Ký sự 10 ngày xây dựng COVID-19 Check của Startup Got It
Những ngày gần đây, chúng ta chứng kiến sự xáo trộn lớn chưa từng thấy của cả thế giới trong thập kỷ vừa qua do sự lây lan của dịch COVID-19. Đây không chỉ là một vấn đề liên quan đến sức khoẻ con người mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế toàn cầu. Trước tình trạng này, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ đã có các hành động khác nhau để chung sức giảm bớt sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Với Got It, chúng mình đã xây dựng COVID-19 Check — một ứng dựng giúp cho các cơ quan quản lý và người dân có thể nắm bắt kịp thời tình trạng bệnh của mình.
Trong bài viết hôm nay, Got It sẽ không nói về cơ chế hoạt động của ứng dụng này quá nhiều nữa. Thay vào đó, chúng mình sẽ kể cho các bạn câu chuyện thú vị đằng sau nó, về quá trình làm nên sản phẩm chỉ kéo dài 10 ngày của những con người đặc biệt tại Got It. Hãy cùng lắng nghe nhé!
Giới thiệu về COVID-19 Check.
COVID-19 Check là một dịch vụ giúp người dùng có thể kiểm tra được khả năng bị lây nhiễm với Corona virus (SARS-CoV-2) theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế Việt Nam. COVID-19 Check cũng trợ giúp các cơ quan phòng dịch dự đoán và khoanh vùng những cá nhân cần được cách ly để theo dõi và chữa trị, tránh lây lan virus ra cộng đồng.
Ứng dụng hoạt động bằng cách xây dựng một mạng lưới (network) các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong vòng 14 ngày (thời gian ủ bệnh phổ biến) thông qua việc thu thập dữ liệu từ cộng đồng. Mạng lưới tiếp xúc này sẽ được định hình và cập nhật hàng ngày, người dùng nếu đã tiếp xúc với một trường hợp mới nhiễm bệnh sẽ được cảnh báo ngay lập tức. Những người dùng khác có liên quan cũng được tự động chuyển trạng thái theo hệ thống phân loại F0 tới F5 và được thông báo để có thể chuẩn bị trước cho các tình huống khác nhau.
Để sử dụng COVID-19 Check, người dùng chỉ cần có một số điện thoại di động để định danh và tránh spam hệ thống. Chúng ta có thể đăng nhập COVID-19 Check hàng ngày để cập nhật các mối quan hệ của mình, kiểm tra trạng thái của bản thân để có các biện pháp kịp thời.
COVID-19 Check ra đời thế nào?
Còn nhớ khi ấy là tuần thứ 5 toàn bộ nhân viên Got It làm việc tại nhà kể từ khi có dịch. Cả team đã rất hào hứng, sẵn sàng cho kế hoạch quay trở lại văn phòng bởi đã hơn 20 ngày Việt Nam không phát sinh ca bệnh mới. Thế nhưng, thật không may khi ngay đêm hôm đó, ca nhiễm thứ 17 được công bố khiến cả nước bàng hoàng. Lúc này, chúng tôi chỉ còn biết chấp nhận sống chung với lũ và xác định sẽ phải làm việc tại nhà lâu dài. Trước tình cảnh ấy, anh Hùng Trần nói với cả team: “Nếu muốn quay lại văn phòng làm việc sớm thì phải nghĩ ra cách gì đó để tham gia chống dịch, dù là việc nhỏ hay lớn, chứ ngồi chờ thì biết tới bao giờ?”.
Trong bối cảnh người nhiễm virus đã gặp gỡ rất nhiều người khác trong thời gian ủ bệnh, các thành viên của Got It nhận thấy việc xác định nhanh chóng các mối tiếp xúc là rất cần thiết. Vì vậy, chỉ vài ngày sau, một mạng lưới các mối tiếp xúc giữa các cá nhân trong 14 ngày đã được đề xuất. Mạng lưới này sẽ được minh hoạ bằng đồ thị và sử dụng nguồn dữ liệu do cộng đồng cung cấp. Từ đó, bất cứ khi nào có một ca dương tính với virus, việc xác định những người có rủi ro nhiễm bệnh theo phân loại từ F0 tới F5 của Bộ Y tế sẽ được tính toán và tìm ra tức thời. Đây chính là tiền đề để Got It xây dựng COVID-19 Check.
Làm COVID-19 Check cũng giống như làm startup
Thế nhưng vào lúc đó, ý tưởng mới chỉ là ý tưởng. Trong số 4 kỹ sư tình nguyện tham gia dự án này (1 Backend Engineer, 3 Frontend Engineers), chưa ai thực sự hình dung được cách xây dựng ứng dụng, bởi đây không phải công nghệ mà Got It thường dùng. Nhưng các thành viên trong đội đã chốt một câu (mà mọi người tự nhận là) “đầy mùi startup”: Không biết thì mình học, làm sai thì mình sửa!
