tiêu của mình trong khoảng 20-30 tỉ USD cho IPO.

Ngày 8/9: Dow Jones đưa tin WeWork đang cân nhắc hạ mức định giá của mình xuống dưới 20 tỉ USD.

Ngày 13/9: Reuters đưa tin rằng định giá của WeWork đã xuống ngưỡng từ 10-12 tỉ USD cho IPO. Công ty này cho biết họ sẽ loại bỏ những đặc quyền ưu tiên của Neumann trong quá trình đưa ra quyết định của Hội đồng quản trị.

Ngày 16-18/9: WeWork tạm hoãn IPO tới sớm nhất là tháng 10. Cổ phiếu công ty giảm tới mức kỷ lục.

Ngày 20/9: Wendy Silverstein, Co-head của WeWork Real Estate Investment, từ chức.

Ngày 22/9: Một số thành viên trong hội đồng quản trị đưa ý kiến loại bỏ Neumann khỏi vị trí CEO.

Ngày 24/9: Neumann rời khỏi vị trí CEO, nhưng vẫn là chủ tịch của công ty.

Tháng 10/2019: Softbank lên kế hoạch chi 8 tỉ USD để nắm quyền kiểm soát WeWork, đồng thời chi 1.7 tỉ USD để Neumann rời khỏi công ty.

Ngày 23/10/2019: WeWork chấp nhận gói đầu tư 9.5 tỉ USD từ Softbank, đồng thời đổi lại 80% cổ phần công ty cho tập đoàn tới từ Nhật Bản.

Những diễn biến của vụ bê bối lịch sử này vẫn còn tiếp diễn. Liệu WeWork sẽ làm gì để vượt qua vực thẳm này? Softbank có thể cứu lấy “chú kỳ lân đã gãy sừng”? Adam Neumann có chịu rời khỏi công ty mình đã sáng lập?