Kinh tế Triều Tiên hướng về đâu
Là một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới, những số liệu thống kê về thực trạng kinh tế của Bắc Triều Tiên vừa hiếm hoi, vừa khó kiểm chứng. Nhưng dường như một số điều đã thay đổi khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền và theo đuổi chính sách phát triển kinh tế đi đôi với quốc phòng. Trên thực tế, từ năm 2012, ông Kim đã mở cửa kinh tế theo một cách riêng và kín đáo.
Trong một thời gian sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), kinh tế Triều Tiên giàu có hơn cả Hàn Quốc nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô. Lý do khác nữa là nhờ trong thời kỳ đô hộ bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản đã tập trung phát triển công nghiệp để khai thác nguồn khoáng sản dồi dào của Triều Tiên.
Nhưng sau đó, tình hình đã đảo ngược: Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và là một nền công nghiệp có tầm cỡ trên thế giới, còn nền kinh tế Triều Tiên rơi vào khó khăn, vì nhiều lý do như sự bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch tập trung, thiên tai và đặc biệt là do ảnh hưởng của cấm vận quốc tế.
Theo Heritage.org, kinh tế Triều Tiên được chấm 5,9 điểm về độ tự do, xếp cuối bảng xếp hạng 180 nền kinh tế thế giới theo số liệu mới nhất đầu năm 2019.
Yonhap dẫn báo cáo gần đây nhất của Ngân Hàng Trung Ương Hàn Quốc cho biết năm 2016, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên đạt 3,9 % – mức cao nhất kể từ năm 1999. Tuy nhiên, sang năm 2017, do áp lực của quốc tế sau hàng loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, con số này đã giảm đi mất 3,5% so với đúng một năm trước đó.
Theo Investopedia, sự thiếu hụt nguồn cung, thiếu hiệu quả hệ thống, sự lạc hậu cơ học, quản lý cứng nhắc, bất cập của mô hình, hạ tầng cơ sở xuống cấp… là những yếu tố khiến kinh tế Triều Tiên lao đao khi bước vào những năm 1980. Tiếp đó, những năm 1990 là giai đoạn tồi tệ nhất và gần như sụp đổ. GDP trong giai đoạn này tăng trưởng âm khoảng 4% mỗi năm.
Sự tan rã của Liên Xô đã làm mất đi nguồn viện trợ lớn nhất, cùng với thiên tai, bão lũ, hạn hán triền miên những năm 1994-1997 đã đẩy Triều Tiên vào một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng. Trong khi đó, mạng lưới công nghiệp của Triều Tiên, chủ yếu là công nghiệp nặng như sắt thép, xi măng, cơ khí… cũng bị đình trệ do lực cản là các chính sách cấm vận của quốc tế.
Dù vậy, các nhà quan sát và giới nghiên cứu về tình hình bán đảo Triều Tiên đều cùng ghi nhận rằng Triều Tiên là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và xuất khẩu than đá. Bên cạnh đó còn có nhiều loại khoáng sản khác như chì, đồng… Ngoài than đá và khoáng sản, nguồn đem về ngoại tệ lớn thứ hai cho Triều Tiên là nông và ngư nghiệp; kế tiếp là dệt may.
Riêng nhật báo Pháp Les Echos còn quả quyết rằng, Triều Tiên đang nắm giữ nhiều nguồn đất hiếm, rất cần cho công nghệ cao. Nói cách khác, Triều Tiên được thiên nhiên ưu đãi hơn hẳn so với Hàn Quốc.
Lên nắm quyền từ cuối năm 2011, Kim Jong-un đã nhìn nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm cách thúc đẩy kinh tế và đề xướng sách lược phát triển kinh tế song hành với tăng cường năng lực hạt nhân.
Chính sách này đã chính thức được thông qua tại Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên năm 2016. Bình Nhưỡng đã lặng lẽ tiến hành một số cải tổ kinh tế và sự kiểm soát của Nhà nước đối với nền kinh tế đã bắt đầu được nới lỏng từng bước.
Các doanh nghiệp nhà nước có nhiều quyền hạn hơn trong chiến lược phát triển và đường lối quản lý, được tự do hơn trong việc đa dạng hóa sản xuất. Doanh nghiệp tư nhân bắt đầu được hoạt động, Người dân được cho phép mua bán trên thị trường “chợ đen”.
Một số nhà máy được phép mở các cửa hàng riêng để trực tiếp bán các sản phẩm sau khi đã hoàn thành các chỉ tiêu Nhà nước giao. Nông dân làm việc cho các hợp tác xã của nhà nước nay cũng được quyền canh tác và bán nông phẩm ra thị trường.
Chuyên gia Antoine Bondaz nói đến một sự “chuyển mình” của kinh tế Triều Tiên và một nền kinh tế thị trường đang manh nha: “Có một sự thay đổi thực sự kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Kinh tế nước này trên đà thị trường hóa, có nghĩa là Nhà nước cho phép các doanh nghiệp được tự do mua bán hơn một chút và cho một số cửa hàng quốc doanh trước đây nhiều quyền hạn hơn”.
RFI nhận định có thể nói là từ một vài năm trở lại đây, kinh tế Triều Tiên không còn hoàn toàn là một nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa cứng nhắc như xưa. Một số phóng viên quốc tế được mời đến tham quan Triều Tiên đều ghi nhận: Triều Tiên không là một nền kinh tế bị kiệt quệ, nhiều toà nhà chọc trời đã mọc lên tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Tại nhiều cửa hàng quốc doanh, các gian trưng bày không còn thưa thớt như những hình ảnh từng thấy tại Liên Xô xưa kia. Thậm chí cùng một mặt hàng tiêu dùng, có vài ba nhãn hiệu khác nhau. Đó là một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã bắt đầu du nhập khái niệm “cạnh tranh”.
Reuters đánh giá các tác động của những cải tổ kinh tế có thể được thấy rõ ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi mà một tầng lớp trung lưu đang hình thành và ngày càng đông đảo. Nhưng do Triều Tiên vẫn bị quốc tế áp đặt trừng phạt nên các kết quả của chính sách cải tổ kinh tế còn khiêm tốn.
Chính vì vậy, mục đích hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là tìm cơ hội dỡ bỏ cấm vận để phát triển kinh tế. Việc học hỏi các mô hình kinh tế của các nước láng giềng cũng được một số quan chức Triều Tiên đề cập, tuy còn dè dặt.
Thời cơ có vẻ như đã tới gần với Triều Tiên, nhưng từ mong muốn, quyết tâm đến hiện thực là quãng đường đòi hỏi có các bước đi thực tế./.
Minh Thu (Tổng hợp)