Căng thẳng Trung – Mỹ liên quan Tập đoàn công nghệ Huawei chưa có dấu hiệu dừng lại. CFO của Huawei có thể bị dẫn độ từ Canada sang Mỹ. Nhưng nếu gạt sang một bên các yếu tố chính trị, cuộc tranh cãi về việc có nên cấm hoàn toàn Huawei hay không vẫn chưa thể ngã ngũ. 

 

Các thiết bị công nghệ của Huawei có thể không phải là “mối đe dọa an ninh”. Đây là nhận định đã được ông Ciaran Martin, Giám đốc điều hành Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Anh, đưa ra tuần trước.

Ông Martin nhấn mạnh Anh có thể xử lý các rủi ro bảo mật liên quan mạng di động của Huawei và việc thử nghiệm một cách nghiêm ngặt cũng như giám sát chặt nhà cung cấp sẽ giúp giảm rủi ro. Ông  cũng nói thêm rằng “điều quan trọng là phải có sự đa dạng bền vững trong cung cấp thiết bị viễn thông”.

Ý kiến này dường như trái ngược với những cáo buộc của hàng loạt siêu cường về công nghệ, đứng đầu là Mỹ, về các mối hiểm họa khi “mở cửa” cho Huawei – vốn bị cáo buộc là một công cụ để do thám của Bắc Kinh.

Những nước này tuyên bố thẳng thừng về mối lo ngại đối với an ninh quốc gia nếu các cột sóng di động và trang thiết bị router mạng của Huawei hiện diện trong các mạng lưới có tầm quan trọng đặc biệt tại quốc gia mình.

Hiện Huawei là nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch lớn nhất thế giới cho các công ty điện thoại và internet. Khi các quốc gia tìm kiếm các nhà cung cấp để chuẩn bị mở rộng hệ thống mạng 5G, họ khó có thể bỏ qua Huawei bởi ưu thế chất lượng cao mà giá lại rẻ hơn các đối tác cạnh tranh khác.

Chính sự lớn mạnh nhanh chóng cũng như “làn sóng xâm lấn” mạnh mẽ của Huawei trên thị trường thế giới đã kéo theo mối lo cho nhiều nước. Thực tế, từ nhiều năm qua, Mỹ đã tìm cách chặn Huawei một cách hiệu quả, đồng thời cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ các công ty nước ngoài.

Một báo cáo của Hạ viện Mỹ từ năm 2012 khẳng định Huawei dính vào những vụ hối lộ, tham nhũng, vi phạm bản quyền…, đồng thời kêu gọi cấm các thiết bị của Huawei trên toàn quốc. Trong chuyến thăm châu Âu gần đây nhất vào giữa tháng 2 vừa qua, Phó Tổng thống Mike Pence đã công khai cảnh báo các đồng minh châu Âu không sử dụng Huawei.

Một số nước như Australia, New Zealand và Nhật Bản đã nhanh chóng có động thái chuyển sang sử dụng thiết bị của mình ở các mức độ khác nhau. Nhưng cũng còn nhiều nước thận trọng xem xét.

Cho đến nay, chưa có chứng cứ xác thực nào và các cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục để làm rõ cáo buộc Huawei là gián điệp công nghệ của chính quyền Bắc Kinh. Và cuộc tranh cãi về việc nên hay không “đoạn tuyệt” hoàn toàn với Huawei vẫn còn chưa có hồi kết.

Tạm xếp sang một bên sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc về vị trí thống trị công nghệ thế giới, ông Martin cho biết “các tiêu chuẩn về an ninh mạng, chứ không phải là chỉ số hoạt động thù địch của Trung Quốc”, là những tiêu chí quan trọng nhấn để Cơ quan an ninh mạng quốc gia Anh xem xét đưa ra quyết định liên quan.

Dự kiến, phải đợi tới tháng sau, Chính phủ Anh mới hoàn thành việc đánh giá các chính sách của mình về mức độ an toàn của 5G.

Theo ông Martin, từ năm 2010, Chính phủ Anh đã vận hành một trung tâm đánh giá an ninh mạng cho thiết bị của Huawei. Đây là một phần của chế độ giám sát cứng rắn và nghiêm ngặt nhất trong thế giới đối với đối tác công nghệ của Trung Quốc này. Cuối năm ngoái, trung tâm đã nêu một số vấn đề về kỹ thuật hạn chế độ an toàn của thiết bị và Huawei cho biết sẽ mất khoảng từ 3 tới 5 năm để khắc phục lỗ hổng này.

Hiện Huawei đang cạnh tranh với một vài đối thủ lớn, đáng chú ý là Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển, trong cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Ông Martin cho rằng điều quan trọng là không nên để thị trường nhà cung cấp thiết bị viễn thông bị thu hẹp quá nhiều.

Hơn nữa, bất kỳ công ty nào ở vị trí thống lĩnh thị trường quá mức cũng sẽ không được khuyến khích nếu muốn đảm bảo an ninh mạng một cách nghiêm túc, bởi chính những công ty như vậy có thể là mục tiêu tấn công của các hacker  mạnh nhất toàn cầu.

Cùng mối lo tương tự, một cường quốc châu Âu khác là Đức cũng chưa có quyết định cuối cùng. Bộ Nội vụ Đức vừa cho biết mọi việc vẫn đang được xem xét. Ngay bản thân nội bộ nước này cũng có nhiều ý kiến trái chiều nên khó đi đến một quyết định nhanh chóng.

Còn với những người ít chuyên sâu hơn thì cho rằng “chơi” với công nghệ ắt có rủi ro an ninh, bởi bất kỳ nhà công nghệ nào cũng có thể là gián điệp.

Minh Thu