Trong quá trình tư vấn và thiết kế, tôi nhận ra rằng việc thiếu hụt trong kiến thức của nhiều lĩnh vực dẫn đến những góc nhìn thiếu sự đa chiều và tổng quát, kéo theo đó là việc những chủ farm ra những quyết định chưa sáng suốt. Bài viết này là những kinh nghiệm còn thiếu hụt của tôi và nó không phải để hù dọa mọi người.

Đây là bài viết có hướng nhìn tiêu cực để chúng ta cùng nhau mổ xẻ những vấn đề có thể dẫn đến thất bại của một farmstay ngay từ khi mới bắt đầu trong suy nghĩ.

Trong chọn lọc tự nhiên, thì chính trang trại của bạn cũng nằm trong sự đào thải nếu bạn không chuẩn bị cho những biến cố, cạnh tranh, suy nghĩ chiến lược phát triển hay chỉ đơn giản là bạn chưa yêu mảnh đất của mình đủ nhiều để thay đổi nó. Tôi thấy nông dân của những đất nước, dân tộc khác có tình yêu với mảnh đất của mình và tôn trọng nó tối cao. Điều này có tại một số dân tộc thiểu số tại Việt Nam, họ cúng rừng hàng năm. Có thể góc nhìn của tôi trong bài viết này cũng đang tôn thờ thiên nhiên một cách quá đáng.

1. NGHĨ RẰNG FARMSTAY MỞ RA CHỈ ĐỂ THU HÚT KHÁCH DU LỊCH

Nếu bạn nghĩ rằng làm farmstay là thuê hay mua một mảnh đất rồi xây dựng những nhà nghỉ, cảnh quan, trồng một ít cây nông nghiệp hoặc rau cho có trên đó rồi thu hút khách đến là xong thì đó là sai lầm lớn. Khi bạn bắt đầu với tư duy như thế này thì bạn đã hiểu sai về định nghĩa farmstay rồi. Farmstay đầu tiên là một farm – một trang trại, phần stay – nghỉ dưỡng là yếu tố được sinh ra sau khi nông sản trên trang trại đó có thể được thu hoạch. Như tôi đã đề cập trong những bài viết lần trước, một farmstay thành công là một farmstay mang lại trải nghiệm khác biệt duy nhất cho du khách. Nói cách khác, một farmstay thành công là một farmstay chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng.

Khi bạn chỉ tập trung vào yếu tố nghỉ dưỡng – stay – mà bỏ qua yếu tố nông trại – farm – thì bạn đã vô tình đánh mất đi bản sắc, linh hồn farmstay của mình. Và với thị trường du lịch ngày càng khó tính những năm gần đây, một farmstay không có điểm khác biệt về trải nghiệm sẽ trở nên nhạt nhòa giữa những đối thủ luôn tìm cách đổi mới trong thế giới cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.

2. FARMSTAY LÀ MỘT XU HƯỚNG THU LỢI NHANH

Một số người thấy gần đây xu hướng du lịch nông nghiệp và farmstay đang phát triển mạnh mẽ nên họ nghĩ rằng farmstay là hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Có thể trong lúc tính toán nguồn thu từ farmstay, họ đã cảm tính nghĩ rằng 100% số phòng xây lên sẽ kín khách đến ở, rồi nhân số tiền với số ngày trên tháng, tiếp tục nhân với số ngày trên năm để ra được doanh thu. Trong tư duy này có mấy điểm sai:

– Thứ nhất, farmstay không mang lại nguồn lợi nhanh chóng bởi vì bản chất của farmstay là một trang trại canh tác nông sản, mà nông sản thì cần thời gian nhất định mới cho thu hoạch. Vậy nên đừng nghĩ rằng sau ba hoặc sáu tháng thì mảnh đất của bạn đã mang lại thu nhập đủ để chi trả cho chi phí đầu tư, nhân sự, marketing,…

– Thứ hai, các phòng trong khu vực nghỉ dưỡng nếu không có yếu tố khác biệt, không được đầu tư xây dựng đầy đủ tiện nghi cho việc nghỉ ngơi, thư giãn thì không ai muốn quay lại trải nghiệm farmstay đó lần hai cả. Và đương nhiên, họ cũng nói với người thân rằng “Đừng đến đấy!!!”

– Thứ ba, cứ cho rằng phòng nghỉ của bạn được đầu tư đầy đủ tiện nghi và có những điểm khác biệt đi chăng nữa thì hãy lưu ý rằng việc tính thu nhập từ phần nghỉ của farmstay cũng chỉ nên rơi vào 70% mà thôi. Vì bạn phải trừ đi những ngày có thời tiết xấu, những ngày có dịch bệnh hay những thay đổi bất chợt trong kế hoạch của khách dù họ đã đặt trước.

Thông thường, các farmstay tôi tư vấn sẽ hết phòng vào cuối tuần nhưng trong tuần thì không chắc đã kín phòng.