Thực chất, dù đã học về lý thuyết đồ thị nhưng từ khi ra trường, chẳng ai trong team thực sự áp dụng kiến thức này vào thực tế, đặc biệt là sử dụng một loại database nào đó để xây dựng sản phẩm. Vậy nên, các kỹ sư trong team đã phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng để quyết định mình sẽ sử dụng công cụ nào. Cũng giống như khi làm startup, mọi thứ đều mù mờ trong những giai đoạn đầu tiên, thậm chí có nhiều lựa chọn phải đập đi xây lại. Là leader trẻ tuổi của team Got It Analytics Platform, Thắng (Frontend Engineer) đã thử áp dụng những kiến thức này nhưng không thành công. Thất bại, Thắng lại cùng Ken (Backend Engineer) tiếp tục nghiên cứu cấp tốc nhiều mô hình và cuối cùng cũng tìm ra được một công nghệ phù hợp: Neo4J.
Got It sử dụng Neo4J như một cơ sở dữ liệu đồ thị để lưu trữ thay vì các cơ sở dữ liệu dạng bảng hay tài liệu khác. Đây có thể coi như công nghệ lõi góp phần xây dựng COVID-19 Check thành công.
Dù đã chọn được công nghệ phù hợp nhưng đây lại là lần đầu hai chàng trai sử dụng Neo4J để xây app. Thắng và Ken đã gặp không ít khó khăn khi vừa phải tự học, vừa phải mày mò làm sản phẩm. Nhưng khi được hỏi đến, cả hai lại vô cùng thoải mái: “Không hiểu thì đành tra Google thôi, tắc chỗ nào thì gỡ chỗ ấy. Có gì thì hai anh em đồng hành với nhau”. Tôi thực lòng khâm phục hai anh, vì tinh thần dám nghĩ dám làm và sẵn sàng xông pha ấy — một tinh thần luôn hừng hực trong mỗi người làm startup.
Trải nghiệm đặc biệt của những chiến binh và chặng đường phía trước…
Bật mí với bạn, COVID-19 Check được xây dựng vọn vẹn chỉ trong… 10 ngày! Với 4 thành viên, đây là một trải nghiệm mang tới nhiều cảm xúc đặc biệt, có khó khăn, và thậm chí cả những mỏi mệt.
Đầu tiên, các thành viên trong team vẫn phải làm việc công ty như bình thường. Vì vậy, team chỉ có thể dành buổi tối để thực hiện dự án tình nguyện này. Điều đặc biệt thứ hai là tình gấp rút của dự án. Vì đây là ứng dụng liên quan đến sức khỏe cộng đồng trong tình cảnh dịch bệnh thay đổi phức tạp đến từng giây, không ai có thể chần chừ được. Vậy nên, cả bốn chiến binh Thắng, Ken, Kyle và Phong luôn phải sẵn sàng thay đổi, cải thiện app bất cứ khi nào. Vì lệch múi giờ, team vẫn có những lần thức cả đêm bàn bạc với anh Hùng để giải quyết một số vấn đề và cập nhật các tính năng. Không ai muốn để việc đến hôm sau, bởi như vậy thì team không thể ra mắt sản phẩm trong thời gian nhanh nhất.
Đây là lần đầu tiên nhóm kỹ sư Got It thực hiện một project tình nguyện nên ai cũng có một trải nghiệm mới mẻ. Dù có một chút khó khăn nhưng mọi người đều thấy vui khi mình có thể góp một phần nhỏ vào công cuộc đẩy lùi thứ virus “đáng ghét” đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của biết bao người.
Sau khi ra mắt bản beta test, Got It đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều và đang tiếp thu các ý kiến để cải thiện ứng dụng. Một tin vui đến với Got It vào ngày 19/03 là Neo4J đã chính thức hỗ trợ Enterprise License (trị giá đến 200,000 USD) cho COVID-19 Check. Tin nóng hổi được gửi từ chính Vice President of Product (Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm) của Neo4J đến founder Hùng Trần đã khiến cả team rất tự hào khi việc làm của mình đã thu hút được sự ủng hộ và đồng hành từ cả những công ty công nghệ trên thế giới.
Hiện nay, đã có thêm nhiều thành viên tình nguyện tham gia dự án COVID-19 Check để cùng team khắc phục những vấn đề phức tạp hơn và sớm hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Các kỹ sư Got It đã đưa ra thêm tính năng Check In để thu thập thông tin về chuyến bay hay các địa điểm và đưa vào network. Từ đó, ứng dụng có thể để có thể phủ sóng được nhiều trường hợp hơn với hy vọng nhanh chóng xác định trạng thái của người dùng.
Hiện bản chính thức vẫn chưa được ra mắt, nhưng hãy bookmark fanpage của Got It Vietnam ngay nhé, vì rất chúng mình đang chuẩn bị tốc lực nhất để đưa COVID-19 Check “trình làng”!
Sẽ còn nhiều thử thách ở phía trước, nhưng trên tất cả, ai cũng tin rằng một việc làm dù là nhỏ của mỗi người cũng sẽ mang đến những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Với tôi, những con người đó dù nhỏ bé, dù điều họ làm ra với nhiều người cũng chẳng quá phi thường. Nhưng họ lại là những “chiến binh” thực thụ với tinh thần dám nghĩ dám làm và một tấm lòng đáng trân quý.
Trong thời khắc này, chúng ta, với sức trẻ, trí tuệ và nhiệt huyết, hãy cùng nhau hướng về Tổ quốc và lan tỏa giá trị tốt đẹp tới cộng đồng. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm trôi đi để chúng ta lại thấy được nhịp sống thường nhật, thấy những tiếng cười và niềm vui trên mọi nẻo đường đất nước.
Got It Team