Để có thể thu hút khách hàng một cách tốt nhất, các sản phẩm phải đem lại cho người dùng sự thoải mái và cách để làm được điều đó chính là các sản phẩm đừng quá khác biệt.

Mặc dù, xã hội hiện đại luôn mong muốn một thứ gì đó ‘sáng tạo và mới mẻ’, tuy nhiên tỷ lệ số người có thể chấp nhận ngay một điều mới rất khiêm tốn, con số chỉ vào khoảng 16%.

Đối với một nhà marketing đặc biệt là các startup luôn muốn ‘tăng trưởng nhanh chóng’ thì con số 16% không thể biến một sản phẩm trở thành đại trà. Do đó, việc cung cấp ra một sản phẩm được phần lớn khách hàng đón nhận rất khó khăn.

Một nghiên cứu của Giáo sư BJ.Fogg thuộc Phòng thí nghiệm Công nghệ Tiềm năng, đại học Stanford đã chỉ ra rằng: “Con người về cơ bản là lười biếng, do đó, các sản phẩm đòi hỏi mọi người phải học những điều mới thường sẽ không thành công.”

Rất nhiều các công ty luôn muốn áp dụng các công nghệ tiên tiến, hoặc một sản phẩm mới từ nơi khác vào thị trường của mình. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đó đều thất bại thảm hại.

Dưới đây là một ví dụ về việc mang một sản phẩm từ một nơi khác đến và phải thay đối nó để được thị trường chấp nhận.

Người Mỹ thường đã từng rất nhạy cảm với thức ăn sống. Vào những năm 70, cá sống, đậu phụ và rong biển đối với người Mỹ không phải thức ăn. Do đó, hầu như không có một nhà hàng Sushi nào tại Mỹ vào thời kỳ đó.

Tuy nhiên, nhà hàng California Roll đã hiểu được ẩm thực Nhật Bản và tạo ra sự khác biệt. Sushi của California Roll kết hợp những nguyên liệu quen thuộc với khẩu vị của người Mỹ: gạo, quả bơ, hạt vừng, thịt cua và chỉ có mỗi rong biển là vật liệu khác biệt duy nhất.

California Roll đã mở ra một cánh cửa để khám phá ẩm thực Nhật Bản. Trong vài thập kỷ tiếp theo, việc đi ăn tại các nhà hàng Sushi đã trở thành xu thế. Giờ đây, người Mỹ tiêu hơn 2,25 tỷ USD mỗi năm cho loại ẩm thực này.

Bài học của California Roll rất đơn giản: khách hàng không muốn một thứ hoàn toàn mới, họ muốn một thứ quen thuộc được làm khác đi.

Tuy nhiên, không chỉ riêng California Roll áp dụng cách thức này. Apple cũng hiểu được sức mạnh của sự quen thuộc.

Khi làm máy tính Mac, Apple đã áp dụng phong cách thiết kế mô phỏng (Skeuomorphism) cho các biểu tượng như thùng rác, notepad trên màn hình của mình. Các ứng dụng iOS cũng như vậy, ví dụ: Apple Wallet giúp người dùng cảm thấy thoải mái với công nghệ bằng cách làm các tùy chọn thanh toán trông giống như thẻ tín dụng mini.

Khi mô tả Apple Watch – đồng hồ thông minh, Jone Ive nói mục đích của ông là tạo ra một chiếc đồng hồ “mới lạ mà quen thuộc”.

Kinh nghiệm từ các công ty lớn như Apple và California Roll đã chứng minh rằng không nên đưa tới cho khách hàng một thứ gì đó quá mới, bất kể sản phẩm có tốt đến mức nào, bởi vì khách hàng không muốn một thứ hoàn toàn mới, họ chỉ muốn một thứ quen thuộc được làm khác đi.

Bảo Trung (Theo Medium)