3. FARMSTAY KHÔNG CẦN QUY HOẠCH

Những người mời tôi đi thiết kế là những người đã mường tượng được việc quy hoạch quan trọng như thế nào đến với sự phát triển bền vững của farmstay. Có một quy hoạch tốt thì sau này họ không cần dời cây, dời nhà, dời đường, không cần lo về việc thiếu nước canh tác hay những rủi ro lớn hơn như vỡ đập tràn, xói mòn đất, mất cân bằng sinh thái…

Thực ra, làm quy hoạch cũng không quá khó, chỉ cần bạn ở trên khu đất của mình, trăn trở về sự phát triển của nó, quan sát thiên nhiên, thảm thực vật, sự phát triển của vi sinh vật,… để đánh giá nội tại của đất trang trại, từ đó thuận theo tự nhiên. Ví dụ, đừng chặn dòng suối để tạo đập vì bạn đang đối kháng với tự nhiên, bạn sẽ không thể biết rằng trận mưa năm nay lớn đến mức nào đâu. Biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp hơn, mưa nhiều hơn, nắng gắt hơn và những cơn gió lạnh lẽo hơn. Thuận theo tự nhiên là cách duy nhất để bạn làm cho khu đất của mình phát triển bền vững.

4. FARMSTAY DỄ LÀM

Nhiều người nghĩ farmstay là một mô hình kinh doanh đơn giản. Nhưng hãy cẩn trọng, bởi farmstay có bản chất là canh tác nông nghiệp cộng với du lịch. Các bạn có đồng ý với tôi rằng việc canh tác nông nghiệp không đơn giản không? Vì canh tác nông nghiệp luôn phải chịu vô vàn những tác động từ bên ngoài vào cây trồng, từ thiên nhiên đến đất đai rồi cả yếu tố giống cây trồng.

Bên cạnh đó, phần nghỉ dưỡng – stay – thuộc về lĩnh vực vận hành trải nghiệm du lịch, nó không hoạt động giống như một khách sạn, nó cũng không giống cách một resort năm sao vận hành. Vì khác biệt lớn nhất của loại hình này là vận hành trải nghiệm nên bạn phải có kịch bản trải nghiệm cho khách hàng nhưng vẫn không được thiếu những tiện nghi cơ bản của một khu nghỉ dưỡng.

5. FARMSTAY KHÔNG CẦN CHIẾN LƯỢC

Tôi đã từng chia sẻ về “Chiến lược phát triển farmstay là gì?”, nếu bạn vẫn nghĩ rằng phát triển farmstay không cần chiến lược thì đừng đọc ý này nữa và chuyển qua ý tiếp theo.

Chiến lược không phải một thứ gì đó quá ghê gớm chỉ dành cho các tập đoàn và công ty lớn. Hãy hiểu một cách đơn giản rằng chiến lược chính là USP – điểm khác biệt duy nhất mà chỉ trang trại của bạn mới tạo ra trải nghiệm độc nhất cho du khách mà cho dù “ông hàng xóm” của bạn cũng không thể bắt chước được.

Còn nếu như bạn thấy chiến lược quá phức tạp thì hãy hiểu chiến lược chỉ đơn giản là một bản kế hoạch để phát triển cây trồng và vận hành trải nghiệm farmstay.

6. LÀM FARMSTAY KHÔNG CẦN DỰ TRÙ SỐ TIỀN ĐẦU TƯ, ĐẾN ĐÂU LÀM ĐẾN ĐÓ

Bất kể làm gì thì bạn cũng cần có bản kế hoạch cụ thể mà trong đó, phần dự trù số tiền đầu tư luôn chiếm vai trò quan trọng. Bởi vì, dù bạn có lên một bản kế hoạch đầu tư chi tiết, tỉ mỉ đến đâu đi nữa thì hãy luôn nhớ rằng, luôn cần ít nhất 10% cho chi phí phát sinh. Hãy tưởng tượng nếu không có phần dự trù số tiền đầu tư thì bạn phải chuẩn bị vốn bao nhiêu mới đủ? Khi đang tiến hành xây dựng farmstay, đột nhiên bạn hết tiền, thì toàn bộ công trình đứng lại nhưng một số chi phí khác vẫn phát sinh như: Chi phí nhân sự, chi phí khấu hao hoặc đôi khi là chi phí sửa chữa vì công trình xuống cấp trước khi đưa vào khai thác sử dụng.

Tôi có một lời khuyên cho các bạn: “Hãy chắc chắn với số tiền bạn bỏ ra, để im số tiền đó đừng sử dụng vào mục đích khác”. Vì khi bạn hết tiền hoặc kế hoạch thu lại số tiền ở mục đích khác bị đổ vỡ thì nó sẽ là phản ứng dây chuyền kéo theo những vấn đề liên tục cho bạn. Lúc đó, chắc chắn bạn sẽ không còn thời gian để tập trung phát triển hay xây dựng farmstay của mình vì phải chật vật xử lý những vấn đề đang liên tục xảy ra.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng